(Báo Quảng Ngãi)- Giữa màn đêm, trên các công trường xây dựng kè chống sạt lở bờ biển vẫn nhộn nhịp. Hàng trăm kỹ sư, công nhân hăng say làm việc. Họ như những ánh sao đêm tỏa sáng vẻ đẹp lao động.
Hai mươi giờ đêm, không khí làm việc tại công trường bên bờ biển thuộc tổ dân phố Thạnh Đức 1, phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) vẫn rất nhộn nhịp. Dưới ánh đèn sáng rực, gần 20 cán bộ kỹ thuật, công nhân hối hả vào ca đêm. Người điều khiển phương tiện, thiết bị máy móc để nạo vét đê quay, vận chuyển và lắp đặt cấu kiện; người dầm mình dưới nước để buộc, kiểm tra dây an toàn trước khi cấu kiện được cẩu...
Đêm trên công trường thi công kè chống sạt lở bờ biển ở tổ dân phố Thạnh Đức 1, phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ). Ảnh: Mỹ Hoa |
Màn đêm tĩnh mịch như được xóa tan bởi sự sôi động, rôm rả cùng chất giọng trầm bổng, vang vọng khắp công trường của chỉ huy trưởng và cán bộ kỹ thuật. Khi thì “dịch sang phải, phía trên... dừng”; lúc lại “khối vừa đặt bị vênh, anh Hải kiểm tra phía dưới nước xem nào”... “Công trình thi công theo hình thức khẩn cấp nên thời gian thực hiện gấp rút, phải hoàn thành phát huy mục tiêu công trình ngay trong mùa mưa bão năm nay. Vậy nên, ai cũng gắng sức”, Chỉ huy trưởng công trường, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Xây lắp Phước Thành Nguyễn Mậu Khuyên nói vội.
Càng về khuya, không khí trên công trường càng sôi động. Từng đợt sóng biển vỗ mạnh vào bờ, báo hiệu thủy triều bắt đầu dâng. Tiếng máy bơm, máy cẩu như càng dồn dập. Kỹ sư, công nhân ướt sũng và lấm lem xi-măng nhưng vẫn í ới gọi nhau tăng tốc, để kịp hoàn thành các hạng mục trước 0 giờ. Tranh thủ uống ngụm chè đặc, anh Nguyễn Quốc Vinh, cán bộ kỹ thuật Công ty TNHH MTV Xây lắp Phước Thành vội góp chuyện, thủy triều bắt đầu chu kỳ giảm từ lúc 19 giờ hôm trước đến 1 giờ sáng hôm sau nên đơn vị gấp rút làm 3 ca liên tục. Anh em gắng sức hoàn thành một cách tốt nhất phần việc của mình. Việc lắp đặt cấu kiện tê-tra-pod và hol-qua-der là hạng mục quan trọng nhất đối với công trình kè chống sạt lở bờ biển. Công việc phải thực hiện dưới nước, đòi hỏi tính chuẩn xác cao, lại phải làm trong đêm nên anh em tập trung tinh thần cao độ. Chỉ cần một bước xử lý không đúng kỹ thuật là có thể làm chất lượng công trình, cũng như rủi ro trong quá trình thao tác.
Gần 1 giờ sáng, thủy triều bắt đầu dâng trở lại. Các phương tiện máy móc được di chuyển vào bên trong, mọi người vội thu dọn đồ đạc trở lại lán trại. Công trường dần chìm vào sự tĩnh lặng. Anh Vũ Minh Hải (tỉnh Ninh Bình) chẳng buồn tắm táp, mà vội vào trong lán tìm chiếc điện thoại. Nhìn 5 cuộc gọi nhỡ và nhiều tin nhắn của vợ con, anh Hải nén tiếng thở dài, tay bất chợt xoay tròn chiếc điện thoại trong vô định. Anh Hải trải lòng, quê ở xa nên tôi và một số anh em trong đội hiếm khi về thăm nhà. Đặc thù làm kè biển phụ thuộc vào thủy triều nên thời gian làm việc cũng thất thường, không quản ngại ngày đêm. Xa nhà, làm đêm mệt mỏi, nhất là khoảng thời gian từ 21 giờ hôm trước đến 3 giờ sáng hôm sau, nhưng riết rồi cũng quen. Bạn bè, người thân cũng khuyên tôi chuyển nghề, kiếm việc gần nhà và nhàn nhã hơn nhưng công việc mà, mưu sinh là một phần, quan trọng là uy tín và trách nhiệm. Thấy người dân địa phương bất an vì nhà cửa, đất đai bị sóng biển cuốn trôi, triều cường xâm thực, anh em chúng tôi lại động viên nhau cùng vượt khó, gắng sức làm việc để công trình hoàn thành càng sớm càng tốt.
Miệt mài, tỉ mẩn với công việc là hình ảnh thường thấy tại công trường bên bờ biển thôn Phước Thiện, xã Bình Hải (Bình Sơn). Ảnh: Mỹ Hoa |
Với ông Lê Ngọc Tiếp, cán bộ kỹ thuật ở công trường, quê ở thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành), việc thức khuya dậy sớm, làm việc xuyên đêm đã trở thành chuyện thường của những người theo nghiệp xây dựng công trình đê điều, kè biển. Ông Tiếp kể, thực tế thi công bao giờ cũng phát sinh nhiều khó khăn hơn thiết kế và dự tính ban đầu. Lăn lộn trên công trường mới thấm thía nỗi vất vả, hiểm nguy của đội ngũ kỹ sư, công nhân. Không chỉ tiến độ căng như dây đàn, mà điều kiện thi công kè biển khó khăn, phức tạp vì phụ thuộc vào thời tiết và thủy triều.
Vì mục tiêu đưa công trình về đích đúng hẹn để bảo vệ tính mạng và tài sản người dân nên đội ngũ kỹ sư, công nhân nỗ lực từng ngày, từng giờ để bám trụ công trường, bất kể mưa nắng, ngày đêm. Thế nên cứ khoảng 18 giờ 30 phút, công trường thi công kè chống sạt lở bờ biển thôn Phước Thiện 1 và Phước Thiện 2, giai đoạn 2, xã Bình Hải (Bình Sơn) đã sáng rực và dần sôi động.
Hàng chục phương tiện, máy móc và hơn 20 cán bộ, người lao động của Công ty CP Tiến Hưng vào vị trí, bắt đầu triển khai thực hiện việc chuyển đê quay, lắp cấu kiện hol-qua-der và đổ bê tông bến trượt thuyền D1 dài gần 34m. Với quyết tâm đảm bảo chất lượng, không để xảy ra bất kỳ sai sót nào, ông Tiếp cùng với cán bộ đại diện chủ đầu tư, đơn vị tư vấn giám sát thi công lội bì bõm dưới nước để kiểm tra từng mối hàn, đo đạc xác định lại kích thước của từng khung dầm ô sắt.
Vào lúc 20 giờ, khi thủy triều hạ ở mức cho phép, hai chiếc xe bồn trọng tải lớn nổ máy và liên tục “nhả” bê tông. Tất cả nhân lực tại hiện trường vì thế cũng tập trung cao độ, từ người chỉ huy hiện trường đến nhân công phả bê tông, hay kỹ sư kiểm tra các thông số kỹ thuật. Khi mẻ bê tông cuối cùng vừa dứt cũng là lúc đồng hồ điểm chỉ 23 giờ. “Thủy triều sẽ dâng lại vào lúc 3 giờ sáng, lúc này khối bê tông đã đủ độ kết dính, đảm bảo an toàn và chất lượng công trình”, ông Tiếp nói.
Công trường sau 23 giờ dần chìm vào bóng tối. Bờ biển thôn Phước Thiện trở lại vẻ im lặng vốn có. Toàn bộ nhân công đã về lán trại nghỉ ngơi. Ông Tiếp và một số cán bộ kỹ thuật của Công ty CP Tiến Hưng vẫn nán lại công trường để dõi theo diễn biến mực thủy triều, tình trạng bề mặt khối bê tông. Khi khối bê tông đã đông cứng, ông Tiếp mới yên tâm trở về lán trại. Họ kết thúc một ngày làm việc ngay thời khắc ngày mới bắt đầu. Như những ánh sao đêm, những người thợ xây lặng lẽ chiếu sáng trên nhiều công trường để “xây” cho người dân những niềm vui mới.
|
Nội dung: MỸ HOA
Trình bày: L.H