[Emagazine].Du lịch Quảng Ngãi: Cơ hội và thách thức (kỳ cuối)

09:43, 04/07/2023
.
 
 
 
 

Mặc dù sở hữu tiềm năng du lịch phong phú, nhưng du lịch Quảng Ngãi vẫn còn là “viên ngọc thô” đang cần được “mài giũa” để làm nên những sản phẩm giá trị. Lượng khách du lịch đến Quảng Ngãi hiện vẫn còn thấp so với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và các tỉnh, thành phố lân cận. Thực tế cho thấy, hạ tầng du lịch của Quảng Ngãi còn hạn chế. Toàn tỉnh hiện có 370 cơ sở lưu trú, với tổng số 4.800 phòng. Trong đó, có 2 khách sạn 4 sao, 2 khách sạn 3 sao, 1 khách sạn 1 sao và 72 khách sạn đủ điều kiện tối thiểu. Hiện có 17 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành với trên 180 hướng dẫn viên du lịch... Các sản phẩm du lịch của tỉnh vẫn chưa có tính đột phá, thiếu đặc trưng; du lịch cộng đồng tại các địa phương còn thiếu đồng bộ. Việc thu hút các nhà đầu tư và phát triển các dự án du lịch còn hạn chế, nhiều dự án du lịch triển khai chậm tiến độ, không hiệu quả. Trong 10 năm qua, Quảng Ngãi có 23 dự án đầu tư phát triển du lịch, với diện tích sử dụng đất hơn 473ha, tổng số vốn đầu tư hơn 5.667 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong số này chưa tới 10 dự án đi vào hoạt động.

Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Tiến Dũng nhận định, so với các tỉnh, thành phố ở khu vực lân cận, Quảng Ngãi là tỉnh đi sau, gặp nhiều khó khăn trong phát triển du lịch. Tuy nhiên, dư địa phát triển du lịch của tỉnh còn nhiều, lại được rút kinh nghiệm, khắc phục điểm yếu của các tỉnh, thành phố đi trước. Quảng Ngãi đang có nhiều cơ hội để ngành du lịch tăng tốc.

 

Để đưa du lịch phát triển, Quảng Ngãi đã rà soát, đánh giá khả năng đáp ứng cho du khách trong từng phân khúc thị trường của Quảng Ngãi so với các tỉnh trong vùng. Trên cơ sở đó, xây dựng quy hoạch, thu hút đầu tư và tạo ra các sản phẩm du lịch có chất lượng, giá trị tăng cao và chú trọng vào dòng khách chuyên biệt để tạo nên sức cạnh tranh, từng bước đưa du lịch phát triển, rút ngắn khoảng cách so với các tỉnh trong khu vực.

 

Sau gần 3 năm tạm lắng do ảnh hưởng dịch Covid-19, từ năm 2022 đến nay, Sở VH-TT&DL đã tổ chức phát động, ký kết Chương trình kích cầu du lịch đối với doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh. Sở đã phối hợp với các địa phương tổ chức các sự kiện, hoạt động văn hóa, thể thao để tạo điểm nhấn, thu hút du khách như: Giải Sao Mai năm 2022 khu vực miền Trung - Tây Nguyên; Giải bóng chuyền hạng A quốc gia năm 2022; Giải dù lượn các câu lạc bộ toàn quốc; Giải bóng chuyền bãi biển tại Lý Sơn; Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc; Giải Marathon tỉnh Quảng Ngãi - Cup BSR năm 2023; Giải bơi vượt biển Lý Sơn, các giải võ quốc gia...

Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa ở huyện Lý Sơn.    
                                                                                Ảnh: Sa Huỳnh
Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa ở huyện Lý Sơn. Ảnh: Sa Huỳnh
Khách quốc tế tìm hiểu về Lý Sơn.
Khách quốc tế tìm hiểu về Lý Sơn. Ảnh: Sa Huỳnh

Đặc biệt, chuỗi sự kiện văn hóa, thể thao kích cầu du lịch Quảng Ngãi năm 2023 diễn ra tại huyện Lý Sơn từ ngày 26/4 - 22/5 với nhiều sự kiện nổi bật, thu hút đông đảo du khách như: Giải bóng chuyền nữ bãi biển tỉnh Quảng Ngãi mở rộng; trưng bày tư liệu, hiện vật, hình ảnh chủ đề “Lý Sơn - di sản văn hóa biển, đảo”; Hội đua thuyền truyền thống Tứ linh; Giải vô địch dù lượn toàn quốc; Giải điền kinh “Cung đường đảo Lý Sơn”; Giải bơi vượt biển từ đảo Lớn sang đảo Bé... Trong thời gian diễn ra chuỗi sự kiện văn hóa, thể thao kích cầu du lịch, huyện Lý Sơn thu hút khoảng 15 nghìn lượt khách. Đây là con số ấn tượng, cho thấy sự khởi sắc của du lịch Quảng Ngãi.

Cùng với đó Quảng Ngãi đang tập trung khai thác các sản phẩm du lịch có tính bền vững, gắn với tự nhiên, chăm sóc sức khỏe... để phù hợp với nhu cầu của du khách và tạo điều kiện cho du lịch phục hồi, phát triển. Theo đó, tập trung khai thác sản phẩm du lịch biển, đảo tại Lý Sơn; Sa Huỳnh (TX.Đức Phổ); Mỹ Khê (TP.Quảng Ngãi); Ba Làng An, Châu Tân, bàu Cá Cái, rừng dừa nước Cà Ninh (Bình Sơn); sản phẩm nghỉ dưỡng, sinh thái tự nhiên như Khu du lịch Bãi Dừa, Suối khoáng nóng Nghĩa Thuận, Suối Chí, Thác Trắng... Các địa phương trong tỉnh đã khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân ở nông thôn tham gia làm du lịch, kết hợp sản xuất nông nghiệp và du lịch nông nghiệp, nông thôn theo mô hình OCOP, homestay...

 

Tháng 8/2022, Quảng Ngãi đăng cai tổ chức Hội nghị sơ kết Diễn đàn liên kết phát triển du lịch giữa TP.Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung (KTTĐMT) tại Cocoland River Beach Resort & Spa, xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa). Hiệp hội Du lịch TP.Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, 5 tỉnh, thành phố Vùng KTTĐMT đã ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác, khai thác chương trình du lịch liên kết vùng. Theo đó, hiệp hội du lịch các tỉnh, thành phố sẽ là đầu mối vận động, kêu gọi sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp, thực hiện tốt chương trình kích cầu du lịch Vùng KTTĐMT và tại điểm đến du lịch địa phương. Đây là cơ hội để Quảng Ngãi liên kết với các địa phương thúc đẩy phát triển du lịch.

Các đơn vị ký kết hợp tác, khai thác sản phẩm du lịch diễn ra vào ngày 8/8/2022 tại Hội nghị sơ kết Diễn đàn liên kết phát triển du lịch giữa TP.Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung (KTTĐMT) tại Cocoland River Beach Resort & Spa, xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa). Ảnh: TL
Các đơn vị ký kết hợp tác, khai thác sản phẩm du lịch diễn ra vào ngày 8/8/2022. Ảnh: TL

Theo Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Đoàn Văn Việt, để liên kết phát triển du lịch giữa TP.Hồ Chí Minh, TP.Hà Nội với Vùng KTTĐMT trở thành một trong những liên kết điển hình, vùng động lực phát triển, điểm đến thu hút du lịch hàng đầu Việt Nam, các địa phương cần khai thác sản phẩm liên kết đặc thù cấp vùng; phát triển thị trường và quảng bá du lịch; chú trọng thu hút đầu tư, hợp tác; nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, tăng cường nhân lực, ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động du lịch; nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến.

Hiện Quảng Ngãi đang tập trung liên kết phát triển sản phẩm, thị trường, kết nối du lịch với TP.Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và Vùng KTTĐMT; nhóm các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên... tạo thành chuỗi liên kết phát triển du lịch đồng bộ, bền vững và hội nhập quốc tế. Đẩy mạnh khai thác thị trường du lịch nội địa, nhất là thị trường truyền thống là Hà Nội và các tỉnh miền Bắc; thị trường khách công vụ đến làm việc tại KKT và các KCN tỉnh; mở rộng liên kết với các tỉnh, thành phố lân cận như Đà Nẵng và Quảng Nam tạo ra sản phẩm chuyên đề mà Quảng Ngãi có thế mạnh để khai thác thị trường khách quốc tế. 

 

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn nhấn mạnh, Quảng Ngãi xác định rõ phát triển du lịch là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Trong đó sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và sự tham gia tích cực, đồng hành của các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư là nhân tố quyết định sự thành công. Cùng với đó, tỉnh tập trung nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật giao thông, tạo động lực mở đường cho du lịch phát triển với các dự án: Đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi, đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh...

Cảnh đẹp rừng dừa nước, ở xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi). Ảnh: Đoàn Vương Quốc
Du khách tham quan cảnh đẹp rừng dừa nước, ở xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi). Ảnh: Đoàn Vương Quốc

Đẩy mạnh thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút các nhà đầu tư chiến lược đầu tư phát triển các tổ hợp đô thị - dịch vụ - du lịch- giải trí, cơ sở lưu trú có quy mô lớn và chất lượng cao vào các khu du lịch được định hướng đến năm 2030 trở thành khu du lịch quốc gia và dọc tuyến ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh, nhằm tạo động lực cho du lịch tỉnh phát triển đột phá. Bên cạnh đó, khai thác, phát huy hiệu quả lợi thế tài nguyên du lịch, đa dạng và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch. Tập trung triển khai Đề án “Chuyển đổi số trong hoạt động du lịch”; Đề án “Xây dựng chương trình định vị và phát triển thương hiệu du lịch Quảng Ngãi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”...

Nội dung: KIM NGÂN - SA HUỲNH - XUÂN THIÊN
Trình bày: L.H

 

                   

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

 




 

Xuất bản lúc: 09:43, 04/07/2023