[Emagazine].Du lịch Quảng Ngãi: Cơ hội và thách thức (kỳ 2)

12:25, 01/07/2023
.
 

(Báo Quảng Ngãi)- Quảng Ngãi là tỉnh giàu truyền thống lịch sử - văn hóa và có nhiều thắng cảnh. Để khai thác nguồn tài nguyên này phục vụ phát triển du lịch, những năm qua, tỉnh đã đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị các di sản, tạo động lực cho du lịch phát triển. Trong đó, đẩy mạnh phát triển 3 dòng sản phẩm du lịch chủ đạo là du lịch biển đảo, du lịch văn hóa và du lịch sinh thái.

 

Quảng Ngãi là mảnh đất địa linh nhân kiệt, là nơi hòa quyện văn hóa giữa các tộc người sinh sống và cộng cư, tạo nên những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc. Thời gian qua, Quảng Ngãi đã phối hợp với Viện Khảo cổ học tổ chức nhiều đợt khai quật di chỉ văn hóa Sa Huỳnh, khai quật tàu cổ đắm tại các địa phương trong tỉnh. Qua đó, phát hiện nhiều hiện vật có giá trị.

Lãnh đạo tỉnh và du khách tham quan bảo vật quốc gia Tượng tu sĩ Chămpa Phú Hưng tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh. Ảnh: KIM NGÂN
Lãnh đạo tỉnh và du khách tham quan bảo vật quốc gia Tượng tu sĩ Chămpa Phú Hưng tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh. Ảnh: KIM NGÂN

Toàn tỉnh hiện có 258 di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh. Trong đó, có 1 di tích quốc gia đặc biệt, 33 di tích cấp quốc gia, trên 160 di tích cấp tỉnh. Có 3 bảo vật quốc gia, gồm: Tượng Chămpa Phú Hưng (thế kỷ IX - X), bộ sưu tập bình gốm đất nung Long Thạnh và bộ sưu tập gồm 14 hiện vật là trang sức vàng, bạc Chămpa đang được trưng bày tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh.

 

Trên địa bàn tỉnh hiện có 6 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa; đua thuyền tứ linh; điện Trường Bà; nghệ thuật cồng chiêng của dân tộc Cor, huyện Trà Bồng; nghề dệt thổ cẩm truyền thống và nghệ thuật trình diễn chiêng ba của người Hrê, huyện Ba Tơ. Riêng nghệ thuật bài chòi Trung Bộ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại.

 
 

Quảng Ngãi có Di tích Quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh, ở phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) đây là lợi thế để phát triển du lịch. Cùng với giá trị di sản Văn hóa Sa Huỳnh, nơi đây có những cánh đồng muối, bãi cát vàng óng mịn và những gành đá hàng triệu năm tuổi. Đặc biệt là có đầm An Khê, đầm nước ngọt lớn nhất tỉnh. Tại đây, còn có làng du lịch cộng đồng Gò Cỏ - ngôi làng nằm trong vùng lõi của không gian Văn hóa Sa Huỳnh với cảnh quan thiên nhiên hoang sơ và tuyệt đẹp. Tháng 12/2020, làng du lịch cộng đồng Gò Cỏ được công nhận là sản phẩm du lịch cộng đồng đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao đầu tiên của tỉnh, hiện đang hoàn tất hồ sơ đề nghị công nhận tiêu chuẩn OCOP 5 sao. 

 

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn cho biết, cùng với nhiệm vụ phát triển huyện Lý Sơn thành Trung tâm Du lịch biển, đảo Quốc gia theo Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị, tương lai sẽ kết nối với tuyến du lịch Sa Huỳnh theo loại hình mới mẻ của du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm và từng bước phát triển du lịch Quảng Ngãi trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết số 05 của Tỉnh ủy. Quảng Ngãi sẽ có kế hoạch, lộ trình để xây dựng hồ sơ trình UNESCO ghi danh Văn hóa Sa Huỳnh là di sản văn hóa thế giới. 

 

Ngoài ra, Quảng Ngãi còn nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng, thu hút du khách trong hành trình tìm về lịch sử, về những giá trị văn hóa. Trong đó có các khu di tích văn hóa, lịch sử cấp quốc gia như: Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Khu chứng tích Sơn Mỹ, Đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định... Hằng năm, các điểm di tích này thu hút hàng chục nghìn lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan. Bên cạnh đó, việc tổ chức thường xuyên các lễ hội truyền thống như Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, đua thuyền tứ linh... đã thu hút nhiều du khách. Nhờ đó, lượng khách du lịch đến với Quảng Ngãi gia tăng hằng năm. Trong 6 tháng đầu năm 2023, Quảng Ngãi đón 616 nghìn lượt người, tăng 92% so với cùng kỳ năm trước, đạt 85% so với kế hoạch năm 2023, trong đó khách quốc tế đạt 6.113 lượt, tăng 62% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu ngành du lịch đạt 485 tỷ đồng, tăng 103% so với cùng kỳ năm trước.

 

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn, từ nay đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, Quảng Ngãi tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 03 của Tỉnh ủy khóa XIX về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ngãi đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững. Tập trung đầu tư kinh phí thực hiện quy hoạch các di tích quốc gia đặc biệt, di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh; tăng cường quản lý nhà nước về di tích; bảo tồn, trùng tu, tôn tạo, nhằm phát huy giá trị các di tích. Nghiên cứu, phục dựng các lễ hội truyền thống và các hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian của cộng đồng; tổ chức các sự kiện văn hóa để khơi dậy các giá trị văn hóa tại cộng đồng. Đẩy mạnh việc thực hiện xã hội hóa công tác bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống; tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cấp, ngành và địa phương trong tỉnh về tầm quan trọng của công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đối với sự phát triển bền vững ở địa phương.

 
                 

Nội dung: KIM NGÂN - SA HUỲNH - XUÂN THIÊN
Trình bày: L.H               

Kỳ cuối: Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

 


 

Xuất bản lúc: 12:25, 01/07/2023