Khơi nguồn đam mê văn hóa truyền thống: (kỳ 3) Còn đó những nỗi lo

21:53, 30/06/2023
.

Kỳ 3: CÒN ĐÓ NHỮNG NỖI LO

(Baoquangngai.vn)- Những kết quả đạt được trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở các huyện miền núi Quảng Ngãi trong thời gian qua chỉ là bước khởi đầu. Để không gian văn hóa quý báu này thực sự phát huy hiệu quả, làm phong phú thêm đời sống tinh thần và là động lực để người dân vươn lên phát triển kinh tế - xã hội, cấp ủy, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi cần chỉ đạo ngành VH-TT&DL có một tầm nhìn chiến lược cho công tác này, xác định rõ đâu là việc cần làm trước mắt và lâu dài…   

 

Theo nhà nghiên cứu Cao Văn Chư, nguyên Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, trong thời đại mở cửa, hội nhập quốc tế sâu rộng, công nghệ thông tin đã tác động mạnh mẽ đến đời sống văn hóa nói chung và đời sống văn hóa của đồng bào các DTTS ở Quảng Ngãi nói riêng. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống quý báu đã bị mai một, phổ biến nhất là ở di sản văn hóa cồng chiêng, trang phục và nhà ở…

Âm nhạc cồng chiêng và môi trường diễn xướng cồng chiêng đang mất đi sự linh thiêng vốn có và dần bị thu hẹp. Để minh chứng cho điều đó, ông Chư nêu thực trạng ở huyện Ba Tơ. Nếu năm 2007, huyện có hơn 2.000 hộ gia đình có chiêng trong tổng số hơn 10,4 nghìn hộ dân (chiếm 1/5 dân số địa phương) và có gần 2.300 bộ chiêng, thì đến năm 2020, huyện chỉ còn 902 hộ gia đình có chiêng, với 890 bộ chiêng. Được biết, ngành văn hóa huyện Ba Tơ đã có nhiều nỗ lực để duy trì số lượng này nhưng do tác động của mặt trái kinh tế thị trường nên số hộ có chiêng giảm còn dưới 50%, số lượng bộ chiêng giảm còn khoảng 40%.

Huyện Sơn Tây cũng không thoát khỏi tình trạng trên. Năm 2007, toàn huyện có 442 hộ có chiêng trong tổng số 3.990 hộ dân, với 575 bộ chiêng, thì nay chỉ còn khoảng 300 bộ chiêng... Số người biết đánh chiêng và chỉnh chiêng cũng giảm dần theo thời gian, do quá trình trao truyền bị đứt quãng khi các nghệ nhân qua đời.

Trang phục của đồng bào DTTS được xem là di sản văn hóa dễ bảo tồn, sở hữu và sử dụng hơn cồng chiêng nhưng cũng dần bị mai một. Nhiều ngôi làng vùng cao, thỉnh thoảng chỉ bắt gặp người lớn tuổi còn mặc trang phục truyền thống hoặc nếu có mặc cũng chỉ mặc để trình diễn trong những dịp đặc biệt.  

“Tôi từng đến các tỉnh Tây Bắc, như: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu…, thói quen mặc trang phục truyền thống của người dân ăn sâu vào nếp sống, nếp nghĩ; lúc ra phố, khi đi chợ, đi làm và thậm chí là lên nương rẫy, họ đều mặc. Nhưng đồng bào DTTS ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên nói chung, Quảng Ngãi nói riêng vẫn chưa coi trọng việc này. Sự vắng bóng trang phục truyền thống của các DTTS trong cuộc sống thường ngày và trong một số lễ hội là điều rất đáng lo ngại”, ông Chư trăn trở. 

Đối với đồng bào DTTS, ngôi nhà vô cùng quan trọng nên lưu truyền trong đời sống của họ câu nói “Sống cái nhà, già cái mồ”. Dưới góc nhìn của các nhà nghiên cứu văn hóa, nhà của đồng bào DTTS là một biểu hiện quan trọng trong di sản văn hóa của người dân nơi đây. Nhà là nơi sống hằng ngày, diễn ra các lễ thức quan trọng trong chu kỳ vòng đời con người; là nơi tổ chức các lễ hội, gắn với văn hóa làng. Tùy theo mỗi dân tộc mà nhà ở có kiểu dáng và cách thức khác nhau. Tiếc thay, nhà ở truyền thống của các DTTS ở vùng cao Quảng Ngãi lại đang mất dần. Thay vào đó là những ngôi nhà xây hiện đại, nhà sàn bê tông cốt thép… ngày càng phổ biến. 

Ở các huyện vùng cao Quảng Ngãi, vẫn còn nhiều công trình, nhà văn hóa chưa phát huy hết hiệu quả hay duy trì việc đầu tư sửa chữa, nâng cấp. Từ đó, dẫn đến công trình, nhà văn hóa xuống cấp, gây lãng phí. Điều này có thể nhận thấy ở Dự án Khu bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa thôn Làng Teng, được đầu tư xây dựng trên diện tích 1,48ha, với vốn đầu tư trên 10,5 tỷ đồng, ở xã Ba Thành (Ba Tơ). Dự án phục dựng lại khối nhà sinh hoạt cộng đồng (được xây bằng bê tông), 3 nhà sàn truyền thống, các công trình phụ trợ như chòi lúa, chuồng trâu... Dù chủ đầu tư, các đơn vị thi công, thiết kế đã sử dụng chất liệu gỗ, tre, cỏ tranh nhưng lại không đúng với kiến trúc nhà sàn truyền thống của người Hrê. Đáng nói là, tuy mới đưa vào sử dụng năm 2018 nhưng chỉ sau vài năm, các hạng mục đều xuống cấp nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến không gian sinh hoạt văn hóa của đồng bào Hrê, cũng như quá trình phát triển du lịch cộng đồng nơi đây. 

Nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Sây (40 tuổi), ở thôn Làng Teng, xã Ba Thành bộc bạch, khi khu bảo tồn đưa vào sử dụng, người Hrê ở đây ai cũng phấn khởi, nhất là nghệ nhân như chúng tôi. Du khách ghé đến thường xuyên, liên tục, không khí nhộn nhịp. Người dân kỳ vọng về mô hình phát triển du lịch cộng đồng này, vừa giữ được văn hóa của đồng bào Hrê, vừa đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương. Thế nhưng, chỉ được vài năm thì mọi thứ quay về như trước đây. Khu bảo tồn trở thành khu nhà hoang. Người dân trở lại với cuộc sống nương rẫy, làm thuê, làm mướn nên ai cũng mong dự án được đầu tư, khôi phục trở lại. 

 

Công trình Nhà sàn truyền thống của người Cor, ở thị trấn Trà Xuân (Trà Bồng), được xây dựng từ năm 2015, với kinh phí đầu tư hơn 2,7 tỷ đồng. Thời gian qua, công trình này cũng chưa phát huy được hết giá trị. Bên trong, các vật dụng trưng bày đơn sơ, chưa cuốn hút người dân và du khách đến tham quan. Hiện nay, địa phương đang xây dựng phương án duy tu, sửa chữa. Việc quan tâm đầu tư, sưu tầm các giá trị văn hóa của người Cor đa dạng và phong phú hơn sẽ phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu, khơi nguồn đam mê văn hóa cho người dân, du khách là cần thiết. Qua đó, thực hiện có hiệu quả nghị quyết của Huyện ủy Trà Bồng về công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào Cor.

Công trình Nhà sàn truyền thống của người Cor, ở thị trấn Trà Xuân (Trà Bồng).
Công trình Nhà sàn truyền thống của người Cor, ở thị trấn Trà Xuân (Trà Bồng).

Các huyện vùng cao Quảng Ngãi hiện có 32 nhà sinh hoạt văn hóa xã; 254 nhà sinh hoạt văn hóa thôn. Trong những năm gần đây, từ các nguồn lực đầu tư khác nhau, các thiết chế văn hóa từng bước đáp ứng được nhu cầu của người dân và các địa phương. Tuy nhiên, nhiều nhà văn hóa xuống cấp, chắp vá, thiếu đồng bộ, dẫn đến hiệu quả sử dụng còn thấp, nhất là ở các xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là rào cản khiến cho các giá trị văn hóa của đồng bào DTTS không có nơi để phát huy. Chỉ riêng xã Ba Dinh (Ba Tơ), toàn xã có 6/7 thôn có nhà văn hóa nhưng có đến 3 nhà văn hóa đã xuống cấp nghiêm trọng. Tường mục nát, dễ đổ ngã; mái tôn lọt nắng, mưa; các thiết bị chiếu sáng không đảm bảo… nên không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của người dân địa phương. 

Chủ tịch UBND xã Ba Dinh Đinh Xuân Hòa cho biết, các nhà văn hóa này không đảm bảo để người dân tham gia hội họp thì làm sao tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội với sự tham gia của hàng trăm người. Vào mùa mưa, nhiều cuộc họp phải trì hoãn vì lo sợ nguy hiểm rình rập đến người dân. Với cơ sở hạ tầng như vậy, địa phương sẽ gặp nhiều khó khăn trong đẩy mạnh các hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa ở địa phương.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng qua 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; cùng với các đề án bảo tồn văn hóa các DTTS của các cấp, ngành, có thể thấy diện mạo đời sống văn hóa, văn nghệ của người dân đang từng bước được cải thiện. Bản sắc văn hóa và các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc được bảo tồn và phát huy. Kết quả đó là cả một quá trình nỗ lực rất lớn từ các địa phương và ngành văn hóa của tỉnh.

Nhiều hoạt động văn hóa đã được Sở VH-TT&DL tích cực triển khai thường xuyên như: tổ chức các đợt liên hoan cồng chiêng, đàn và hát dân ca, duy trì định kỳ 2 năm một lần; tổ chức các lớp truyền dạy chế tác, sử dụng nhạc cụ và hát dân ca cho từng dân tộc; điều tra, thống kê, nghiên cứu di sản văn hóa DTTS; nhận diện, tuyên truyền, quảng bá di sản văn hóa DTTS. 

Sở VH-TT&DL đã lập hồ sơ trình Bộ VH-TT&DL công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia cho các di sản: Lễ hội điện Trường Bà, nghệ thuật cồng chiêng của dân tộc Cor (Trà Bồng); nghệ thuật trình diễn chiêng ba của người Hrê cùng nghề dệt thổ cẩm Làng Teng ở xã Ba Thành (Ba Tơ). Đến nay, toàn tỉnh có 43 nghệ nhân được công nhận qua 3 đợt xét tặng. Cùng với đó, Sở cũng tổ chức cho các đoàn nghệ nhân tham gia Liên hoan văn hóa, trình diễn dân ca, dân vũ, nhạc cụ các DTTS toàn quốc, khu vực; giới thiệu văn hóa nghệ thuật truyền thống các DTTS Quảng Ngãi tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Đặc biệt, kể từ khi có Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025, trong đó có Dự án 6, bước đầu công tác bảo tồn và phát triển văn hóa DTTS đã có những chuyển biến tích cực. Sở VH-TT&DL đã điều tra, khảo sát địa điểm thực hiện 2 nội dung đầu tư công đối với Dự án Đầu tư, bảo tồn Làng Văn hóa truyền thống dân tộc Cor tại huyện Trà Bồng; Dự án tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp Di tích Quốc gia đặc biệt Địa điểm về cuộc khởi nghĩa Ba Tơ. Các huyện đã tổ chức được 8 lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể. Xây dựng 3 câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian tại huyện Trà Bồng và Sơn Tây…

 

"Ngành đã và đang tiếp tục đổi mới công tác quản lý Nhà nước; huy động các nguồn lực, khắc phục những khó khăn về kinh phí để chăm lo, phát triển đời sống nghệ nhân; quan tâm đào tạo, nâng cao nghiệp vụ cho các cán bộ, công chức làm công tác văn hóa ở cơ sở; tiếp tục kiểm kê, có phương án gìn giữ những giá trị văn hóa đặc sắc, tiêu biểu của các dân tộc. Cùng với đó, tập trung thực hiện tốt các nội dung của Dự án 6 thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS. Đây được xem là đòn bẩy để thúc đẩy văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS phát triển, mở ra nhiều cơ hội mới, mang lại cuộc sống tốt đẹp cho người dân nơi đây", Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Bùi Văn Tiến nhấn mạnh.

Bài, ảnh: THIÊN HẬU - THANH NHÀN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 


 

Xuất bản lúc: 21:53, 30/06/2023