[Emagazine].Nuôi dưỡng những mầm xanh (kỳ cuối) 

15:30, 01/06/2023
.
 

(Báo Quảng Ngãi)- Những ca phẫu thuật tim, phẫu thuật khe hở môi, vòm miệng (thường gọi là sứt môi, hở hàm ếch) miễn phí đã mang lại niềm vui, nụ cười đong đầy hạnh phúc với nhiều gia đình khó khăn. Sau những ca phẫu thuật không chỉ cải thiện các chức năng của trẻ, mà còn góp phần hồi sinh những cuộc đời, ươm mầm xanh cho tương lai.

 

Ôm cô con gái nhỏ Phạm Thị Ánh Thúy (6 tuổi) vào lòng, chị Phạm Thị Cáy (35 tuổi), người dân tộc Hrê ở thôn Làng Giấy, xã Ba Cung (Ba Tơ), không giấu được niềm hạnh phúc khi con gái líu lo trò chuyện. Nhìn Thúy nhanh nhẹn, hoạt bát, ít ai biết rằng em từng bị bệnh tim, khe hở vòm miệng. “Lúc tôi mới sinh con ra, con khóc không thành tiếng. Sau khi đưa con đi khám tại Bệnh viện (BV) Sản - Nhi tỉnh, tôi mới biết con bị khe hở vòm miệng”, chị Cáy kể lại.

Theo lời dặn của bác sĩ, chị Cáy cố gắng chăm con, đợi con đủ điều kiện để phẫu thuật dị tật khe hở vòm miệng. Khi con được 2 tuổi, tại Trạm Y tế xã Ba Cung có Đoàn bác sĩ thiện nguyện ở TP.Đà Nẵng về khám sàng lọc tim miễn phí cho trẻ dưới 18 tuổi, chị Cáy bồng con đến nhờ bác sĩ kiểm tra. Các bác sĩ phát hiện Thúy bị bệnh tim, cần được phẫu thuật. Khi đó, Thúy đủ điều kiện được phẫu thuật tim miễn phí tại TP.Đà Nẵng thông qua Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh. Tất cả các chi phí di chuyển, ăn ở để thực hiện ca mổ cho Thúy đều được miễn phí. Sau ca mổ 8 ngày, Thúy được xuất viện về nhà.

Sau hai ca phẫu thuật tim, khe hở vòm miệng miễn phí, sức khỏe em Phạm Thị Ánh Thúy, con gái chị Phạm Thị Cáy, được cải thiện nhiều. 
Sau hai ca phẫu thuật tim, khe hở vòm miệng miễn phí, sức khỏe em Phạm Thị Ánh Thúy, con gái chị Phạm Thị Cáy, được cải thiện nhiều. 

Ba tháng sau, Thúy được đưa đi kiểm tra, xét nghiệm để phẫu thuật khe hở vòm miệng miễn phí tại BV Sản - Nhi tỉnh. “Sau khi mổ xong, con khóc thành tiếng. Tiếng khóc giống như những đứa trẻ bình thường khác. Lòng tôi cảm động lắm, mừng rơi nước mắt”, chị Cáy vui mừng nói.

Em Nguyễn Văn Thành Nhân (5 tuổi), ở thôn An Hà 3, xã Nghĩa Trung (Tư Nghĩa) cũng là một trong những trường hợp được phẫu thuật tim miễn phí thông qua Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh. Khi chào đời, Nhân đã bị nhiều bệnh bẩm sinh, trong đó có bệnh tim. Ba mẹ làm công nhân may tại huyện Tư Nghĩa nên kinh tế gia đình chẳng dư giả gì. “Vì thế, khi Nhân được phẫu thuật tim miễn phí, gia đình tôi biết ơn rất nhiều”, anh Nguyễn Văn Hiếu, cha em Nhân, bộc bạch.

Mỗi ca phẫu thuật tim trung bình có chi phí khoảng 40 triệu đồng, đối với nhiều gia đình khó khăn, đây là số tiền thực sự lớn. Những ca phẫu thuật đầy tình người đã mang đến cho các em một trái tim mới, từ đó giúp các em mạnh khỏe, vững bước hơn trong cuộc sống.

 

Cùng chung sức “giữ nhịp trái tim” cho các em không may mắn, năm 2022, Ban Dân vận Tỉnh ủy phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Hội LHPN tỉnh, Tỉnh đoàn, Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Báo Thanh Niên, Đoàn bác sĩ thiện nguyện TP.Hồ Chí Minh tổ chức 2 đợt khám sàng lọc bệnh tim miễn phí cho hơn 2.000 trường hợp ở các huyện Ba Tơ, Mộ Đức, Trà Bồng, Sơn Tịnh và một số cháu mắc bệnh tim bẩm sinh tại các địa phương khác. Sau khi khám sàng lọc, đoàn đã phát hiện 103 cháu cần theo dõi, can thiệp điều trị, trong đó 44 cháu được đưa đi phẫu thuật miễn phí tại TP.Hồ Chí Minh.

 

Một trong những hoạt động có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thiết thực chăm lo, bảo vệ sức khỏe trẻ em, đó chính là phẫu thuật miễn phí khe hở môi, vòm miệng cho trẻ em nghèo trên địa bàn tỉnh. Trước đây, các chương trình phẫu thuật miễn phí khe hở môi, vòm miệng chủ yếu do các đoàn thiện nguyện về Quảng Ngãi tổ chức. Đến cuối năm 2018, BV Sản - Nhi tỉnh nhận chuyển giao kỹ thuật từ BV Răng Hàm Mặt Trung ương (TP.Hồ Chí Minh). Nhờ đó, các bác sĩ BV Sản - Nhi tỉnh đã làm chủ kỹ thuật, chủ động thực hiện phẫu thuật cho trẻ bị khe hở môi, vòm miệng. Chi phí phẫu thuật cho trẻ được các tổ chức tài trợ hoàn toàn. Tính đến nay, BV Sản - Nhi tỉnh đã phẫu thuật thành công cho 160 trẻ. Bên cạnh đó, BV Sản - Nhi tỉnh còn tham gia các hoạt động phẫu thuật khe hở môi, vòm miệng cho trẻ trong các chương trình phẫu thuật tập trung do các đơn vị tổ chức tại Quảng Ngãi. Trung bình mỗi năm có từ 1 - 2 đợt tổ chức, mỗi đợt có 80 - 150 trẻ khám sàng lọc, phẫu thuật.

Bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi tỉnh thực hiện các ca mổ phẫu thuật khe hở môi, vòm miệng miễn phí cho trẻ. Ảnh: BVSN
Bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi tỉnh thực hiện các ca mổ phẫu thuật khe hở môi, vòm miệng miễn phí cho trẻ. Ảnh: BVSN

“Chúng tôi nỗ lực hết sức để mang lại nụ cười cho trẻ không may mắn bị khe hở môi, vòm miệng. Trong số đó có nhiều trẻ có hoàn cảnh gia đình khó khăn ở vùng sâu vùng xa. Hành trình trả lại nụ cười cho trẻ phải trải qua nhiều giai đoạn, sau phẫu thuật, trẻ được tái khám định kỳ, sửa sẹo môi, tập phát âm, chăm sóc răng. Trong tương lai, BV Sản - Nhi tỉnh tiếp tục thực hiện các kỹ thuật chuyên sâu, để mang lại nụ cười vẹn nguyên, tự tin giúp các em hòa nhập với cộng đồng”, bác sĩ chuyên khoa I Huỳnh Thị Lệ Châu, phụ trách Khoa Mắt - Tai mũi họng- Răng hàm mặt (BV Sản - Nhi tỉnh), cho biết.

Những năm qua, thông qua Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh đã thực hiện ký kết, thỏa thuận với trên 100 tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để hỗ trợ nguồn lực phục vụ công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh. Giai đoạn từ năm 2016 - 2020, có 550 trẻ em được phẫu thuật tim, với tổng kinh phí trên 35 tỷ đồng; 660 em khuyết tật sứt môi, hở hàm ếch, sẹo bỏng được phẫu thuật, với kinh phí trên 10 tỷ đồng. Bên cạnh đó, thông qua Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh, các đơn vị còn phẫu thuật chỉnh hình cho 366 em bị dị tật các cơ quan vận động, phẫu thuật cho 229 em bị dị tật về mắt, hỗ trợ điều trị răng miệng cho trên 7.000 trẻ em, trị giá hơn 6 tỷ đồng...

“Trong những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và sự phối hợp của các sở, ngành, địa phương, đặc biệt sự hỗ trợ, giúp đỡ tâm huyết, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trên địa bàn tỉnh đạt được kết quả thiết thực, với những con số hết sức ấn tượng và ý nghĩa. Hơn 100 nghìn lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn được hỗ trợ, chăm sóc...”, đại diện Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh cho biết.

Trẻ em tại điểm trường tổ 7, thôn Quế, xã Trà Bùi (Trà Bồng) nhận sữa trong Chương trình “Dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, vùng đặc biệt khó khăn”.
Trẻ em ở vùng cao huyện Trà Bồng nhận sữa trong Chương trình “Dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, vùng đặc biệt khó khăn”.
 
CẢI THIỆN DINH DƯỠNG TRẺ EM VÙNG CAO
 
Thôn Quế, xã Trà Bùi (Trà Bồng) là nơi khá xa xôi, hẻo lánh, đời sống của người dân, chủ yếu là đồng bào Cor, còn nhiều khó khăn. “Ở thôn Quế, cái ăn cái mặc đã khó, nói gì đến việc trẻ được uống sữa. Ăn uống thiếu thốn, trước đây tỷ lệ trẻ mẫu giáo ở 2 tổ 7, 8 suy dinh dưỡng đến 42%”, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Trà Bùi Nguyễn Thị Tâm chia sẻ.

Từ tháng 1/2023, Hội Chữ thập đỏ tỉnh kết nối Hội Chữ thập đỏ quận 5 (TP.Hồ Chí Minh) đã tiến hành hỗ trợ sữa tươi cho 30 cháu mầm non tại điểm trường tổ 7 và tổ 8. Niềm vui hiện lên trong ánh mắt của học sinh người Cor và cả cô giáo mầm non đứng lớp. Ngoài ra, Hội Chữ thập đỏ tỉnh còn hỗ trợ sữa tươi cho 24 trẻ tại điểm trường mẫu giáo Trà Liên 2, xã Hương Trà (Trà Bồng). Tổng kinh phí hỗ trợ một năm uống sữa tại các điểm trường này hơn 150 triệu đồng. 

Thời gian qua, thực hiện Chương trình “Dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, vùng đặc biệt khó khăn”, Hội Chữ thập đỏ tỉnh còn kêu gọi, huy động các nhà hảo tâm hỗ trợ hơn 10 nghìn hộp sữa, trị giá gần 135 triệu đồng cho 198 trẻ tại các điểm trường khác trong tỉnh. Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Phạm Ngọc Thành chia sẻ, chương trình nhận được sự quan tâm, đóng góp tích cực từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân, giúp lan tỏa những giá trị nhân văn sâu sắc, chung tay chăm lo cho trẻ em vùng cao.

 

Nội dung: BẢO HÒA
Trình bày: L.H


   
 

Xuất bản lúc: 15:30, 01/06/2023