|
Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị “Về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đặt mục tiêu phát triển huyện Lý Sơn trở thành trung tâm du lịch biển, đảo của cả nước. Đứng trước vận hội này, Quảng Ngãi đang tập trung đầu tư cho du lịch Lý Sơn, để nơi đây trở thành đô thị biển văn minh, hiện đại, gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo.
Huyện Lý Sơn cách đất liền khoảng 15 hải lý, có diện tích tự nhiên 10,39km2, dân số hơn 22 nghìn người. Đây là huyện đảo tiền tiêu của đất nước, giữ vị thế chính trị đặc biệt trong bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển và trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Lý Sơn được ví như hòn ngọc giữa biển khơi, với vẻ đẹp nguyên sơ, kỳ vĩ. Năm 2019, Lý Sơn được Tạp chí Forbes (Mỹ) bình chọn là 1 trong 10 bãi biển đẹp nhất Việt Nam.
Học sinh tham quan, tìm hiểu tài liệu xác lập chủ quyền biển, đảo Việt Nam tại Nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải (Lý Sơn). Ảnh: KN |
Trải qua 11 triệu năm kiến tạo từ những đợt phun trào núi lửa đầu tiên, mẹ thiên nhiên đã ban tặng cho Lý Sơn quần thể thắng cảnh tuyệt tác, địa hình, địa mạo độc đáo trên bờ cũng như hệ sinh thái biển đa dạng, phong phú. Nơi đây có hai miệng núi lửa độc đáo, tuyệt đẹp là Giếng Tiền và Thới Lới. Lý Sơn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể quý giá, hội tụ và kết tinh từ 3 nền văn hóa cổ là văn hóa Sa Huỳnh, Chămpa và văn hóa người Việt cổ.
Lý Sơn còn là vùng đất có bề dày lịch sử và chiều sâu văn hóa với hơn 50 di tích lịch sử, văn hóa, gồm có 6 di tích cấp quốc gia, 19 di tích cấp tỉnh, 2 di chỉ khảo cổ. Đồng thời, có nhiều lễ hội truyền thống, đặc biệt là Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa và Lễ hội đua thuyền Tứ linh được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây cũng là nơi lưu giữ những tài liệu, bằng chứng về lịch sử xác lập cột mốc và chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được người dân Lý Sơn trao truyền, gìn giữ nhiều thế kỷ qua. Ngoài ra, Lý Sơn còn được mệnh danh là “vương quốc tỏi”...
Lý Sơn đã có bước phát triển vượt bậc về du lịch, là điểm đến được nhiều du khách trong nước và quốc tế lựa chọn. Toàn huyện hiện có 135 cơ sở lưu trú từ khách sạn, nhà nghỉ đến homestay, với hơn 1.000 phòng, đảm bảo phục vụ từ 3.000 - 4.000 khách/ngày. Năm 2015, Lý Sơn đã đón gần 100 nghìn lượt khách; năm 2019 đón trên 265 nghìn lượt khách. Từ một ngành kinh tế hoàn toàn mới, đến năm 2022, du lịch - dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện Lý Sơn, chiếm gần 50% tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế. Ông Nguyễn Sự (68 tuổi), ở thôn Tây An Vĩnh chia sẻ, tôi thật sự vui mừng khi quê hương Lý Sơn ngày càng phát triển. Chính quyền và người dân trên đảo chung tay làm du lịch để phát triển kinh tế là hướng đi đúng đắn.
Theo Đề án phát triển du lịch huyện Lý Sơn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, huyện Lý Sơn sẽ tập trung kêu gọi đầu tư các dự án lĩnh vực dịch vụ, du lịch, nghỉ dưỡng, nhằm phát triển hướng tới đa dạng loại hình, sản phẩm du lịch của địa phương. Theo đó, các dự án sẽ được đầu tư như dự án Cáp treo từ đảo Lớn sang đảo Bé; dịch vụ vui chơi, giải trí tại đảo Bé (An Bình); dự án xây dựng sân bay; hệ thống đường sá quanh đảo; khu du lịch sinh thái núi Giếng Tiền và núi Thới Lới; mô hình du lịch cộng đồng trồng cây nông sản kiểu mẫu phục vụ khách du lịch... Đồng thời, chú trọng kêu gọi đầu tư xây dựng các công trình văn hóa, TDTT, các công trình phúc lợi xã hội như dự án Cung cấp nước ngọt cho An Hải; đầu tư hệ thống xử lý rác công nghệ tiên tiến; dự án Đầu tư, xây dựng trung tâm tổ chức hội nghị, hội thảo, thi đấu thể thao quy mô lớn; trường đua thuyền truyền thống tứ linh; dự án Điện cáp ngầm từ đảo Lớn sang đảo Bé...
Bí thư Huyện ủy Lý Sơn Nguyễn Minh Trí chia sẻ, quan điểm của huyện trong thực hiện đề án này là phát triển du lịch Lý Sơn trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, hạt nhân du lịch của tỉnh, tạo động lực phát triển các ngành, lĩnh vực khác. Để phát triển kinh tế lấy du lịch làm trung tâm, nhất thiết Lý Sơn phải có quy hoạch phù hợp và cần nhà đầu tư xứng tầm. Với diện tích hơn 10km2, dân cư lại đông đúc, việc quy hoạch để phát triển bền vững là vấn đề được đặt lên hàng đầu. Lý Sơn kiên quyết nói không với những ý tưởng đầu tư manh mún, thu lợi nhanh nhờ vào việc bán tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên đất. Lý Sơn cũng không khuyến khích những nhà đầu tư trực tiếp cạnh tranh với những phân khúc dịch vụ mà người dân trên đảo đã và đang làm tương đối ổn như các loại hình homestay, nhà nghỉ, khách sạn mi-ni...
Xây dựng Lý Sơn thành trung tâm du lịch biển, đảo theo Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị được Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhìn nhận là cơ hội lớn cho du lịch Lý Sơn cất cánh. Quảng Ngãi cũng định hướng xây dựng hình ảnh Lý Sơn là biểu tượng lịch sử, là bảo tàng sống chứng minh chủ quyền Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Theo đó, mục tiêu đặt ra đến năm 2030, Lý Sơn đón khoảng 1,6 triệu lượt khách, tổng doanh thu từ du lịch đạt khoảng 3.500 tỷ đồng. Nhưng con số này sẽ khó đạt được và khó đưa du lịch Lý Sơn bứt phá để sớm trở thành trung tâm du lịch biển, đảo nếu không ưu tiên nguồn lực và tạo ra các cơ chế chính sách đặc thù trong đầu tư cho du lịch Lý Sơn ngay từ bây giờ.
Theo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị với nhiệm vụ trọng tâm là phát triển huyện Lý Sơn trở thành trung tâm du lịch biển, đảo, Quảng Ngãi xác định 5 nhóm giải pháp nhằm thu hút nguồn lực phát triển huyện đảo. Đó là, tập trung thực hiện tốt công tác quy hoạch, cùng với nguồn lực từ ngân sách, đẩy mạnh huy động các nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư cơ sở hạ tầng và các dịch vụ phục vụ phát triển du lịch.
Khách Sạn và Khu Nghỉ Dưỡng ở Lý Sơn ngày càng được đầu tư khang trang… Ảnh TL |
Đảo Lý Sơn. Ảnh: Alex Cao |
Đặc biệt, việc đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Lý Sơn trong tương lai sẽ là đòn bẩy tạo sự bứt phá trong thu hút nguồn lực đầu tư phát triển du lịch biển, đảo; đưa Lý Sơn trở thành điểm đến của du khách trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, khai thác, phát huy hiệu quả lợi thế về tài nguyên du lịch biển, đảo của Lý Sơn. Phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp, tổ hợp giải trí kết nối khu đô thị - dịch vụ tại Lý Sơn; đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh, bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể...
Nội dung: KIM NGÂN - SA HUỲNH - XUÂN THIÊN
Trình bày: L.H
----------------
Kỳ 2: Phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch