[Emagazine]. Thấm sâu lời Bác dạy- Kỳ 1: Nghĩa Đảng, tình dân

18:06, 16/05/2023
.

 

 

(Báo Quảng Ngãi)- Thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05 “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, các cấp ủy đảng, chính quyền và hội đoàn thể trong tỉnh đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả. Qua từng tháng, từng năm, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Hồ Chí Minh đã dần thấm sâu vào mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc trong đời sống xã hội.

* * *

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm xây dựng, củng cố mối quan hệ mật thiết giữa cán bộ, đảng viên và nhân dân, thường xuyên chăm lo gìn giữ mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân. Ở Quảng Ngãi, mối quan hệ ấy đã và đang được khắc họa bởi những việc làm nhân văn, nghĩa tình, thể hiện sâu sắc “Nghĩa Đảng, tình dân”. 

 

Mấy chục năm qua, đảng viên Nguyễn Dương (88 tuổi), ở tổ dân phố 2, thị trấn Mộ Đức (Mộ Đức) cùng người vợ bị khuyết tật và các cháu sống trong căn nhà cũ kỹ, xuống cấp. Lương hưu hằng tháng và chế độ bảo trợ xã hội của vợ chồng ông Dương chỉ đủ trang trải chi phí sinh hoạt hằng ngày. Ước mơ của vợ chồng ông Dương về một ngôi nhà kiên cố chỉ thành sự thật, khi Huyện ủy Mộ Đức tổ chức lễ nghiệm thu và bàn giao “ngôi nhà cấp ủy” cho gia đình ông vào tháng 7/2022. Đây là món quà, thể hiện nghĩa tình đảng viên, chăm lo, quan tâm lẫn nhau của đảng viên trên địa bàn huyện Mộ Đức.

Huyện ủy Mộ Đức bàn giao ngôi nhà cấp ủy cho gia đình đảng viên khó khăn.                       Ảnh: PV
Huyện ủy Mộ Đức bàn giao ngôi nhà cấp ủy cho gia đình đảng viên khó khăn. Ảnh: PV

Trước đó, Bình Sơn là địa phương đầu tiên phát động phong trào xây dựng “ngôi nhà cấp ủy”. Trong 4 năm phát động, phong trào đã huy động trên 6,2 tỷ đồng, hỗ trợ xây mới và sửa chữa 128 ngôi nhà cho các gia đình đảng viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. “Ngôi nhà cấp ủy” được đánh giá là cách làm mới, góp phần củng cố niềm tin, khơi dậy ý thức và tạo sự chuyển biến về hành động trong mỗi cán bộ, đảng viên và người dân trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Bí thư Huyện ủy Bình Sơn Võ Văn Đồng nhận định, mô hình “ngôi nhà cấp ủy” có sức lan tỏa rộng rãi, góp phần giúp đỡ nhiều đảng viên vơi bớt khó khăn, tạo động lực để các đảng viên vươn lên trong cuộc sống và tiếp tục cống hiến cho tổ chức. Quan trọng hơn, tình đồng chí gắn bó, thương yêu nhau giữa các đảng viên, giữa đảng viên với tổ chức ngày càng bền chặt. Sức mạnh đoàn kết của Đảng được nhân lên là tiền đề vững chắc cho việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.

 

Là một trong 7 hộ thoát nghèo vào năm 2022 của thôn Hà Bôi, xã Long Hiệp (Minh Long), ông Đinh Văn Diếp bộc bạch, gia đình tôi ít đất rẫy, cũng chẳng có trâu bò hay vườn chè, làm lúa thì mùa được mùa mất vì chưa nắm bắt kỹ thuật sản xuất. Vậy nên, thu nhập chẳng có là bao, cuộc sống cứ thiếu trước, hụt sau. Nhờ có chi bộ, đảng viên ở thôn thường xuyên động viên và giúp cây giống, hướng dẫn làm vườn, cách chăm sóc heo, gia đình tôi hiện đang nuôi 4 con heo nái sinh sản, trồng 3 sào lúa, trồng keo. Kinh tế gia đình được cải thiện, không còn phải lo thiếu cái ăn, cái mặc như trước.

 

Ngồi trước ngôi nhà cấp 4 kiên cố của anh Dương Văn Tình (52 tuổi), Trưởng thôn Tây Phước 2, xã Bình An (Bình Sơn) Bùi Văn Hồng vẫn không quên được lúc được chi ủy giao nhiệm vụ, phụ trách giúp đỡ anh Tình - khi đó là người vô gia cư, bệnh tật, không có khả năng lao động. “Trước đây, anh Tình sống lang thang, bán vé số, 3 năm trước anh về lại địa phương. Chúng tôi huy động nhân dân dựng tạm nơi ở cho anh; đồng thời với trách nhiệm và uy tín cá nhân, tôi mạnh dạn đứng ra kêu gọi mọi người cùng nhau hỗ trợ để xây dựng nhà cho anh có nơi ở đàng hoàng”, anh Hồng chia sẻ. Sau gần 4 tháng vận động từ nhiều tổ chức, cá nhân, ngôi nhà mới trị giá gần 70 triệu đồng của anh Tình cũng được xây dựng hoàn thành. 

 

Mô hình “Đảng viên giúp dân thoát nghèo”, “Đảng viên phụ trách giúp đỡ hộ khó khăn” đã phát huy hiệu quả, thể hiện vai trò đầu tàu, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên trong việc hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân vượt qua khó khăn, yên tâm lao động sản xuất. Đây là một trong những cách làm sáng tạo, hiệu quả của cấp ủy cơ sở, việc làm này vừa phát huy trách nhiệm nêu gương của người đảng viên, vừa trở thành nhịp cầu vững chắc kết nối ý Đảng, lòng dân.

 

Đến chùa Trung Hòa, ở thị trấn Mộ Đức (Mộ Đức) vào sáng sớm, chúng tôi đã thấy một số người dân đang tỉ mẩn phơi một số cây dược liệu, thuốc nam để phục vụ công tác khám, chữa bệnh của Phòng Chẩn trị y học cổ truyền từ thiện chùa Trung Hòa. Từ khi phòng khám hoạt động đến nay là cũng ngần ấy thời gian ông Trần Thiên Sơn (66 tuổi), ở tổ dân phố 2, thị trấn Mộ Đức đi tìm kiếm các loại cây dược liệu, thuốc nam cho phòng khám. “Công việc tìm kiếm cây dược liệu không phải là dễ dàng, có nhiều loại cây chỉ mọc ở vùng biển, vùng núi, tôi phải vất vả đi tìm. Có khi việc đi tìm kiếm cây dược liệu mất cả ngày. Dù việc tìm kiếm cây dược liệu có tốn thời gian, công sức nhưng được góp vào công tác khám, chữa bệnh cho người dân, đặc biệt là người dân nghèo, tôi cảm thấy rất hạnh phúc”, ông Sơn bộc bạch.

 

Đại đức Thích Hạnh Nhân, trụ trì chùa Trung Hòa, đại diện phòng khám cho biết, dù chùa Trung Hòa đã trồng vườn thuốc nam trong khuôn viên chùa, nhưng số lượng bệnh nhân đông nên vườn thuốc của chùa không đáp ứng được nhu cầu thực tế. Vì vậy, để duy trì lượng thuốc nam đa dạng, phong phú cho phòng khám, tất cả đều nhờ vào tấm lòng của phật tử và nhân dân. Khi nào phòng khám ghi bảng thông báo cần một số loại cây dược liệu gì là trong thời gian ngắn, người dân lại nhanh chóng đi tìm kiếm để mang đến đóng góp cho phòng khám. Nhờ vậy mà hơn 6 năm qua, phòng khám chưa bao giờ rơi vào tình trạng thiếu thuốc.

 

Ra mắt từ tháng 8/2011 và duy trì 12 năm phát sóng với trên 600 hoàn cảnh, mảnh đời đặc biệt khó khăn được chia sẻ mỗi tuần, chương trình “Kết nối những tấm lòng” do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cùng Đài PT-TH Quảng Ngãi thực hiện đã tạo sự đồng cảm mạnh mẽ trong cộng đồng, hình thành nên phong trào chung tay hỗ trợ người nghèo ở các cơ quan, tổ chức, hội nhóm, cá nhân. 

Chị Nguyễn Thị Thảo (55 tuổi) là tiểu thương kinh doanh tạp hóa tại chợ Thu Lộ (TP.Quảng Ngãi). Từ những số đầu tiên phát sóng về các hoàn cảnh khó khăn, người neo đơn, ốm đau không có tiền điều trị, chị Thảo theo dõi, đồng cảm và mong muốn đóng góp để cùng giúp đỡ các trường hợp khó khăn. Ban đầu, các tiểu thương ở chợ Thu Lộ đến tận nhà để tìm hiểu, thăm hỏi hoàn cảnh để giúp đỡ. Sau đó, các tiểu thương cùng đóng góp và ủng hộ thông qua chuyên mục “Kết nối những tấm lòng”. “Người có nhiều góp nhiều, người có ít góp ít. Ai làm ăn khấm khá thì đóng góp thêm. Trung bình mỗi tuần mọi người đóng góp hơn 1 triệu đồng. Cứ thế, chúng tôi duy trì việc ủng hộ các hoàn cảnh khó khăn đã hơn 10 năm nay”, chị Thảo cho biết.

Nội dung: SA HUỲNH - BẢO HÒA - HIỀN THU
Trình bày: L.H

------------------
Kỳ 2: Lan tỏa phong cách làm việc khoa học
 

Xuất bản lúc: 18:06, 16/05/2023