(Báo Quảng Ngãi)- Thôn Làng Mùng, xã Sơn Bao (Sơn Hà) là một vùng đất trù phú được bao quanh bởi dòng sông Rin và sông Tang. Nơi đây không chỉ được biết đến là vùng núi non hiểm trở, mà còn là nơi lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống của đồng bào Hrê.
Thôn Làng Mùng có hơn 90% dân số là đồng bào Hrê sinh sống. Với địa thế lưng dựa núi, mặt hướng ra sông, đã đem lại nhiều điều khác biệt trong đời sống của người dân nơi đây. Từ lâu, người dân ở thôn Làng Mùng không còn đốt nương làm rẫy, mà chuyển sang làm nông nghiệp theo hướng bền vững. Ở địa phương hiện có những cánh đồng lúa trải dài hàng trăm héc ta, với năng suất bình quân đạt trên 55 tạ/ha.
Những mùa đói giáp hạt đã lùi xa trong ký ức của những người già trong thôn. Già làng Đinh Văn Lú đưa chúng tôi ra thăm cánh đồng mẫu thực hiện theo mô hình xanh - sạch - đẹp ở địa phương. Già Lú cười bảo, nông dân ở Làng Mùng đã biết đầu tư thâm canh cây lúa nước để mang lại năng suất cao gắn với bảo vệ môi trường. Đặc biệt là không sử dụng thuốc trừ cỏ; không sử dụng chất kích thích tăng trưởng trong sản xuất; không vứt bao bì thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi. Đây là một bước tiến lớn trong tập quán sản xuất của đồng bào dân tộc Hrê nơi đây. Người dân làm lúa đạt năng suất cao nhờ biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Những con đường làng trải dài đã được bê tông vắt qua những cánh đồng. Hệ thống kênh mương tưới tiêu được đầu tư đồng bộ, giúp người dân sản xuất đạt hiệu quả. Ổn định lương thực tại chỗ, người dân hướng đến phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, chăn nuôi gia súc với số lượng lớn. Ở thôn Làng Mùng, bình quân mỗi hộ dân nuôi 2 - 3 con trâu, bò, nhiều hộ nuôi hàng chục con. Thôn Làng Mùng ở gần hồ chứa nước Nước Trong, công trình được ngăn dòng trên dòng Sông Tang.
Đây là công trình đa mục tiêu, vừa chứa nước phục vụ sản xuất, kết hợp phát điện và cải thiện môi trường sinh thái. Từ khi có hồ Nước Trong, người dân ở thôn Làng Mùng đầu tư nuôi trồng thủy sản kết hợp phát triển du lịch sông nước. Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Bao Đinh Văn Sen dẫn chúng tôi đi tham quan hồ Nước Trong trên chiếc thuyền du lịch. Anh Sen bảo rằng, vùng đất vốn nhiều khó khăn này từ khi có công trình hồ chứa nước Nước Trong đã trở nên khởi sắc trong phát triển kinh tế - xã hội. Hồ chứa nước Nước Trong ngoài việc phục vụ sản xuất nông nghiệp, sản xuất điện, đảm bảo môi trường sinh thái, còn tạo thu nhập cho người dân qua việc đánh bắt cá, phát triển du lịch.
Hiện nay, trên khu vực lòng hồ Nước Trong có khoảng gần chục hộ dân tham gia nuôi trồng thủy sản. Trung bình mỗi hộ nuôi trên diện tích từ 100 - 150m2 mặt nước. Chúng tôi ghé thăm lồng bè của hộ ông Cao Văn Trung, một trong những hộ đầu tiên tham gia nuôi trồng thủy sản tại khu vực lòng hồ Nước Trong. Hiện hộ ông Trung thả nuôi trên 12 nghìn con cá giống các loại, chủ yếu là cá lăng nha và cá chình. Bình quân mỗi năm, ông Trung bán được trên 3 tấn cá các loại, thu về hơn 100 triệu đồng.
Điều làm nên một nét rất riêng cho thôn Làng Mùng chính là văn hóa truyền thống của đồng bào Hrê. Người dân nơi đây có đời sống văn hóa rất đa dạng, phong phú. Vùng đất này được xem là cái nôi văn hóa của đồng bào Hrê ở huyện Sơn Hà. Người dân còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Tiêu biểu là những loại hình dân ca, dân nhạc, dân vũ, những phong tục, tập quán mang đậm bản sắc văn hóa được lưu truyền qua nhiều thế hệ.
Người Hrê ở Làng Mùng rất giỏi đan lát. Từ những cây giang, cây nứa trên rừng, qua bàn tay của các nghệ nhân đã tạo nên những sản phẩm tinh xảo. Những chiếc gùi mà đồng bào Hrê thường mang có dáng cân đối, hài hòa, hoa văn đẹp, được gọi là những chiếc A Teo (gùi nhỏ), Ro (gùi thưa)... Ngoài những dụng cụ sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày, các nghệ nhân luôn tìm tòi, chế tác những dụng cụ độc đáo, hữu ích để tiêu thụ trên thị trường, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Theo chân già làng Đinh Văn Lối, chúng tôi đến nhà bà Đinh Thị Mai, một người giỏi đan lát ở địa phương. Bà Mai chia sẻ, tôi được bố mẹ dạy đan lát, rồi đan những vật dụng dùng trong sinh hoạt gia đình. Giờ đây, tôi dạy lại cho con cháu, nhằm gìn giữ nghệ thuật đan lát truyền thống của đồng bào Hrê.
Làng Mùng có nghệ nhân Đinh B’Rum. Ông là người Hrê duy nhất ở huyện Sơn Hà được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian chuyên về nhạc cụ truyền thống. Ông Đinh B’Rum năm nay đã 75 tuổi. Ông biết chế tác các nhạc cụ bằng những vật liệu có sẵn của địa phương như cây tre, trúc, vỏ bầu, thậm chí làm nhạc cụ bằng đất sét. Đặc biệt, ông Đinh B’Rum còn sử dụng thành thạo nhiều nhạc cụ truyền thống của người Hrê như đàn ca râu, đàn pơ roác, ra ngói, ta lía, tá vố, chiêng ka la...
Ông chính là hạt nhân trong phong trào văn hóa - văn nghệ ở cơ sở và là người giữ hồn cho các nhạc cụ dân tộc của người Hrê. Ngọn lửa đam mê với nhạc cụ dân tộc được ông Đinh B’Rum trao truyền cho nhiều thế hệ con cháu ở địa phương. Ông Đinh B’Rum bộc bạch, tôi mong muốn con cháu sau này biết sử dụng các nhạc cụ truyền thống của dân tộc, luôn ý thức giữ gìn và phát huy di sản văn hóa của người Hrê, nhất là sử dụng trong các dịp lễ hội của làng.
Chúng tôi đến tham quan ngôi nhà sàn người Hrê ở Làng Mùng. Những lễ hội lớn của người dân như hội mùa, sinh hoạt văn hóa - văn nghệ đều được tổ chức tại đây. Sau những ngày làm việc vất vả, đồng bào Hrê quây quần bên ngôi nhà sàn, kể những câu chuyện cổ, hát những làn điệu dân ca như ca lêu, ca choi, túc chinh và nhảy múa... Từ đó đã thắt chặt thêm tình đoàn kết, gắn bó người dân ở Làng Mùng. Đồng thời, tạo động lực để người dân chăm lo phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới.
Cuộc sống của đồng bào Hrê ở thôn Làng Mùng phát triển từng ngày. Những chính sách của Đảng, Nhà nước tiếp thêm nguồn lực để người dân vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống. Trong không gian yên bình của làng quê, những chàng trai, cô gái Hrê trong trang phục truyền thống lại say sưa trong tiếng chiêng và điệu múa “mừng ngày mùa”. Người dân ở Làng Mùng mừng một mùa bội thu, mừng một cuộc sống mới đang bừng sáng trên quê hương.
Nội dung: THU HẰNG
Trình bày: L.H