(Báo Quảng Ngãi)- Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Vì vậy, cả hệ thống chính trị trong tỉnh luôn quan tâm phát hiện, bồi dưỡng, tuyên truyền và nhân rộng các gương điển hình, tiêu biểu trên các lĩnh vực.
Nhiều người dân ở xã Tịnh Trà (Sơn Tịnh) nhớ mãi hình ảnh các thành viên của Đội xung kích phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của xã đã dũng cảm cứu người bị lũ cuốn trong cơn bão số 5 năm 2021. Trên đường về nhà, anh Võ Tấn Hùng, ở thôn Thạch Nội, xã Tịnh Trà không may bị sụp xuống hố nước sâu. Anh Huỳnh Tấn Thảo chạy đến ứng cứu nhưng cả hai bị dòng nước cuốn đi. Nghe tin, các thành viên Đội xung kích phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của xã Tịnh Trà vội đến ngay hiện trường. Bí thư Đoàn xã Tịnh Trà Lê Khánh Hòa (31 tuổi) và Trung đội trưởng dân quân xã Tịnh Trà Mai Quyết Thắng đã xung phong bơi ra cứu người. Trong lúc nguy cấp, các thành viên nghĩ ra cách buộc sợi dây thừng vào phao, Hòa cùng đồng đội ôm phao bơi ra dòng nước lũ chảy xiết, cứu thành công hai thanh niên.
Bí thư Đoàn xã Tịnh Trà Lê Khánh Hòa đã thể hiện bản lĩnh và phẩm chất người đảng viên trẻ tuổi không chỉ trong tình huống nguy cấp, mà còn xuyên suốt trong quá trình thực hiện công việc. Năm 2018, anh Hòa đã mạnh dạn đề xuất Đảng ủy, UBND xã xây dựng mô hình cột cờ Tổ quốc kiểu mẫu dọc các tuyến đường Ba Gia - An Điềm, tuyến đường Khánh Mỹ, Tịnh Trà đi Bình Hiệp (Bình Sơn) với 400 trụ cờ. Tổng kinh phí thực hiện 20 triệu đồng, trong đó người dân ủng hộ 50% kinh phí. Trước đó, anh Hòa còn tích cực vận động người dân hiến gần 100m2 đất để làm đường ra cánh đồng giúp người dân vận chuyển nông sản thuận lợi, huy động đoàn viên, thanh niên thực hiện các công trình dân sinh...
Ngoài ra, chàng Bí thư Đoàn xã còn là gương mặt tích cực, quen thuộc trong hoạt động hiến máu tình nguyện, với 12 lần hiến máu tình nguyện. Mới đây, anh Hòa vinh dự được Ban Thường vụ Tỉnh ủy tặng Bằng khen đảng viên 5 năm liền hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (2018-2022).
Sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hơn 50% người dân có tín ngưỡng tôn giáo với 5 hệ phái tôn giáo khác nhau nhưng ông Nguyễn Vàng - Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Trường Khay, xã Sơn Hạ (Sơn Hà) là người xây dựng mối đoàn kết lương giáo ở thôn, được nhân dân tin yêu. Trước khi đảm nhận nhiệm vụ Trưởng ban công tác mặt trận, ông Vàng từng có hơn 10 năm làm trưởng thôn Trường Khay và là người khéo làm công tác dân vận khá hiệu quả. Tính đến thời điểm đầu năm 2023, thôn Trường Khay có 15 tuyến đường bê tông nông thôn với chiều dài hơn 6km. Đây là thôn có đường bê tông nhiều nhất của huyện Sơn Hà cả về số tuyến và tổng chiều dài.
Khó nhất với ông là lúc vận động nhân dân hiến đất làm nhà văn hóa thôn, bởi đây là đất sản xuất của người theo đạo Tin lành. “Làm công tác vận động quần chúng thì phải theo tinh thần thấu hiểu, sâu sát từng hộ gia đình, từng hoàn cảnh. Đối với người có tín ngưỡng tôn giáo và người không theo tôn giáo, mình phải có cách thuyết phục khác nhau. Bác Hồ đã dặn: “Là người đảng viên, người cán bộ, bất cứ việc gì cũng phải đi đầu, lo trước cái lo của người dân. Đã nói thì phải làm, đã hứa thì nhất định phải thực hiện cho được lời hứa. Việc khó càng phải cố gắng làm cho được”, ông Vàng chia sẻ.
Dù chẳng có ai trả công, không có kinh phí hoạt động nhưng hơn 1 năm qua, 25 thành viên trong Câu lạc bộ (CLB) Vệ sinh môi trường ở xã Phổ Châu (TX.Đức Phổ) vẫn luôn nhiệt tình, xông xáo để đi dọn, xử lý và thu gom rác về điểm tập kết rác của địa phương.
Sau khi Nhà máy xử lý rác ở phường Phổ Thạnh dừng hoạt động, một số người dân thiếu ý thức vứt rác xuống biển gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường, rác thải tồn đọng dọc theo bờ biển. Vì thế, đầu năm 2022, Ban Thường vụ Hội LHPN xã Phổ Châu gợi ý thành lập CLB Vệ sinh môi trường để chị em cùng tham gia dọn rác, làm sạch bãi biển. Các thành viên tham gia CLB đủ mọi thành phần, lứa tuổi nhưng đa số là phụ nữ nông thôn và đều làm nông. Dù cuộc sống không phải thảnh thơi, mỗi người đều bận rộn với công việc riêng nhưng các chị có chung sự nhiệt huyết, mong muốn gìn giữ vệ sinh môi trường, nhất là khu vực bãi biển. Bà Võ Thị Kim Hồng, ở thôn Châu Me, thành viên năng nổ trong CLB bộc bạch, đều đặn mỗi tháng từ 1 - 2 lần, tùy thuộc vào số lượng rác, chúng tôi tập trung nhau lại để đi thu gom rác dọc bờ biển từ 2-3km và một số điểm công cộng như đèo Bình Đê. Trung bình mỗi tháng CLB thu gom, xử lý hơn 3 tấn rác thải các loại.
Từ sự nhiệt tình, ý thức bảo vệ môi trường của các chị em trong CLB Vệ sinh môi trường, người dân ngày càng có ý thức giữ gìn môi trường chung, không còn xảy ra tình trạng vứt rác ở khu vực bãi biển. Nhiều đoàn viên, thanh niên, người dân tham gia cùng chị em phụ nữ thu gom rác, làm sạch bãi biển góp phần bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn minh.
Thấm nhuần lời dạy của Bác: “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm”, chị Nguyễn Thị Minh Hiền - Chủ tịch Hội LHPN xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa) đã giúp cho nhiều hội viên phụ nữ khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Chị Hiền nhớ lại, thời điểm năm 2021 dịch tả lợn Châu Phi bùng phát, lượng heo nái trên địa bàn gần như chết hết, do vậy việc mua con giống ban đầu giá rất cao, nhiều hộ nghèo, hộ khó khăn không có khả năng mua con giống để tiếp tục chăn nuôi. Để giúp đỡ hội viên khó khăn, chị Hiền đã mạnh dạn hỗ trợ 5 con heo giống đầu tiên từ lứa heo con do mình nuôi sinh sản ra cho 5 hội viên cùng nuôi. Từ đó, mô hình “Nuôi heo nái luân chuyển” đã tạo điều kiện cho hội viên khó khăn, từng bước vươn lên thoát nghèo. Đặc biệt, nhiều hộ đã mạnh dạn vay vốn từ các nguồn hỗ trợ để đầu tư tăng đàn, phát triển chăn nuôi.
Cách làm hay, hiệu quả ở mô hình này là người nhận không bỏ ra chi phí khi heo nái (được hỗ trợ) sinh sản lần đầu, heo con được trên 10kg, hội viên phải giao lại cho Hội LHPN xã 1 con để luân chuyển cho các hội viên kế tiếp. Heo nái và đàn heo con còn lại hội viên được hưởng toàn bộ. Sau hai năm thực hiện, có trên 40 hội viên khó khăn được hỗ trợ. Bà Lâm Thị Hải (72 tuổi), ở thôn An Hội Bắc 1 cho biết, hoàn cảnh của tôi neo đơn, một mình nuôi cháu ngoại mồ côi nhưng luôn được sự quan tâm của hội phụ nữ. Đầu năm nay, tôi được hỗ trợ con heo nái và mới đây đã đẻ được 5 con, rất mừng. Giờ mình cứ chăm sóc cho lớn, khi cháu cần tiền đóng tiền học, mua sách vở thì bán heo đi lấy tiền cho cháu học, không lo gì hết.
Với cách làm hiệu quả thiết thực, những mô hình hay, gương điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã và đang cổ vũ cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân bước tiếp hành trình dựng xây quê hương, đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Từ năm 2021 đến nay, Quảng Ngãi có gần 2.000 mô hình học Bác với hơn 1.500 tập thể, cá nhân từ tỉnh đến cơ sở được biểu dương, khen thưởng. Qua đó cho thấy, Kết luận 01 của Bộ Chính trị đã và đang đi vào cuộc sống, được các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể các cấp chú trọng thực hiện nghiêm túc; thể hiện tinh thần, trách nhiệm đối với công việc, ý thức phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức được nâng lên; tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái trong cộng đồng được phát huy.
Điều quan trọng hơn, chính những cá nhân, tập thể với những mô hình hay, đầy sáng tạo đã truyền cảm hứng, tiếp thêm niềm tin cho nhân dân, cho thế hệ trẻ. Niềm tin ấy sẽ cổ vũ, động viên Đảng bộ, quân và nhân dân trong tỉnh thực hiện tốt chuyên đề học Bác năm 2023 “Quảng Ngãi đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng văn hóa, con người để đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững”. Qua đó, khơi dậy niềm tự hào, phát huy truyền thống anh hùng, sức mạnh đoàn kết và khát vọng phát triển, phấn đấu đến năm 2025 Quảng Ngãi trở thành tỉnh phát triển khá của Vùng miền Trung, đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá, có thu nhập bình quân đầu người ít nhất bằng mức bình quân của cả nước. Đó cũng chính là khát vọng vươn lên, xây dựng quê hương xứng tầm với truyền thống yêu nước và cách mạng của bao thế hệ người Quảng Ngãi trước đây và trong giai đoạn hiện nay.
Nội dung: SA HUỲNH - BẢO HÒA - HIỀN THU
Trình bày: L.H