(Báo Quảng Ngãi)- Năm 2023, chuyên đề học tập và làm theo Bác được tỉnh chọn là: “Quảng Ngãi đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng văn hóa, con người để đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững”. Đây là quyết tâm chính trị của toàn Đảng bộ tỉnh, nhằm phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp gắn với xây dựng con người Quảng Ngãi phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ, hình thành các giá trị mới của con người Quảng Ngãi.
Thực hiện Kết luận 01 của Bộ Chính trị khóa XIII, trên cơ sở chuyên đề toàn khóa “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã biên soạn chuyên đề cụ thể hằng năm, bám sát thực tiễn của tỉnh, các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra.
Năm 2023, chuyên đề được tỉnh lựa chọn là: “Quảng Ngãi đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng văn hóa, con người để đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững”. Đây vừa là sự cụ thể hóa chuyên đề học tập toàn khóa của trung ương, phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, vừa tiếp nối tinh thần Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 19/10/2016 của Tỉnh ủy khóa XIX “về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ngãi đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững”.
Tại hội nghị triển khai kế hoạch học tập chuyên đề năm 2023, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy cho rằng, học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa, con người và xây dựng nền văn hóa mới, con người mới là việc làm hết sức cần thiết, thường xuyên. Xây dựng văn hóa, con người không chỉ là trách nhiệm của một tổ chức, một đơn vị hay một cá nhân, mà phải là cả hệ thống chính trị. Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh văn hóa là lĩnh vực tinh thần, có mối quan hệ chặt chẽ với chính trị, kinh tế, xã hội; văn hóa là mục tiêu, là động lực của cách mạng. Cũng chính vì vậy, Người yêu cầu cần phải làm mọi cách để phát huy tối đa sức mạnh của văn hóa, làm cho các nhân tố văn hóa thấm sâu vào mọi lĩnh vực, phương diện cả chính trị, kinh tế, xã hội, pháp luật và cả các mối quan hệ của con người, biến văn hóa trở thành một nguồn lực nội sinh quan trọng để phát triển.
Những giá trị văn hóa đặc sắc của cư dân vùng biển đảo Quảng Ngãi |
Chuyên đề của năm 2023 nhấn mạnh mục tiêu xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ngãi toàn diện. Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa để văn hóa, con người Quảng Ngãi thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển bền vững của tỉnh. Thông qua đó, giúp cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân tiếp tục nhận thức sâu sắc tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam. Đồng thời, hiểu rõ trách nhiệm, nghĩa vụ trong học tập, làm theo và nêu gương; bồi đắp tinh thần yêu nước, phát huy ý thức trách nhiệm, tinh thần cống hiến, nỗ lực trong xây dựng văn hóa và phát triển con người Quảng Ngãi về đức, trí, thể, mỹ đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững.
Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020- 2025, đồng chí Võ Văn Hào - khi ấy là Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy khẳng định, các thế hệ người Quảng Ngãi trong lịch sử đã để lại cho nhân dân Quảng Ngãi hôm nay một nền tảng văn hóa, tinh thần vô giá, không thua kém bất kỳ một địa phương nào trong cả nước, thậm chí có những nét văn hóa đặc trưng, đi trước, vượt trước các địa phương khác.
Minh chứng cho nhận định trên, đồng chí Võ Văn Hào nêu rõ, cách nay hàng nghìn năm, Quảng Ngãi là trung tâm, chiếc nôi của Văn hóa Sa Huỳnh - một nền văn hóa cổ xưa nhất, cùng thời với văn hóa Đông Sơn, nhưng sớm hơn rất nhiều so với văn hóa Chăm Pa, Đồng Nai, Óc Eo là 5 nền văn hóa hình thành nên bản sắc văn hóa Việt Nam. Về sự sáng tạo, đổi mới, có ý kiến cho rằng, người dân Quảng Ngãi chỉ giỏi đánh giặc. Điều đó chỉ đúng một phần. Bởi, trong lao động cải tạo giới tự nhiên phục vụ đời sống con người, nhiều sản phẩm lao động của người Quảng Ngãi mang giá trị của đổi mới sáng tạo. Bờ xe nước có ở nhiều địa phương, nhưng không có nơi nào lại có “nền văn hóa nông nghiệp xe nước” như ở Quảng Ngãi.
Du khách tham quan tại Nhà trưng bày Văn hóa Sa Huỳnh (TX.Đức Phổ). Ảnh: TL |
Chế biến đường mía, kỹ thuật đi biển, đánh bắt cá biển, chế biến các sản phẩm từ biển... hầu như vùng miền nào cũng có, nhưng chỉ đến Quảng Ngãi mới nâng lên tầm văn hóa. Từ rất sớm, vùng đất Quảng Ngãi đã xuất hiện nhiều phong trào, nhiều bậc hiền tài, có công lớn trong việc xây dựng và phát triển đất nước. Thế kỷ XVIII, đông đảo nhân dân Quảng Ngãi đã tham gia phong trào Tây Sơn, nhiều người trong số đó trở thành trụ cột của phong trào này. Những năm đầu thế kỷ XX, cùng với phong trào Duy Tân do các sĩ phu yêu nước phát động, nhân dân Quảng Ngãi còn tổ chức nhiều cuộc đấu tranh chống bắt phu, chống bóc lột bằng tô tức, chống nạn cường hào ở địa phương, nhất là cuộc đấu tranh cự sưu, khất thuế diễn ra năm 1908 đã làm cho bộ máy tay sai của thực dân Pháp bất lực. Trong thời đại Hồ Chí Minh, Quảng Ngãi đã kế tục xứng đáng truyền thống hào hùng của quê hương, đất nước. Người Quảng Ngãi vinh dự là một trong 7 đại biểu tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, vào ngày 3/2/1930.
Đại hội XIII của Đảng xác định: “Động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Đồng thời xác định rõ: “Lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam làm nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững”. Chính vì lẽ đó, chuyên đề “Quảng Ngãi đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng văn hóa, con người để đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững” không chỉ là khẩu hiệu mà là quyết tâm chính trị của toàn Đảng bộ tỉnh, nhằm phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp gắn với xây dựng con người Quảng Ngãi phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ, hình thành các giá trị mới của con người Quảng Ngãi.
Quảng Ngãi đang nỗ lực gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào vùng cao. |
Qua đó, khơi dậy niềm tự hào, phát huy truyền thống anh hùng, sức mạnh đoàn kết và khát vọng phát triển, phấn đấu đến năm 2025 trở thành tỉnh phát triển khá của Vùng miền Trung, đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá, có thu nhập bình quân đầu người ít nhất bằng mức bình quân của cả nước. Đó cũng chính là khát vọng vươn lên, xây dựng quê hương xứng tầm với truyền thống yêu nước và cách mạng của các thế hệ người Quảng Ngãi trong giai đoạn hiện nay.
Nội dung: THANH THUẬN
Trình bày: L.H