(Báo Quảng Ngãi)- Ngày 24/3/1975, tỉnh Quảng Ngãi được giải phóng, là dấu mốc lịch sử vẻ vang của quê hương núi Ấn- sông Trà. Đây là thắng lợi vang dội của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Quảng Ngãi trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
|
Phụ nữ huyện Mộ Đức trình diễu hành áo dài hân hoan chào mừng các sự kiện trọng đại trong tháng 3/2023. Ảnh: Trung Nhân |
Suốt 48 năm qua kể từ thời khắc lịch sử ấy, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Quảng Ngãi luôn đoàn kết một lòng, lao động sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn và thử thách để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Từ một tỉnh thuần nông, chậm phát triển, tỉnh Quảng Ngãi đã có những bước phát triển vượt bậc; đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện...
Nhìn lại chặng đường 48 năm qua, khó mà kể hết công lao của các thế hệ đi trước trong công cuộc tái thiết quê hương sau ngày giải phóng, non sông thu về một mối. Mỗi kỳ đại hội, Đảng bộ tỉnh đặt ra nghị quyết, chủ trương đúng đắn và giải pháp phù hợp với thực tiễn để phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH), nâng cao đời sống của người dân. Trong quá trình thực hiện nghị quyết, hệ thống chính trị các cấp đã phát huy dân chủ, linh hoạt, sáng tạo, huy động sức mạnh của toàn dân. Từ đó tạo nên những thành quả lớn lao, cho cây hòa bình mãi xanh, hoa độc lập nở, trái tự do trĩu cành trên mảnh đất Quảng Ngãi anh hùng.
|
Bức tranh KT - XH của Quảng Ngãi dần khẳng định vị thế trên bản đồ Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước. |
Với ý chí, sự tự tin, bản lĩnh, tinh thần dám nghĩ, dám làm, sự chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ, khoa học, hiệu quả của lãnh đạo tỉnh; sự nỗ lực, đoàn kết, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, KT - XH của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Bức tranh KT - XH của Quảng Ngãi đã dần khẳng định vị thế trên bản đồ Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước. Kết thúc năm 2022, Quảng Ngãi được trung ương đánh giá là một trong những điểm sáng nổi bật của cả nước trên tất cả các mặt, quy mô GRDP của Quảng Ngãi đứng thứ 4/14 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ và đứng 18/63 cả nước.
|
Hạ tầng giao thông ngày càng đồng bộ, hiện đại. Trong ảnh: Vòng xoay phía nam cầu Cổ Luỹ (TP.Quảng Ngãi). Ảnh: T.N |
Những ngày này, người dân trong tỉnh hân hoan chào mừng Kỷ niệm 48 năm ngày Giải phóng tỉnh Quảng Ngãi. Thành quả đạt được ngày hôm nay là kết quả từ truyền thống đoàn kết, anh dũng, kiên cường của dân tộc, là tiền đề quan trọng để tỉnh Quảng Ngãi vươn tới tầm cao mới. Cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, không ngừng nỗ lực cống hiến trí tuệ, công sức cho công cuộc xây dựng và phát triển quê hương.
Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, sự ủng hộ, giúp đỡ của trung ương, Quảng Ngãi từ một tỉnh thuần nông và ngành công nghiệp chỉ có mía đường, nay đã phát triển vượt bậc ngành công nghiệp với "trái tim" là Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, công suất 6,5 triệu tấn/năm. Sau hơn 14 năm chính thức đi vào vận hành, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất luôn giữ vững vai trò trụ cột kinh tế của tỉnh, là niềm tự hào của ngành dầu khí Việt Nam, là động lực để thu hút nhiều dự án quy mô lớn đến đầu tư tại KKT Dung Quất. Nhà máy Lọc dầu Dung Quất chính là đầu tàu kéo cả con tàu kinh tế Quảng Ngãi đi lên.
|
Khu Kinh tế Dung Quất và các KCN tỉnh trở thành điểm sáng về môi trường kinh doanh an toàn, thân thiện. |
Khu Kinh tế Dung Quất hình thành trên mảnh đất năm xưa chi chít hố bom, toàn nắng gió và cát trắng, đã mở ra cơ hội phát triển cho Quảng Ngãi. Lũy kế đến nay, tại KKT Dung Quất và các KCN tỉnh có 345 dự án, tổng vốn đăng ký đầu tư gần 365 nghìn tỷ đồng, trong đó có 249 dự án đã đi vào hoạt động. Riêng KCN VSIP Quảng Ngãi, sau 10 năm xây dựng và phát triển, đã thu hút gần 30 nhà đầu tư, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn người dân Quảng Ngãi, trở thành điểm sáng về môi trường kinh doanh an toàn, thân thiện.
Để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, đưa tỉnh phát triển mạnh mẽ hơn, trong rất nhiều cuộc làm việc với các sở, ban, ngành, địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức chỉ đạo, điều hành. Đổi mới mạnh mẽ về tư duy, cách thức làm việc, tạo chuyển biến rõ nét trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Khuyến khích tư duy đột phá, hiến kế, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Quyết tâm cao, nỗ lực lớn cùng với sự chung sức, đồng lòng hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2023, để tăng tốc thực hiện thắng lợi chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.
Năm 2023, Quảng Ngãi đưa ra 14 nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn, trong đó triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, triển khai thực hiện đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT Dung Quất đến năm 2045 đã được phê duyệt. Huy động, phân bổ hiệu quả nguồn lực xã hội, bố trí vốn đầu tư công hợp lý, đẩy mạnh thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Phát triển công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp công nghệ cao; chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển theo hướng chuyên sâu, bền vững. Đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, nhất là du lịch ven biển, không ngừng cải thiện môi trường đầu tư.
Trò chuyện với chúng tôi về khát vọng xây dựng quê hương, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Kim Hiệu bày tỏ mong muốn thế hệ trẻ hãy sống xứng đáng với lớp người đi trước, ra sức học tập, rèn đức, luyện tài chinh phục những mốc son phát triển kinh tế. Thời cha ông, đất nước có chiến tranh, cả sức lực và tuổi trẻ đều dành hết cho đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Hòa bình rồi, thế hệ trẻ phải không ngừng phấn đấu, cống hiến cho công cuộc kiến thiết, xây dựng quê hương, để xứng đáng với sự hy sinh xương máu của các thế hệ cha ông.
Nguyên Bí thư Huyện ủy Ba Tơ Phạm Viết Nho thì cho rằng, muốn tương lai phát triển, chúng ta phải bắt đầu từ hôm nay. Mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân phải nỗ lực học tập, lao động sáng tạo. Đảng và Nhà nước cần tiếp tục quan tâm đầu tư cho miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng căn cứ cách mạng, để từng bước nâng cao đời sống người dân. Hiện nay, ở vùng cao, nhiều nơi xưa kia là căn cứ cách mạng, sau 48 năm giải phóng, đường sá đi lại vẫn còn khó khăn, điện thắp sáng chưa đầy đủ...
|
Kinh tế, văn hóa, giáo dục vùng miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm đầu tư và cuộc sống người dân ngày càng được nâng lên. |
Thế hệ trẻ trên quê hương núi Ấn - sông Trà luôn tự hào về truyền thống cách mạng, tiếp bước thế hệ cha ông góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Bí thư Đoàn xã Sơn Lập (Sơn Tây) Đinh Văn Thên chia sẻ, điều kiện học tập và tri thức của mỗi thanh niên có thể khác nhau, nhưng trái tim vì cộng đồng, vì phồn vinh, hạnh phúc cho nhân dân cần phải hòa làm một. Tình đoàn kết, tương trợ, sống trách nhiệm với cộng đồng chính là sức mạnh đưa mọi thành quả đến đích của ấm no, hạnh phúc. Ở xã Sơn Lập, dù điều kiện kinh tế còn khó khăn nhưng người dân luôn yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau vươn lên trong cuộc sống và mọi người cảm thấy hạnh phúc. Mong rằng ở tất cả các vùng quê, tinh thần hạnh phúc ấy luôn được lan tỏa như ước nguyện năm xưa của cha ông: Hòa bình rồi, hạnh phúc tràn khắp nơi nơi...
Nội dung:
THANH NHỊ
Trình bày:
L.H