[Emagazine]. Tận dụng thời cơ, huy động mọi nguồn lực để tăng tốc phát triển

07:01, 23/01/2023
.

 

(Báo Quảng Ngãi)- Năm 2022 khép lại, đánh dấu một năm đầy quyết tâm, nỗ lực vượt khó của Quảng Ngãi và đã hoàn thành thắng lợi 25/25 chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) chủ yếu của tỉnh. Nhân dịp Xuân mới Quý Mão 2023, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh đã dành cho Báo Quảng Ngãi cuộc trao đổi về những kết quả đạt được trong năm 2022 và các mục tiêu, định hướng lớn của tỉnh trong năm 2023. 

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh kiểm tra tiến độ công trình Đường cơ động Đông Nam đảo Lý Sơn (giai đoạn III). ẢNH: THANH NHỊ
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh kiểm tra tiến độ công trình Đường cơ động Đông Nam đảo Lý Sơn (giai đoạn III). ẢNH: THANH NHỊ
PV: Năm 2022, Quảng Ngãi triển khai thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch phát triển KT - XH trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn và bất lợi, nhưng vẫn đạt những kết quả rất ấn tượng. Xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật mà tỉnh đạt được trong năm 2022?
 
Đồng chí ĐẶNG VĂN MINH: Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản để quán triệt và chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT - XH trong năm 2022. Triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19; Chương trình phục hồi và phát triển KT - XH (thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ) theo phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh”. Nhờ sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự tập trung chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh, các ngành, địa phương, cùng sự chung sức, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn tỉnh, nên KT - XH năm 2022 của tỉnh ta đạt nhiều kết quả tích cực, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, được trung ương đánh giá là một trong những điểm sáng nổi bật trên cả nước.
 
Kết quả thể hiện rõ nét nhất là thực hiện đạt 25/25 chỉ tiêu KT - XH chủ yếu, trong đó có 14 chỉ tiêu vượt so với nghị quyết HĐND tỉnh đề ra. Nổi bật là 7 chỉ tiêu về kinh tế đều đạt và vượt, bao gồm: Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 8,08%; GRDP bình quân đầu người đạt 3.907 USD; tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ trong GRDP đạt 68,4%; năng suất lao động xã hội tăng 14,8%; vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn đạt trên 33,2 nghìn tỷ đồng; tỷ lệ đô thị hóa đạt 29,2%; thu ngân sách nhà nước vượt mức chỉ tiêu trung ương giao gần 80%. Đáng chú ý là, quy mô GRDP đạt trên 121,67 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 2 so với 5 tỉnh Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, đứng thứ 4 so với 14 tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ và đứng thứ 18 so với 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Thu ngân sách nhà nước đạt cao nhất từ trước đến nay với hơn 34 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 2 khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.
 
Công tác tổ chức lập quy hoạch, nhất là các quy hoạch quan trọng của tỉnh, gồm: Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng KKT Dung Quất đến năm 2045 được ưu tiên triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ, chất lượng, khoa học và khả thi. Đây được xem là công cụ cực kỳ quan trọng để định hướng, tạo hành lang cho sự phát triển KT - XH của tỉnh trong giai đoạn đến. Công tác giải ngân vốn đầu tư công đạt tỷ lệ cao, nằm trong tốp 10 tỉnh, thành phố có tỷ lệ giải ngân cao nhất cả nước. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông, đoạn qua địa bàn Quảng Ngãi được lãnh đạo tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt ngay từ đầu nên đã bàn giao mặt bằng đảm bảo đúng chỉ đạo của Chính phủ.
 
Lĩnh vực văn hóa - xã hội có sự chuyển biến tích cực. Tỉnh đã thực hiện tốt các chế độ, chính sách về an sinh xã hội, hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng chính sách nhân các ngày lễ, Tết, với tổng kinh phí gần 1.700 tỷ đồng. Kiểm soát tốt dịch Covid-19 và kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Công tác cải cách thủ tục hành chính được thực hiện mạnh mẽ; kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường; quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm.
 
PV: Bên cạnh những kết quả đạt được, theo đồng chí, tỉnh ta còn những điểm nghẽn nào cần tập trung chỉ đạo tháo gỡ?
 
Đồng chí ĐẶNG VĂN MINH: Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình chỉ đạo, điều hành phát triển KT - XH của tỉnh trong năm qua cũng còn những hạn chế. Trong đó, vấn đề tồn tại kéo dài nhiều năm qua chưa được khắc phục triệt để là công tác phối hợp giải quyết công việc giữa các sở, ban, ngành, địa phương vẫn còn thiếu chặt chẽ, chưa hiệu quả; chưa phát huy tính mạnh mẽ, sáng tạo, đột phá trong tham mưu, có tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ được giao. Nguyên nhân một phần là do tâm lý lo sợ, e dè sau khi một số nội dung sai phạm, khuyết điểm trong công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước được Ủy ban Kiểm tra Trung ương, các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán chỉ ra trong thời gian qua.
 
Tăng trưởng GRDP của tỉnh khá cao nhưng thiếu bền vững, thiếu ổn định ở các ngành, giá trị sản xuất công nghiệp vẫn còn phụ thuộc vào giá trị của sản phẩm lọc hóa dầu và thép. Riêng ngành nông nghiệp tăng trưởng chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch. Điều này đồng nghĩa với đời sống của đa số người dân khu vực nông thôn còn khó khăn, bởi đa phần người dân khu vực này sống bằng nông nghiệp. Thu tiền sử dụng đất của tỉnh đạt quá thấp, do một số dự án còn vướng mắc về thủ tục pháp lý nên phải tập trung giải quyết, hoàn thiện các thủ tục liên quan để đảm bảo điều kiện đấu thầu, đấu giá theo quy định. Bên cạnh đó, hiện nay vẫn còn nhiều dự án đầu tư ngoài ngân sách nhà nước gặp vướng mắc chưa được tháo gỡ do sự chồng chéo giữa các quy định của pháp luật và cần phải xin ý kiến của cơ quan có thẩm quyền ở trung ương nên “điểm nghẽn” trong đầu tư ngoài ngân sách vẫn chưa được khơi thông.
 
Kỹ sư, công nhân Doosan Vina trong ca làm việc. ẢNH: Phạm Danh
Kỹ sư, công nhân Doosan Vina trong ca làm việc. ẢNH: Phạm Danh
Ngoài ra, các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình phục hồi sau dịch Covid-19; tình hình doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và giải thể còn nhiều; các hoạt động xúc tiến thương mại như kết nối cung cầu, hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, xúc tiến giao thương tại các thị trường trong nước còn chậm...
 
PV: Năm 2023 sẽ là năm tăng tốc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển KT - XH, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Vậy xin đồng chí cho biết, những định hướng lớn của tỉnh về phát triển KT - XH  trong năm 2023 và những năm còn lại của nhiệm kỳ?
 
Đồng chí ĐẶNG VĂN MINH: Năm 2023, dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường cả về chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn trên Biển Đông tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định; tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại; nguy cơ suy thoái kinh tế và rủi ro về tài chính, tiền tệ, an ninh năng lượng, lương thực gia tăng. Ở trong nước, khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ và thuận lợi, sức ép lạm phát, tỷ giá, lãi suất tăng; dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, bão lũ tiếp tục diễn biến bất thường, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất, kinh doanh... Đối với Quảng Ngãi, nguồn thu phát sinh mới các năm gần đây không đáng kể. Trong khi đó, năm 2023 Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ dừng hoạt động gần 2 tháng để thực hiện bảo dưỡng tổng thể lần 5; Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất sẽ giảm sản lượng thép khoảng 50%; các dự án lớn đầu tư trong KKT Dung Quất và KCN - Đô thị - Dịch vụ VSIP Quảng Ngãi được thu hút gần đây đều hưởng ưu đãi về thuế nên chưa có phát sinh số nộp ngân sách nhà nước; do đó thu ngân sách nhà nước sẽ giảm mạnh so với năm 2022. Điều này đặt ra thách thức cực kỳ lớn cho tỉnh trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2023.
 
Để thực hiện hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển KT - XH năm 2023, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển KT - XH năm 2023 và 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và người dân để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, đầu tư; chủ động xử lý hiệu quả những vấn đề tồn đọng kéo dài. Tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư, phát triển; rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn nhằm nâng cao năng lực nội tại và sức cạnh tranh.
 
Tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện 4 nhiệm vụ trọng tâm và 3 nhiệm vụ đột phá trong giai đoạn 2021 - 2025; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số; phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao đời sống nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo; phát triển văn hóa, giáo dục. Tăng cường phòng, chống thiên tai, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Chấn chỉnh quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Thực hiện quyết liệt cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập, tinh giản biên chế. Giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, an ninh, đảm bảo trật tự và an toàn xã hội.
 
Nhiệm vụ đặt ra hiện nay là ngay từ đầu năm, cả hệ thống chính trị phải quyết tâm, nỗ lực và quyết liệt triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp. Kịp thời ban hành các nghị quyết, chương trình hành động, kế hoạch, chỉ thị, xây dựng phương án, kịch bản điều hành và quyết liệt chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nghị quyết, nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ về phát triển KT - XH năm 2023, Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển KT - XH và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tổ chức triển khai thực hiện nghiêm, hiệu quả các quy hoạch được duyệt, gồm: Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng KKT Dung Quất đến năm 2045...
 
PV: Thưa Chủ tịch, đồng chí có thông điệp gì cho năm 2023?
 
Đồng chí ĐẶNG VĂN MINH: Nhìn lại những thành tựu vượt bậc của năm 2022, cho thấy sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân Quảng Ngãi là rất lớn. Những thành quả này rất đáng trân trọng, tự hào và là động lực, là nền tảng để tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục tiến bước mạnh mẽ trong thời gian đến.
 
Trước thềm Xuân mới Quý Mão 2023, thay mặt UBND tỉnh, tôi kêu gọi các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân tỉnh nhà hãy chung sức, đồng lòng, nêu cao quyết tâm đổi mới, biến khát vọng phát triển Quảng Ngãi thành hiện thực. Trước mắt là tập trung thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển KT - XH năm 2023; tiếp tục nâng cao vị thế của tỉnh Quảng Ngãi trong khu vực miền Trung và cả nước; tạo động lực quan trọng để thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
 
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
 
 
PHẠM DANH (thực hiện)
L.H (trình bày)
 
 
Xuất bản lúc: 07:01, 23/01/2023