[Emagazine]. Trường Sa là nhà

05:12, 27/12/2022
.
 
 
Trong tiếng ầm ào của biển, ngư dân Nguyễn Thành Linh, ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu (Bình Sơn) cho tàu cập cửa biển Sa Kỳ sau gần 30 ngày vươn khơi. Bốn hầm cá trên tàu đầy ắp cá bè chủa, tôm hùm, ốc ngà voi, ốc u… “Đây là các loại hải sản đặc trưng của vùng biển Trường Sa. Chúng tôi đã lặn xuống độ sâu 30 - 40m nước mới bắt được chúng”, ngư dân Linh tự hào nói.
 
Ở Quảng Ngãi, ngư dân làm nghề lặn ở vùng biển Trường Sa có hơn 2.000 người, tập trung chủ yếu ở làng chài Gành Cả, thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu và huyện Lý Sơn. Cứ “cha truyền con nối”, những ngư dân này rành rẽ về đáy biển ở Trường Sa còn hơn trên đất liền. “Từ những năm 70 của thế kỷ trước, cha tôi đã ra tận Trường Sa làm nghề lặn đêm. Thời ấy, trên những chiếc tàu gỗ thô sơ, không có trang thiết bị gì ngoài chiếc la bàn, vậy mà, từ vùng đáy biển xung quanh đảo Tiên Nữ, An Bang cho đến Trường Sa lớn, Nam Yết, Sinh Tồn, ông và trai tráng trong làng đều thuộc làu”, lão ngư Nguyễn Thanh Nam (60 tuổi), ở làng chài Gành Cả, chia sẻ. Gia đình ông Nam có 3 đời làm nghề lặn biển ở ngư trường Trường Sa.
 
Năm lên 16 tuổi, ông Nam đã theo cha mình làm nghề lặn biển ở ngư trường Trường Sa. Đến khi 33 tuổi, ông bị tuột dây hơi khi đang lặn biển. Lúc được bạn chài kéo lên tàu, ông chỉ còn thở thoi thóp, hai chân không thể cử động được nữa. Thoát chết, nhưng cái tên “Nam sẹo” gắn với ngư dân Nguyễn Thanh Nam từ đó. Ấy thế mà, chưa đầy 1 năm sau, người dân Gành Cả lại thấy ông “Nam sẹo” bước thấp, bước cao lên tàu đi Trường Sa trở lại. “Tàn tật, mọi người khuyên tôi nên đi đánh bắt cá ở ven bờ cho nhẹ nhàng. Nhưng với tôi, ngư trường Trường Sa đã ăn sâu vào trong máu thịt! Ở bờ, nhưng lòng tôi cứ thôi thúc, phải trở lại Trường Sa!”, ông “Nam sẹo” dõng dạc. 
Ngay từ thập niên 80 của thế kỷ trước, đội tàu câu mực khơi của ngư dân thôn Mỹ Tân, xã Bình Chánh (Bình Sơn) đã vượt chặng đường biển hơn 200 hải lý để ra đánh bắt ở ngư trường Trường Sa. Từ 3, 4 chiếc tàu gỗ công suất nhỏ, chỉ chứa được 10 - 15 ngư dân thuở ban đầu, đến nay, ngư dân thôn Mỹ Tân đã phát triển đội tàu gần 70 chiếc, với gần 3.000 ngư dân bám biển, bám ngư trường Trường Sa.
 
Mỗi năm lênh đênh ở Trường Sa hơn 10 tháng, con tàu đã trở thành ngôi nhà, còn ngư trường Trường Sa là quê hương của ngư dân câu mực khơi. “Sống và làm việc tại vùng biển Trường Sa nhiều hơn ở đất liền, nên mỗi lần đi biển, chúng tôi luôn nghĩ là đang về nhà!”, lão ngư Nguyễn Hữu Ngọt, người có thâm niên hơn 40 năm làm nghề câu mực xà tại ngư trường Trường Sa sẻ chia trong niềm xúc động. 
 
Xem vùng biển Trường Sa là ngư trường truyền thống, là chốn mưu sinh, là “máu thịt” không thể tách rời của “đất mẹ” Việt Nam, những năm qua, ngư dân Quảng Ngãi luôn hiện diện ở ngư trường Trường Sa. Hơn 1.500 tàu cá, cùng hơn 20 nghìn ngư dân tại khắp các làng chài của Quảng Ngãi quanh năm vươn ra ngư trường Trường Sa để đánh bắt, với đủ các nghề, từ nghề lặn, nghề câu mực, câu cá ngừ đại dương, nghề lưới vây, lưới rút...
 
Nhưng không chỉ vươn khơi để đánh bắt hải sản, mà ngư dân Quảng Ngãi còn khẳng định vai trò của mình trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. “Chúng tôi ý thức rằng, chủ quyền biển, đảo là thiêng liêng, là bất khả xâm phạm. Vì vậy, khi đánh bắt ở vùng biển Trường Sa mà gặp các tàu nước ngoài vào vùng biển của Việt Nam là tôi thông tin về đất liền cho các cơ quan chức năng”, ngư dân Huỳnh Luận, ở phường Phổ Quang (TX.Đức Phổ) chuyên làm nghề lướt rút tại ngư trường Trường Sa, bày tỏ. 
Lênh đênh ở Trường Sa để mưu sinh, đối mặt với nhiều dông gió, khó nhọc, tình người trên biển của ngư dân Quảng Ngãi luôn dạt dào. Họ cứu nhau lúc hoạn nạn, đoàn kết trong vươn khơi, tạo thành những “bó đũa” không thể bẻ gãy trên biển.
 
Ở tuổi 33, ngư dân Bùi Văn Phải đã có thâm niên hơn chục năm vươn khơi, bám biển tại ngư trường Trường Sa.                       Ảnh: Ý Thu
Ở tuổi 33, ngư dân Bùi Văn Phải đã có thâm niên hơn chục năm vươn khơi bám biển tại ngư trường Trường Sa. Ảnh: Ý Thu
Trong một lần đánh bắt tại ngư trường Trường Sa vào năm 2020, tàu bị gãy chân vịt, chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu BĐ 96129TS Huỳnh Ơi, ở Bình Định buộc phải thả tàu trôi tự do trên biển. Giữa lúc tính mạng như “chỉ mành treo chuông”, vì tàu có nguy cơ bị chìm bất cứ lúc nào, thì 5 ngư dân trên tàu BĐ 96129TS được tàu của ngư dân Bùi Văn Phải, ở huyện Lý Sơn cứu giúp, lai dắt về bờ an toàn. Ngư dân Bùi Văn Phải mới 33 tuổi nhưng nổi tiếng can trường và là ngư dân từng được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm hỏi khi ông ra thăm đảo Lý Sơn vào ngày 15/4/2013.
 
Không chỉ tương trợ, cứu giúp nhau lúc nguy nan, ngư dân Quảng Ngãi còn đồng lòng tham gia vào các nghiệp đoàn nghề cá, các tổ đoàn kết sản xuất trên biển. Bây giờ đi Trường Sa, ngư dân Quảng Ngãi không có tàu đơn lẻ nữa! Ngư dân xem nhau là đồng đội, “có phúc cùng hưởng, có họa cùng chịu”, cùng chung sức, chung lòng ra Trường Sa mưu sinh. Nhớ lại 5 năm trước, khi tàu cá không may gặp sự cố chết máy tại ngư trường Trường Sa, ngư dân Trần Giàu, ở xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) kể, tổ của tôi có 11 tàu, với 140 ngư dân. Anh em trong nhóm giao kèo với nhau là khi ra khơi, cả tổ phải xuất phát một lượt, để nếu tàu nào bị nạn thì có tàu tới ứng cứu. Nhờ vậy mà khi tàu gặp sự cố, tôi được tàu anh Trần Minh Tân kịp thời lai dắt vào bờ. Chi phí hơn 1.000 lít dầu, tôi được 10 chủ tàu còn lại hỗ trợ một phần. Tiền sửa tàu, các anh em trong tổ cũng hùn hạp cho mượn, để có thể tiếp tục vươn khơi.
 
Tàu QNg 91467 Ts của ngư dân Võ Văn Tình, quê xã Bình Đông (Bình Sơn) nổ máy, thẳng tiến ngư trường Trường Sa.              Ảnh: Ý Thu
Tàu QNg 91467TS của ngư dân Võ Văn Tình, quê xã Bình Đông (Bình Sơn) nổ máy, thẳng tiến ngư trường Trường Sa. Ảnh: Ý Thu
Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Nguyễn Văn Mười, Quảng Ngãi là tỉnh đầu tiên trong cả nước thành lập nghiệp đoàn nghề cá và tổ đoàn kết sản xuất trên biển. Đến nay, toàn tỉnh có 13 nghiệp đoàn nghề cá, hơn 300 tổ đoàn kết sản xuất trên biển. Quảng Ngãi cũng là một trong những địa phương nằm ở tốp đầu của cả nước về số lượng tàu cá và ngư dân đánh bắt trên các vùng biển xa, đặc biệt là Trường Sa. Điều này đã giúp ngư dân Quảng Ngãi phát huy sức mạnh đoàn kết, góp phần cùng các lực lượng tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
 
Nội dung: HOÀNG HÀ - Ý THU - ĐỨC THUẬN
Trình bày: L.H
 
 
-----------
Kỳ 2: Ân tình nơi phên dậu
 
 
 
Xuất bản lúc: 05:12, 27/12/2022