(Baoquangngai.vn)- Sau khi Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất được xây dựng, đi vào vận hành đã trở thành “đầu tàu” kéo theo sự hình thành, phát triển mạnh mẽ của KKT Dung Quất. Vì lẽ đó, NMLD Dung Quất được gọi là “trái tim” của KKT.
[links()]
Bao năm qua, "trái tim” lọc dầu Dung Quất vẫn luôn giữ nhịp phát triển, thắp lên niềm tin cho người dân nơi đây. Nhà máy đã đóng góp rất lớn cho sự tăng trưởng kinh tế của Quảng Ngãi và nguồn thu ngân sách cho nhà nước.
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất được khởi công vào ngày 28/11/2005, xây dựng trên địa bàn các xã Bình Thuận và Bình Trị (Bình Sơn), thuộc KKT Dung Quất. Nhà máy có công suất chế biến 6,5 triệu tấn dầu thô/năm; tổng mức đầu tư 3,053 tỷ USD, do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam làm chủ đầu tư. Nhà máy hiện do Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) quản lý, vận hành.
“Nhìn lại chặng đường dài đầy khó khăn, vất vả nhưng rất đỗi vinh quang, các thế hệ lãnh đạo và người lao động công ty luôn tự hào về chiến lược đúng đắn của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Thủ tướng Võ Văn Kiệt về định hướng xây dựng NMLD Dung Quất. Niềm tự hào đó được chúng tôi biến thành hành động sáng tạo, trách nhiệm, làm chủ công nghệ, sản xuất ra các sản phẩm hóa dầu đạt chất lượng, được người tiêu dùng tin tưởng và đánh giá cao”, Chủ tịch HĐQT BSR Nguyễn Văn Hội chia sẻ.
|
Thủ tướng Võ Văn Kiệt (giữa) cùng các đồng chí lãnh đạo trung ương, tỉnh Quảng Ngãi dự lễ động thổ xây dựng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Ảnh: Nguyễn Đăng Lâm |
Vào lúc 20 giờ, ngày 22/2/2009, dòng sản phẩm thương mại đầu tiên của NMLD Dung Quất ra đời trong niềm hân hoan của nhân dân cả nước, đánh dấu bước ngoặt quan trọng của ngành lọc hóa dầu Việt Nam. Cũng từ đó, Việt Nam chính thức ghi tên trên bản đồ các nước sản xuất xăng dầu trên thế giới. Kể từ thời điểm đón dòng sản phẩm đầu tiên cho đến tháng 5/2022, tổng doanh thu của nhà máy đạt 1,29 triệu tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước hơn 187,8 nghìn tỷ đồng (tương đương trên 8,05 tỷ USD, gấp 2,68 lần tổng mức đầu tư của dự án). Ngoài ra, BSR còn đóng góp hơn 500 tỷ đồng để thực hiện các chương trình an sinh xã hội, trong đó hỗ trợ Quảng Ngãi khoảng 253 tỷ đồng.
Năm 2022, khi áp lực nguồn cung xăng dầu lớn, từ tháng 1 - 11/2022, NMLD Dung Quất đã nâng công suất 5 lần, với mức tăng cao nhất đạt 112% công suất (từ ngày 4/11/2022 đến nay). Trong 9 tháng năm 2022, BSR đã đóng góp vào ngân sách 14 nghìn tỷ đồng. Dự kiến, công suất vận hành năm 2023 của nhà máy là 103% công suất, với 300 ngày vận hành (trừ 50 ngày nghỉ để thực hiện bảo dưỡng tổng thể lần 5 và 15 ngày dự phòng).
Mỗi năm, NMLD Dung Quất đóng góp cho ngân sách hàng chục nghìn tỷ đồng đã khẳng định tính đúng đắn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi chọn mảnh đất đầy cát trắng ở Dung Quất để đặt NMLD đầu tiên của nước ta. Tầm nhìn của Thủ tướng đã nhận ra điều ý nghĩa lớn lao này từ 28 năm trước và đến nay, trong Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vẫn khẳng định lọc dầu là kinh tế trụ cột, là động lực để thúc đẩy tăng trưởng ngành công nghiệp của Quảng Ngãi.
Biết ơn Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn đã xây dựng tượng Thủ tướng Võ Văn Kiệt và vườn hoa trong khuôn viên NMLD Dung Quất (vào tháng 11/2014). Đây vừa là sự tri ân, vừa lưu lại những kỷ niệm không bao giờ quên không chỉ cho thế hệ cán bộ, công nhân viên của công ty hôm nay, mà cả với các thế hệ mai sau. Vào ngày sinh nhật Thủ tướng Võ Văn Kiệt hay những dịp lễ, Tết, tập thể người lao động lại dâng hương tưởng nhớ người "khai sinh" NMLD Dung Quất.
Từ nền tảng NMLD Dung Quất, cộng với lợi thế cảng nước sâu Dung Quất và các cơ chế, chính sách ưu đãi của trung ương, của tỉnh, đến nay Quảng Ngãi đã thu hút được rất nhiều nhà đầu tư trong, ngoài nước đến đầu tư tại KKT Dung Quất, từng bước biến nơi đây thành một khu vực phát triển năng động, hiện đại và giữ vai trò là trọng điểm phát triển kinh tế của Quảng Ngãi, cũng như Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
|
Cụm công trình NMLD Dung Quất và cơ sở hạ tầng trong KKT Dung Quất. |
Sau hơn 26 năm thành lập, đến nay KKT Dung Quất đã có những bước tiến hết sức ngoạn mục, đặc biệt là giai đoạn từ sau năm 2005 đến nay. “Khi Dung Quất chưa được đánh thức, chưa có sự hiện diện của công trình trọng điểm quốc gia NMLD Dung Quất, thì vùng đông Bình Sơn vẫn luôn trăn trở với “bài toán” xóa đói giảm nghèo. Còn hôm nay, sự phát triển vượt bậc của KKT Dung Quất với những công trình, nhà máy hiện đại đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh như NMLD Dung Quất, Tổ hợp công nghiệp nặng Doosan Vina, Khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất, KCN VSIP Quảng Ngãi... đã khẳng định vị thế, vai trò đặc biệt quan trọng của Dung Quất đối với sự tăng trưởng, phát triển kinh tế của Quảng Ngãi. Đồng thời, giúp người dân vùng đông huyện Bình Sơn nói riêng, tỉnh Quảng Ngãi nói chung vươn lên thoát nghèo và làm giàu”, Trưởng ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh Hà Hoàng Việt Phương cho biết.
Đến nay, KKT Dung Quất và các KCN tỉnh đã thu hút được 345 dự án đầu tư còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 365 nghìn tỷ đồng (trên 17,44 tỷ USD); trong đó có 56 dự án đầu tư nước ngoài (FDI), vốn đăng ký đầu tư khoảng 1,8 tỷ USD và 289 dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký trên 324,5 nghìn tỷ đồng (15,64 tỷ USD). Hiện có 248 dự án đi vào hoạt động, trong đó có 43 dự án FDI. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2022 ước đạt 257 nghìn tỷ đồng, tăng 47,7% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 142,8% kế hoạch năm 2022. Trong đó, sản phẩm lọc hóa dầu ước đạt gần 135 nghìn tỷ đồng; sản phẩm thép ước đạt gần 83 nghìn tỷ đồng. Năm 2022, KKT Dung Quất và các KCN tỉnh nộp ngân sách nhà nước ước đạt 26,6 nghìn tỷ đồng, tăng 31,6% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 156,5% kế hoạch năm. Đến nay, trên địa bàn KKT Dung Quất đã giải quyết việc làm cho khoảng 50 nghìn lao động.
|
Khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất trong KKT Dung Quất. |
Năm 2023, khi Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng KKT Dung Quất đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, KKT Dung Quất sẽ tập trung thu hút các dự án phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ cho các ngành lọc hóa dầu, luyện kim, cơ khí, sản xuất, chế biến thực phẩm, đồ uống, chế biến gỗ, điện - điện tử. Đồng thời, tiếp tục thu hút công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may; thu hút đầu tư tạo động lực phát triển Trung tâm logistics khu vực cảng biển Dung Quất phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu, hỗ trợ các hoạt động xúc tiến, kết nối với các tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Quan tâm thu hút các dự án có công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường, nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững.
Nội dung:
T.NHỊ - P.DANH
Trình bày:
L.H