[EMAGAZINE]. Dấu ấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt trên quê hương Quảng Ngãi

09:11, 21/11/2022
.
(Baoquangngai.vn)- Đồng chí Võ Văn Kiệt là một người tài đức vẹn toàn, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nói đến đồng chí Võ Văn Kiệt là nói đến một nhân cách lớn, suốt đời vì nước vì dân. Ông là vị thủ tướng bản lĩnh, năng động, quyết đoán, nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng và Nhà nước ta trong thời kỳ đổi mới, với một khối óc trí tuệ, một trái tim nhân ái, gần gũi với nhân dân...
 
Với nhân dân Quảng Ngãi, đồng chí Võ Văn Kiệt có một ân tình sâu nặng, vì đã quyết liệt bảo vệ chủ trương đầu tư và xây dựng Nhà máy Lọc dầu số 1 Việt Nam tại Dung Quất. Quyết định quan trọng và táo bạo này đã đưa kinh tế Quảng Ngãi, cũng như miền Trung cất cánh cùng cả nước.
  
Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt kiểm tra địa điểm quy hoạch tổng thể xây dựng Khu đô thị Vạn Tường phục vụ cho KCN Lọc hóa dầu và cụm cảng Dung Quất vào chiều 29/7/1995.   Ảnh: Nguyễn Đăng Lâm
Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt kiểm tra địa điểm quy hoạch tổng thể xây dựng Khu đô thị Vạn Tường phục vụ cho KCN Lọc hóa dầu và cụm cảng Dung Quất vào chiều 29/7/1995. Ảnh: Nguyễn Đăng Lâm
Trong lá thư tay gửi Quốc hội tại Kỳ họp lần thứ 7, Quốc hội khóa XI (tháng 6/2005), nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi ấy đã viết “...Cho đến nay, nếu được xem xét lại, tôi vẫn chọn Dung Quất làm địa điểm xây dựng nhà máy lọc dầu như nhận định ban đầu, góp phần rất có ý nghĩa cho khu vực kinh tế miền Trung và cho cả nước trong quá trình đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên con đường hội nhập kinh tế quốc tế”.
 
Vào một buổi chiều đầu đông, chúng tôi được TS. Nguyễn Kim Hiệu, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, nguyên Trưởng ban Quản lý KCN Dung Quất (nay là KKT Dung Quất và các KCN tỉnh) kể lại những kỷ niệm không thể nào quên trong những năm tháng được làm việc với Thủ tướng Võ Văn Kiệt, khi chọn địa điểm xây dựng Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất.
  
Mở đầu câu chuyện, TS.Nguyễn Kim Hiệu đi ngay vào việc NMLD Dung Quất đang hoạt động với 112% công suất, cung ứng khoảng 35% lượng xăng dầu trong nước, nộp ngân sách nhà nước năm 2022 ước đạt hơn 9.000 tỷ đồng. Tiến sĩ Hiệu bảo, chỉ điều đó thôi cũng đủ thấy quyết định chọn Dung Quất để xây dựng NMLD số 1 Việt Nam của Thủ tướng Võ Văn Kiệt là đúng đắn. 
 
Tiến sĩ Hiệu kể, năm 1994, khi khảo sát chọn địa điểm đặt nhà máy lọc dầu, thì có nhiều phương án, nhưng chung quy lại có 4 địa điểm phù hợp nhất là Long Sơn, Vân Phong, Dung Quất, Nghi Sơn. Trong 4 địa điểm này, nếu xét về kinh tế thì Dung Quất là bất lợi nhất, vì hồi ấy đây chỉ là một vùng cát trắng hoang sơ. Thế nhưng, khi đi khảo sát tại Dung Quất, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nhận định, Dung Quất như một nàng tiên đang ngủ, bên kia có căn cứ quân sự sân bay Chu Lai, bên này có cảng nước sâu. Đây là sự trùng hợp ăn ý mà không có một sự sắp xếp nào có thể sánh bằng. Lợi thế này được Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhìn thấy và đi đến quyết định chọn Dung Quất là nơi đặt NMLD số 1 Việt Nam.
 
Theo TS.Hiệu, trong quá trình làm việc, Thủ tướng Võ Văn Kiệt phân tích về bài toán kinh tế đất nước. Đó là, miền Bắc và miền Nam đã phát triển ví như 2 thúng lớn đựng rất nhiều của cải. Còn miền Trung ví như chiếc đòn gánh, quan trọng nhưng nghèo; nếu kinh tế 2 đầu đất nước phát triển thì đòn gánh sẽ càng yếu đi, không gánh nổi. Rồi ông phân tích về mặt địa lý, Dung Quất cách Hà Nội 860km và cũng cách TP.Hồ Chí Minh 860km. Vì thế, Dung Quất là điểm tựa giống như đôi vai để đặt chiếc đòn gánh lên vậy. Thực tế thì, miền Trung đang còn quá lạc hậu, Chính phủ mong muốn đưa miền Trung phát triển như 2 miền Bắc, Nam và quyết định chọn Quảng Ngãi, một trong những tỉnh nghèo nhất nước lúc bấy giờ để xây dựng NMLD đầu tiên của Việt Nam. "Đây là quyết định rất sáng suốt của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Không có quyết định này thì Quảng Ngãi sẽ không có ngành lọc hóa dầu đầy tự hào như ngày hôm nay" , TS.Hiệu nói. 
 
Chú thích...
Các kỹ sư, chuyên gia điều hành sản xuất và các hạng mục, công trình thuộc Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.
Trong một lần gặp kiến trúc sư Nguyễn Tấn Vạn - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, nguyên Trưởng ban Quản lý KCN Dung Quất (1996 - 1999) cách đây vài năm, chúng tôi được nghe ông kể lại, năm 1996, Chính phủ quyết định thành lập Ban Quản lý KCN Dung Quất và giao cho ông làm trưởng ban. Khi nhận nhiệm vụ trưởng ban, Thủ tướng Võ Văn Kiệt ân cần nhắc nhở, Dung Quất là mô hình đầu tiên nên cần nhiều nỗ lực và sáng kiến. Cần đồng chí góp sức cho đến khi khởi công NMLD thì chuyển giao nhiệm vụ cho người mới. Còn Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Đức Lương lúc ấy (sau này là Chủ tịch nước) đã gặp và căn dặn tôi phải cố gắng huy động sức mạnh tổng hợp của các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia để triển khai thành công các dự án ở KCN Dung Quất, mà trước hết là Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.
 
Tiến sĩ Hiệu chia sẻ, trăn trở lớn nhất của Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi xây dựng nhà máy là phải vận động, di dân nhiều xã ở khu đông huyện Bình Sơn để nhường lại 300ha đất xây dựng nhà máy. Đồng chí Võ Văn Kiệt mỗi lần đi thăm người dân lại trăn trở về đền bù, giải tỏa, di dân, bởi rời xa nơi chôn nhau cắt rốn, họ sẽ rất luyến tiếc. Vì thế, đồng chí Võ Văn Kiệt dặn chúng tôi, phải làm thế nào bồi thường thỏa đáng cho người dân. Rồi khi đưa việc xây dựng nhà máy ra trước Quốc hội lần thứ hai để bàn và quyết định việc tiếp tục bổ sung thêm 1,5 tỷ USD nữa, cũng có nhiều ý kiến trái chiều, đồng chí Võ Văn Kiệt đã viết hẳn một lá thư tay gửi Quốc hội, đề nghị tiếp tục chọn và triển khai xây dựng NMLD đầu tiên của Việt Nam tại Dung Quất. 
Tiến sĩ Hiệu cho biết, Quảng Ngãi được như ngày nay, công ơn của đồng chí Võ Văn Kiệt lớn lắm. Tỉnh đặt tên con đường lớn và đẹp nhất tại KKT Dung Quất mang tên Võ Văn Kiệt và trong NMLD Dung Quất đặt tượng đài đồng chí Võ Văn Kiệt, minh chứng rằng mọi người dân Quảng Ngãi luôn luôn nhớ ơn Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
 
Ông Thái Văn Kim, cán bộ hưu trí ở  xã Bình Trị (Bình Sơn), hiện đang sinh sống ở thôn Lệ Thủy, xã Bình Trị cho biết, những năm triển khai xây dựng NMLD Dung Quất, tôi làm cán bộ xã nên tham gia công tác đền bù, giải phóng mặt bằng xây dựng công trình này. Ngày ấy, đi đến đâu nói chuyện di dời, thu hồi đất, nhân dân luôn đồng tình, sẵn sàng hy sinh nhường nhà cửa, đất đai, vườn tược để xây dựng NMLD Dung Quất. Khi chúng tôi nói với người dân rằng, NMLD là công trình trọng điểm quốc gia được chính Thủ tướng Võ Văn Kiệt quyết tâm chọn quê hương chúng ta làm nơi đặt nhà máy, thì ai cũng tin tưởng, vui vẻ rời quê ra đi. Gần 1.000 hộ dân đã di dời, nhường lại 300ha đất để xây dựng nhà máy. Đó là cuộc di dân lớn nhất lúc bấy giờ, nhưng rất khẩn trương, đồng thuận. "Hôm nay, mỗi ngày người dân Bình Sơn đi trên con đường đẹp thênh thang mang tên Võ Văn Kiệt, đều cảm thấy nhớ thương vị thủ tướng đã đặt nền móng cho NMLD Dung Quất", ông  Kim nói.
 
Còn Bí thư Đảng ủy xã Bình Trị Bùi Việt Hoa thì cho hay, từ khi có NMLD Dung Quất đến nay, người dân địa phương hưởng lợi rất nhiều. Minh chứng rõ nhất là thu nhập đầu người của xã Bình Trị tăng lên hằng năm và hiện tại đang ở mức 60 triệu đồng/người/năm. "Quê hương Bình Trị ngày càng phát triển, cuộc sống người dân ngày càng được cải thiện. Kết quả ấy là nhờ công ơn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nhân dân chúng tôi không bao giờ quên", ông Hoa nhấn mạnh.
 
Nội dung: T.NHỊ - P.DANH
Trình bày: L.H
 
-------------------
Kỳ cuối: Tự hào “trái tim” Dung Quất
 
Xuất bản lúc: 09:11, 21/11/2022