(Baoquangngai.vn)- Ở thôn Làng Teng, xã Ba Thành (Ba Tơ), mỗi khi nhắc đến chiêng ba, nhiều người nghĩ ngay đến anh Phạm Văn Sây (39 tuổi) và ngược lại. Một sợi dây vô hình nào đó đã gắn kết người đàn ông trẻ tuổi này với nhạc khí tiêu biểu của người Hrê. Để rồi từ đó, giữa núi cao, rừng thẳm, tiếng "boong, khùm…" vẫn ngân vang. Anh đã trở thành một nhân vật truyền cảm hứng đến người trẻ vùng cao này, góp phần bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị của văn hóa dân tộc Hrê.
Nhà của anh Sây nằm cách Quốc lộ 24 khoảng 5km. Hôm chúng tôi đến nhà, đúng lúc anh nhận tin Chủ tịch nước đã ký quyết định phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú cho mình. Ngôi nhà trở nên rộn ràng hẳn với tiếng cười, nói không ngớt. Hào hứng, anh Sây liền lấy bộ chiêng ba, cùng vợ và cha ruột đánh liên hồi. Mọi người phấn khởi nhảy múa, chung vui cùng anh.
Anh Sây có vóc dáng chắc, khỏe. Mái tóc xoăn, dài, trông giống như Y Moan - một nghệ sĩ nhân dân nổi tiếng nơi đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ, đó là ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về với anh.
Khi hồn chiêng ngấm dần, trông anh thật hoang dại, có lúc hùng hồn như thú dữ đang gầm gừ trên ngọn núi cao. Ghìm nhẹ cổ tay, kết thúc hồi chiêng, anh say sưa nói về chiêng ba.
Anh Sây cho hay, tùy theo mỗi địa phương ở Ba Tơ mà người Hrê sử dụng những bộ chiêng khác nhau. Tuy nhiên, phổ biến và mang tính tiêu biểu nhất của người Hrê là bộ chiêng ba, đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Người Hrê gọi chiêng là chinh, đánh chiêng là túc chinh. Tiếng chiêng như nói hộ tiếng lòng, hạnh phúc vỡ òa khi con cái chào đời, lúa ngoài nương rẫy kịp về chòi và động viên anh những khi gặp trắc trở trong cuộc sống. Khi tiếng chiêng gióng lên trong dịp lễ hội, trong những mùa “ăn năm, uống tháng”, dân làng đã gửi gắm bao ước vọng đến thần linh thông qua anh.
Theo anh Sây, trước đây, khi trong nhà có người qua đời, vì quá đau xót mà nhiều người trong làng thường chôn chiêng theo người chết. Thế nhưng, vì chiêng càng ngày càng quý nên bây giờ không ai làm thế. Ai cũng muốn giữ chiêng để lưu truyền cho con cháu mai sau. Trong gia đình anh, chiêng luôn được cất giữ cẩn thận ở những nơi quan trọng nhất trong nhà.
Không chỉ am hiểu về chiêng và chơi chiêng điêu luyện, anh Sây còn nổi tiếng là người hát ta lêu, ca choi rất hay và từng đoạt giải cao trong các kỳ liên hoan. Đặc biệt, anh còn sử dụng thành thạo một số nhạc cụ tre, nứa, trong đó có chiêng tre của người Hrê, còn gọi là chinh kala.
Chiêng tre có mối liên kết với chiêng ba. Nhạc cụ này được làm từ đốt tre dài khoảng 30cm, có 3 dây đàn được làm từ nan tre. Hai đầu dây có những thanh gỗ hoặc thanh tre nhỏ làm ngựa cho dây đàn. Khi tấu lên, nhạc cụ phát ra những thanh âm tương tự chiêng ba.
“Trước đây, cuộc sống của người dân miền núi quá khó khăn, không phải nhà nào cũng có tiền mua chiêng đồng đắt giá để sử dụng. Để đỡ nhớ chiêng, ông bà xưa mới sáng chế nên loại chiêng này. Thanh âm của chiêng tre tựa bộ chiêng ba truyền thống nhưng gọn nhẹ hơn. Bởi thế, người dân thường sử dụng phổ biến trong sinh hoạt giải trí hằng ngày, mang theo khi đi làm nương rẫy, lúc mệt nhọc lấy chiêng ra thư giản cho khuây khỏa tâm hồn”, anh Sây chia sẻ.
May mắn của anh Sây là được sinh ra ở một ngôi làng hội tụ đầy đủ các loại hình văn hóa truyền thống của người Hrê, trong một gia đình mà các thành viên luôn có ý thức giữ lửa đam mê với chiêng. Từ thuở nhỏ, anh đã được cha và các già làng dẫn đến với các lễ hội để xem, nghiên cứu về chiêng và học hỏi theo. Từ đó, hồn chiêng thẩm thấu, ngấm sâu và lớn dần theo tuổi tác của anh.
Từng có thời gian, nhiều người trạc tuổi khuyên anh nên đi học các nhạc cụ hiện đại, biểu diễn ở các đám cưới, có thu nhập cao, cải thiện đời sống gia đình. Thế nhưng, đi ngược lại với suy nghĩ ấy, anh vẫn dành thời gian tìm đến những nghệ nhân nổi tiếng ở xã Ba Thành và xã lân cận như Ba Vinh để tìm hiểu về các giá trị văn hóa của người Hrê, trong đó có chiêng ba.
"Chiêng ba là sợi dây gắn kết vững chắc giữa các thành viên trong gia đình, họ hàng, làng xóm với nhau. Trong mỗi nhịp chiêng luôn hàm chứa sức mạnh, niềm tin của con người với đấng siêu nhiên, niềm tin vào cộng đồng, vào cuộc sống để từ đó có thêm hy vọng về một ngày mai tươi đẹp hơn. Bởi thế, tôi ý thức rất rõ về việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Là đàn ông Hrê, nhất thiết phải biết đánh chiêng, hiểu biết về chiêng", anh Sây bộc bạch.
Khi đã thành thạo về chiêng, anh luôn tích cực truyền cảm hứng, đánh thức trách nhiệm và tình yêu với văn hóa dân tộc đến nhiều người trẻ trong làng. Trong nhiều năm nay, anh miệt mài truyền dạy kiến thức về chiêng cho thế hệ trẻ. Trên chiếc xe máy cũ rích, anh lặn lội vượt qua những con suối, xách chiêng đến các ngôi làng để vận động người trẻ học đánh chiêng bằng cả tâm huyết; giống như các thế hệ đi trước đã truyền lửa cho anh.
“Thời gian gần đây, huyện liên tiếp mở các lớp dạy về các nhạc cụ của đồng bào dân tộc Hrê, nên tôi có điều kiện thuận lợi để khơi dậy niềm đam mê cho các em. Điều quan trọng nhất là phải làm cho người học say chiêng, thực sự đam mê chiêng. Bản thân tôi phải thổi được hồn chiêng cho các em. Bởi lẽ, học chiêng phải kết nối hồn người với hồn chiêng, bằng không cũng chỉ là gõ chiêng. Mỗi ngày, các em học thêm một điều hay về chiêng đã là quý lắm rồi”, anh Sây bày tỏ.
Giờ đây, những lo ngại về việc người trẻ quay lưng với văn hóa truyền thống của dân tộc ở nơi anh Sây sinh ra và lớn lên đã dần vơi đi. Hồn chiêng, các giá trị văn hóa truyền thống ở Ba Tơ đang dần phục hồi và phát huy có hiệu quả, một phần cũng nhờ vào sự chung tay, góp sức của những nghệ nhân như anh Sây. Mong rằng, anh Sây sẽ tiếp tục phát huy tài năng và có nhiều đóng góp hơn nữa để gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Hrê; cùng với huyện nhà từng bước đưa nghệ thuật hát dân ca của người Hrê sớm trở thành Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia theo dự định trong thời gian đến.
Bài, ảnh:
THIÊN HẬU