[EMAGAZINE]. Cú huých cho vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ phát triển

04:11, 18/11/2022
.
(Baoquangngai.vn)- Sáng 16/11, tại Hà Nội, Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 26). Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại các điểm cầu ở trung ương, các bộ, ban, ngành liên quan và các địa phương vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ.
 
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và chủ trì hội nghị. Cùng chủ trì hội nghị có: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng. 
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân; các đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy dự hội nghị tại điểm cầu trung ương. Phó Bí thư Tỉnh ủy Đinh Thị Hồng Minh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Tỉnh ủy Quảng Ngãi.
 
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh trình bày báo cáo về một số nội dung chủ yếu của Nghị quyết 26;  Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trình bày báo cáo Chương trình hành động của Ban Cán sự Đảng Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 26; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội triển khai thực hiện Nghị quyết số 26.  
Nghị quyết số 26 là cơ sở, căn cứ chính trị quan trọng cho sự ra đời của các cơ chế, chính sách mới, nhằm khai thác và phát huy ở mức cao nhất các tiềm năng, lợi thế cho phát triển nhanh toàn vùng, cũng như các địa phương trong vùng thời gian tới. Đồng thời, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với vùng, đáp ứng nguyện vọng của các đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong toàn vùng trong bối cảnh phát triển mới.
 
Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, nhất là về kinh tế biển và quốc phòng, an ninh biển, đảo của Tổ quốc. Nghị quyết số 26 đề ra mục tiêu đến năm 2030, Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ là vùng phát triển năng động, nhanh và bền vững, mạnh về kinh tế biển. Có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, có khả năng chống chịu cao với thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu.  
Chú
Hạ tầng cảng biển và giao thông tại Khu kinh tế Dung Quất ngày càng hoàn thiện. Ảnh: T.L
Có một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn của cả nước với các KKT ven biển và hệ thống đô thị ven biển đạt chuẩn quốc gia và khu vực. Đây là cửa ngõ ra biển của vùng Tây Nguyên và nước bạn Lào; là nơi các giá trị văn hóa, lịch sử và hệ sinh thái biển, đảo, rừng được bảo tồn và phát huy. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao. Quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được đảm bảo vững chắc. Các tổ chức đảng, hệ thống chính trị vững mạnh; khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường.
 
Tầm nhìn đến năm 2045, Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ là vùng phát triển nhanh, bền vững, mạnh về kinh tế biển. Có một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn ngang tầm khu vực Châu Á với các KKT ven biển hiện đại, hệ thống đô thị ven biển thông minh, bền vững, có bản sắc riêng, thân thiện với môi trường, có khả năng chống chịu cao với thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu. Là nơi các giá trị văn hóa, lịch sử, hệ sinh thái biển, đảo, rừng được bảo tồn và phát huy. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đạt mức cao. Quốc phòng - an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc. Các tổ chức đảng, hệ thống chính trị vững mạnh. Khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường.
 
Nghị quyết số 26 đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện các mục tiêu đề ra. Đó là: Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách và đẩy mạnh phát triển liên kết vùng. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế biển. Tập trung phát triển mạnh hệ thống đô thị, nhất là hệ thống đô thị ven biển; đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng, nhất là hạ tầng giao thông. Tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, nhất là tài nguyên biển, đảo, rừng; bảo vệ môi trường, nhất là môi trường biển; nâng cao khả năng ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển toàn diện văn hóa - xã hội vùng. Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại. Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân trong vùng.  
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị, cần nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung của Nghị quyết số 26; trên cơ sở đó có sự thống nhất cao về ý chí, quyết tâm của cả nước, của toàn vùng, của từng địa phương trong vùng. Xác định rõ đây là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị chứ không phải chỉ là nhiệm vụ riêng của vùng và các địa phương trong vùng. Đồng thời, phải nhận thức thật đúng và giải quyết thật tốt mối quan hệ giữa phát triển vùng và phát triển chung của cả nước: “Cả nước vì vùng và vùng vì cả nước”. Tạo sự thống nhất cao trong nhận thức ở tất cả các cấp, ngành về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của vùng và liên kết vùng. Liên kết vùng phải trở thành tư duy chủ đạo dẫn dắt sự phát triển toàn vùng và từng địa phương trong vùng.
 
Khi tuyến đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh hoàn thành sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triiển du lịch nhất là du lịch biển của tỉnh Quảng Ngãi.
Sau khi tuyến đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh hoàn thành sẽ mở ra cơ hội để du lịch Quảng Ngãi phát triển. Ảnh: T.L
Tổng Bí thư lưu ý, các địa phương trong vùng cần khơi dậy và phát huy mạnh mẽ hơn nữa truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước, đổi mới, năng động, sáng tạo; ý chí, quyết tâm và khát vọng vươn lên của cán bộ, đảng viên và nhân dân; xác định rõ tiềm năng, lợi thế và những khó khăn, thách thức đối với phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh của vùng để đề ra các chính sách, biện pháp cụ thể, tạo sự chuyển biến có tính đột phá trong phát triển vùng. Cùng với đó, cần đổi mới tư duy, tầm nhìn, phát huy sự năng động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành phát triển của từng địa phương; huy động tối đa nguồn lực cho phát triển của vùng, trong đó xác định lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định.
 
Tổng Bí thư đề nghị, ngay sau hội nghị, các cơ quan, đơn vị trong toàn hệ thống chính trị của các địa phương trong vùng cần khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động, chương trình học tập, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết gắn với tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các địa phương. Chương trình hành động phải bám sát các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và nội dung của Nghị quyết, bảo đảm sát hợp với từng địa phương trong vùng và tiểu vùng. Các ban, bộ, ngành trung ương và các địa phương trong vùng cần cụ thể hóa Nghị quyết và Chương trình hành động của Chính phủ bằng các cơ chế, chính sách, kế hoạch, đề án, dự án và nguồn lực cụ thể, có tính khả thi cao để triển khai thực hiện và thường xuyên có sự kiểm tra, đôn đốc; kiên quyết “không đánh trống bỏ dùi”, “không đầu voi đuôi chuột”.
 
Tổng Bí thư tin tưởng, cấp ủy, chính quyền và nhân dân các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang của địa phương, nỗ lực phấn đấu mạnh mẽ hơn nữa, quyết tâm thực hiện thắng lợi nghị quyết của Bộ Chính trị, tạo bước chuyển biến mới, có tính đột phá trong việc phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh...
 
Nội dung: THANH THUẬN
Trình bày: L.H
 
 
Xuất bản lúc: 04:11, 18/11/2022