(Baoquangngai.vn)- Sau khi huyện Ba Tơ được giải phóng, Đảng bộ, quân và dân huyện Ba Tơ ra sức xây dựng quê hương. Trong 50 năm qua, trên mỗi chặng đường phát triển, cho dù đối mặt với nhiều gian khó nhưng huyện Ba Tơ luôn biết khơi dậy lòng tự hào của người dân đối với truyền thống của quê hương anh hùng để xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu.
Những thành tựu của huyện mà ông Vỹ nhắc đến, có thể cảm nhận, nhìn thấy ngay trong từng ngôi nhà, tuyến đường hay rẫy keo của người dân Ba Tơ. Như căn shop nhỏ chuyên bán các loại thổ cẩm của đồng bào dân tộc Hrê của cô gái Phạm Thị Sung, ở xã Ba Thành.
Ở shop hàng này, khách có thể mua áo, váy, khăn choàng cổ... được làm từ thổ cẩm Làng Teng, xã Ba Thành. Đã 3 năm nay, với bàn tay khéo léo, chị Sung đã tạo ra hàng nghìn sản phẩm, cung cấp cho người dân trong và ngoài tỉnh, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Chị Sung là một trong 60 chị em, phụ nữ ở thôn Làng Teng vẫn đang miệt mài giữ gìn nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Hrê - Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Những người phụ nữ nơi đây đã tập hợp thành một tổ, cùng chia sẻ công việc, truyền nghề cho nhau.
Rời thôn Làng Teng, chúng tôi xuôi về Ba Động - xã nông thôn mới đầu tiên của huyện Ba Tơ. Những tuyến đường liên thôn, liên xã đã được bê tông; nhiều ngôi nhà mới khang trang mọc lên. Cùng với đó là những công trình hạ tầng văn hóa xã hội được đầu tư xây dựng... Tất cả tạo nên nét chấm phá ấn tượng trong bức tranh đầy sức sống của xã Ba Động trên đường đổi mới. Bí thư Đảng ủy xã Ba Động Nguyễn Hữu Tuyến chia sẻ, xuất phát điểm của xã khá thấp, nên quá trình xây dựng nông thôn mới gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng khi được huyện chọn là xã điểm, thì cán bộ, đảng viên và người dân đã đồng lòng xây dựng quê hương. Nhờ đó, năm 2018, Ba Động đạt xã nông thôn mới đầu tiên của huyện và hiện đang tiếp tục xây dựng xã nông thôn mới nâng cao.
Quốc lộ 24C, nối các tỉnh miền Trung với Tây Nguyên, đi qua huyện Ba Tơ đã tạo động lực cho vùng đất anh hùng này phát triển. Ảnh: BẢO MINH |
Dọc theo Quốc lộ 24, từ thị trấn Ba Tơ ngược lên phía tây chừng 20km là đến xã Ba Vì. Thị tứ Ba Vì hiện ra sầm uất. Những cửa hàng máy nông nghiệp, điện tử, may mặc, xe máy và quán ăn nối tiếp nhau. Hằng ngày, người dân từ các xã ở huyện Ba Tơ hay huyện lân cận Sơn Hà tập trung về đây, mua bán tấp nập. Cuộc sống nhộn nhịp giúp Ba Vì mang dáng dấp của một đô thị trong tương lai.
Theo Chủ tịch UBND xã Ba Vì Lê Hữu Trinh, hầu hết các hộ dân đều làm dịch vụ kết hợp với làm nông nghiệp, chủ yếu là trồng rừng. Cuộc sống khá lên từng ngày. Hiện nay, chính quyền địa phương đang đề ra nhiều giải pháp để phát triển thị tứ Ba Vì thành trung tâm kinh tế năng động phía tây của huyện. “Ba Tơ đã quy hoạch vùng xã Ba Vì để đầu tư phát triển thành thị trấn. Đến nay, xã đã đạt được 34/49 tiêu chí đô thị loại V; đồng thời đang phấn đấu đạt xã chuẩn nông thôn mới. Địa phương đang tập trung vận động nhân dân cùng chung tay phát huy nội lực, xây dựng quê hương ngày càng phát triển bền vững”, ông Trinh cho biết.
Trên hành trình xây dựng quê hương, vươn lên dẫn đầu các huyện miền núi của tỉnh, cấp ủy đảng, chính quyền, quân và dân huyện Ba Tơ luôn kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang của quê hương. Hiện nay, tại Bảo tàng Khởi nghĩa Ba Tơ, Trung tâm Văn hóa và Giáo dục cộng đồng huyện Ba Tơ còn lưu giữ hàng trăm hình ảnh, tư liệu, hiện vật về Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ (1945), Đội du kích Ba Tơ và Chiến dịch giải phóng Ba Tơ (1972). Trên địa bàn huyện, nhiều di tích liên quan đến Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ, Đội du kích Ba Tơ và Chiến dịch giải phóng Ba Tơ đã được xây dựng, trùng tu. Đến những “địa chỉ đỏ” ấy, du khách sẽ hiểu rõ hơn về những chiến công lẫy lừng của thế hệ cha anh. Còn với các thế hệ người dân Ba Tơ, một lần ghé chân các điểm này là thêm một lần tự hào về truyền thống và càng có ý thức hơn trong việc bảo vệ và xây dựng quê hương Ba Tơ ngày một giàu đẹp.
Nội dung:
H.TRIỀU - H.ANH - X.THIÊN
Thiết kế, trình bày:
L.H
[links()]