(Baoquangngai.vn)- Giải phóng huyện Ba Tơ vào ngày 30/10/1972 mang tầm vóc, ý nghĩa lịch sử to lớn. Chiến thắng cách đây nửa thế kỷ đã để lại nhiều bài học giá trị, tô thắm truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của nhân dân các dân tộc Quảng Ngãi trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, trong đó có bài học về phát huy sức mạnh đoàn kết để làm nên những trang sử vàng.
[links()]
GS.TS, Đại tá Lương Minh Cao - nguyên Tham mưu trưởng Trung đoàn 52 Tây Tiến, là người tham gia giải phóng Ba Tơ. Đã 50 năm trôi qua, từ lúc còn là người lính trẻ, sôi nổi, hăng hái tham gia vào những cuộc chiến sinh tử với kẻ thù, nay đã ngoài 75 tuổi, nhưng khi nhắc đến 2 từ “Ba Tơ”, vẫn làm ông luôn bồi hồi, xúc động. Với vị đại tá già này, Ba Tơ như quê hương thứ 2 của ông, với bao kỷ niệm không thể xóa nhòa.
Ảnh: Tư liệu, Bảo tàng Lịch sử quốc gia. |
Khoanh một vòng tròn đỏ trên bản đồ huyện Ba Tơ, ông Vũ Tùng Vi - nguyên Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy Ba Tơ phụ trách phía trước trong Chiến dịch giải phóng Ba Tơ bảo rằng, giải phóng Ba Tơ là quyết tâm của Khu ủy 5, bởi Ba Tơ là địa bàn có ý nghĩa to lớn với Quân khu 5. Ba Tơ là cửa ngõ nối các tỉnh miền Trung với Tây Nguyên. Nơi đây tiếp giáp với Bình Định, Kon Tum. Rồi từ Ba Tơ có thể khống chế đồng bằng Đức Phổ, Mộ Đức, chia cắt đường số 1. “Trong kháng chiến chống Mỹ, Ba Tơ án giữ đường vận chuyển chiến lược từ miền Bắc vào các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. Vì vị trí quan trọng của Ba Tơ, nên Quân khu 5 quyết tâm giải phóng địa phương này. Điều này sẽ góp phần khơi thông tuyến đường từ Bắc vào Nam, chuyển cán bộ cách mạng và phương tiện, vũ khí đến các tỉnh Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ, chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước về sau”, ông Vi nhấn mạnh.
Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, huyện Ba Tơ có vai trò rất quan trọng đối với cách mạng. Trong ảnh: Thị trấn Ba Tơ (Ba Tơ) hôm nay nhìn từ trên cao. Ảnh: T.TRUNG |
Vị đại tá đã ngoài 75 tuổi cho hay, trong chiến dịch giải phóng Ba Tơ, bộ đội địa phương và du kích Ba Tơ kết hợp với các “đội công tác” luôn trao đổi tình hình địch, bàn bạc và phối hợp tác chiến chặt chẽ. Các mũi tiến công đều có du kích dẫn đường và tham gia tác chiến, giúp cho Trung đoàn 52 Tây Tiến làm nên chiến thắng. “Mùa mưa, nước sông dâng cao, được tin bộ đội địa phương thiếu lương thực, dù Trung đoàn 52 Tây Tiến cũng gặp khó khăn, nhưng đã san sẻ lương thực “no đói có nhau”. Trung đoàn 52 Tây Tiến còn gửi tặng bộ đội địa phương Ba Tơ súng cối 60 ly, B40 và đạn dược để cùng nhau tác chiến. Sống trong sự đùm bọc của nhân dân, đoàn kết gắn bó quân dân, đó chính là sức mạnh to lớn để có được chiến thắng này”, Đại tá Cao nhớ lại.
Trong các cuộc trò chuyện với ông Phạm Viết Nho, khi ông còn là Bí thư Huyện ủy Ba Tơ hay lúc đã nghỉ hưu, “lòng dân” luôn là từ ông tâm đắc nhất. Ông dẫn chứng, năm 1970, đồng bào Hrê ở huyện Ba Tơ đồng lòng tự nguyện xin Thủ tướng Phạm Văn Đồng được đổi họ của mình thành họ Phạm để tỏ lòng tôn kính đối với một người con của quê hương Quảng Ngãi, một người học trò xuất sắc của Bác Hồ. Tự hào được mang họ Bác Phạm Văn Đồng, đồng bào Hrê ở huyện Ba Tơ đã đoàn kết một lòng, chung tay chiến thắng kẻ thù và xây dựng cuộc sống mới.
“Từ khi mang họ Bác Phạm Văn Đồng, đồng bào dân tộc Hrê ở Ba Tơ đã thực hiện lời dặn dò của cố Thủ tướng mỗi lần về thăm là: Đoàn kết một lòng theo Đảng, Bác Hồ cùng nhau xây dựng quê hương, đất nước”, ông Nho bày tỏ.
Phát huy truyền thống anh hùng
Tháng 8/2013, Thủ tướng Chính phủ công nhận 6 xã, thị trấn của huyện Ba Tơ, gồm: Ba Chùa (nay đã sáp nhập vào thị trấn Ba Tơ và xã Ba Dinh), Ba Động, Ba Giang, Ba Thành, Ba Vinh và thị trấn Ba Tơ là An toàn khu của Trung ương trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Vinh dự này thêm một lần nữa khẳng định, Ba Tơ là địa bàn trọng yếu, nơi đã từng nuôi giấu, bảo vệ các chiến sĩ cách mạng, bảo vệ các cơ quan, tổ chức đảng.
|
Nội dung:
H.TRIỀU - H.ANH - X.THIÊN
Thiết kế, trình bày: L.H
Thiết kế, trình bày: L.H
-------------
Kỳ 2: Quân dân một lòng