(Baoquangngai.vn)- Vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung Bộ gồm 14 tỉnh, thành phố, có tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng; có vị trí địa lý thuận lợi để kết nối kinh tế biển với Tây Nguyên và các nước ASEAN thông qua hành lang kinh tế Đông – Tây và các hoạt động thương mại quốc tế. Đây cũng là vùng có tiềm năng rất lớn để phát triển đa dạng các ngành kinh tế trong tương lai. Do đó, Quảng Ngãi quyết tâm kết nối để thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững trong thời gian đến.
Vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung Bộ gồm 14 tỉnh, thành phố, là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh. Với những đặc điểm và vị trí quan trọng đó, vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung Bộ luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm đặc biệt.
Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 39-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng – an ninh vùng Bắc Trung bộ, duyên hải Trung Bộ đến năm 2010; Kết luận số 25-KL/TW ngày 2/8/2012 tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW. Đây là những định hướng, chủ trương, quyết sách quan trọng, tạo xung lực phát triển cho vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung Bộ.
|
Cùng với NMLD Dung Quất, các dự án như cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Cảng biển nước sâu Dung Quất... sẽ tạo điều kiện cho tỉnh nhà kết nối để phát triển nhanh và bền vững. |
Quảng Ngãi là tỉnh nằm ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ, là một trong 5 tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Nằm trên trục Quốc lộ 1, hành lang kinh tế Đông – Tây, có đường sắt Bắc – Nam, gần sân bay Chu Lai, tiếp giáp Biển Đông, có cảng nước sâu Dung Quất; có vị trí rất thuận lợi cho phát triển thương mại trong nước và quốc tế. Với diện tích tự nhiên khoảng gần 5,2 nghìn km2, địa hình đa dạng, có cả vùng núi cao, vùng trung du, đồng bằng và vùng ven biển, hải đảo, nên có lợi thế rất lớn để phát triển đa dạng các ngành kinh tế. Đồng thời, với dân số khoảng 1,3 triệu người, Quảng Ngãi có một nguồn lao động dồi dào và cũng là một thị trường tiềm năng.
Nhận thức được lợi thế, tiềm năng đó, ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 39-NQ/TW, Kết luận 25-KL/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 10, Chương trình hành động 33-CTr/TU để cụ thể hóa thực hiện. Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh qua các nhiệm kỳ đều xác định các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá và ban hành các nghị quyết, kết luận chuyên đề để tập trung huy động và bố trí nguồn lực thực hiện; các cấp ủy đảng, chính quyền ban hành nhiều văn bản cụ thể hóa, thể chế hóa thực hiện phù hợp với từng địa phương, đơn vị.
Năm 2004 trở về trước, Quảng Ngãi là tỉnh có quy mô kinh tế nhỏ; công nghiệp chưa phát triển; dịch vụ phát triển chậm; nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội lạc hậu; ngân sách phụ thuộc sự hỗ trợ của trung ương. Đời sống nhân dân rất khó khăn. Nhưng sau gần 20 năm thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW và 10 năm thực hiện Kết luận số 25-KL/TW, với sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của trung ương, tỉnh Quảng Ngãi đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.
Các loại hình dịch vụ phát triển đa dạng; du lịch có bước phát triển đáng kể. Lý Sơn trở thành điểm tham quan nổi tiếng thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế. Nông nghiệp từng bước được hiện đại hóa. Kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt 1.800 triệu USD, tăng gấp 64,8 lần so với năm 2004; bình quân giai đoạn 2005 - 2021 tăng 27,8%/năm.
Cùng với NMLD Dung Quất, các dự án kinh tế lớn trên địa bàn KKT Dung Quất và các KCN tỉnh đã làm tăng đáng kể giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Khu kinh tế Dung Quất trở thành một trong những KKT thành công nhất trong cả nước, giữ vai trò là hạt nhân tăng trưởng và động lực phát triển của tỉnh.
Văn hóa xã hội tiếp tục phát triển. Chất lượng cuộc sống của người dân được cải thiện. Quốc phòng, an ninh được giữ vững. Hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Công tác xây dựng Đảng đạt một số kết quả tích cực. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Tuy nhiên, tốc độ phát triển của Quảng Ngãi vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách nhà nước còn phụ thuộc nhiều vào NMLD Dung Quất. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm. Thu nhập bình quân đầu người còn thấp so với trung bình của cả nước.
Công nghiệp chế biến, chế tạo phần lớn hoạt động ở phân khúc thấp trong chuỗi giá trị. Nông nghiệp phát triển chưa bền vững. Dịch vụ có giá trị gia tăng cao chưa nhiều. Quy mô kinh tế biển nhỏ. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn hạn chế. Hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập kinh tế chưa cao. Chất lượng khám, chữa bệnh chưa thực sự đáp ứng yêu cầu. Đời sống người dân tộc thiểu số và miền núi còn nhiều khó khăn…
Trong những năm qua, cùng với các địa phương trong vùng, Quảng Ngãi đã tích cực tham gia thúc đẩy phát triển liên kết vùng. Tỉnh đã phối hợp với các ban, bộ, ngành trung ương và các địa phương trong vùng xây dựng các kế hoạch, chương trình nhằm phát triển vùng trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, tập trung phát triển một số cơ sở hạ tầng giao thông, nhằm thúc đẩy liên kết vùng. Đó là, hoàn thành mở rộng Quốc lộ 1; đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Hiện nay đang tiếp tục đầu tư tuyến đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh để kết nối đồng bộ với hệ thống đường ven biển của các địa phương trong vùng, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế biển và khai thác du lịch…
Tuy nhiên, chất lượng và hiệu quả liên kết, phát triển vùng trong thời gian qua vẫn còn một số hạn chế. Nhiều điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội chưa được khơi thông. GRDP bình quân đầu người thấp hơn so với cả nước. Nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nhanh và bền vững.
Hạ tầng kết nối giữa các địa phương trong vùng chưa được quản lý, sử dụng hiệu quả. Các thể chế liên quan để điều phối, thúc đẩy liên kết vùng chưa bảo đảm cho công tác điều phối và kiểm soát các hoạt động đầu tư, phát triển vùng. Có tình trạng phân tán nguồn lực theo đơn vị hành chính, hình thành cuộc chạy đua xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng tương tự nhau giữa các tỉnh, thành phố, làm lãng phí nguồn lực…
|
Cao tốc Bắc - Nam đoạn Quảng Ngãi - Bình Định sau khi hoàn thành sẽ là cú huých cho nền kinh tế Quảng Ngãi. |
Do đó, Ban Chỉ đạo và Ban Kinh tế Trung ương cần tiếp tục nghiên cứu tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành chủ trương mới về phát triển vùng, nhằm cụ thể hóa các quan điểm, định hướng của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 – 2030). Có như vậy mới tạo ra xung lực phát triển mới cho vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ nói chung, tỉnh Quảng Ngãi nói riêng.
Nội dung:
M.TUYỀN – PV
Thiết kế, trình bày:
L.H