(Baoquangngai.vn)- Xóm Vĩnh Hiệp, ở thôn An Vĩnh, xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) được gọi là xóm chài. Bởi lẽ, ở đây có nghề chài lưới lâu đời, gắn liền với đời sống văn hóa người dân nơi cửa biển Sa Kỳ. Bây giờ, dù có những con tàu công suất lớn vươn khơi xa, những người dân nơi đây vẫn giữ nghề chài một thuở đã từng nuôi nấng bao thế hệ.
[links()]
Năm nay, dù đã 80 tuổi nhưng ông Lê Lệ, ở xóm chài Vĩnh Hiệp vẫn còn khỏe khoắn. Có lẽ do muối mặn và gió biển đã ngấm vào người ngay từ khi mới lọt lòng mà sương gió thời gian vẫn không thể gục ngã được ông. Hằng ngày, ông đều mang lưới, đeo đụt ra gành đá ở khu vực Đài lưới (bãi phơi lưới ngày xưa của người dân địa phương) để quăng chài bắt tôm, cá.
Ông nhanh chân trèo lên mỏm đá cao, quan sát luồng lạch, phóng tầm mắt ra xa để xác định những nơi cá ở. Đó là khu vực có nhiều rong rêu, mặt nước xao động. Ông liền di chuyển đến. Từng sải chân bước đi thật nhẹ. Với sải tay chắc nịch, ông quăng ầm tay lưới xuống biển. Lưới bung rộng như ôm chầm lấy mặt nước. Chẳng mấy chốc, ông dùng sức kéo mẻ cá ngược sóng vào bờ. Mẻ đầu tiên chỉ có ít cá, nhưng ông vẫn tỏ ra rất vui.
“Đi chài cả buổi kiếm được 5 - 10 kg cá, đủ chi phí để hai vợ chồng ăn sáng và dành dụm thuốc cho tuổi già. Có hôm chẳng có con cá nào, tôi đành túm chài về không. Người chài lưới cần phải có sức khỏe và kinh nghiệm sông nước, biết cách dò cá. Nếu không có kinh nghiệm dễ bị té ngã, va đập vào ghềnh đá. Chuyện gãy chân, trầy xướt xảy ra thường xuyên. Bung chài không cẩn thận còn rách lưới, mất ngay vài triệu đồng”, ông Lệ cho hay.
Vất vả, cực nhọc nhưng với những người lớn tuổi như ông Lệ, đi chài lưới không chỉ là chuyện mưu sinh, mà còn là cách để rèn luyện sức khỏe. Hơn thế nữa, mỗi lần chài lưới là lúc ông tìm lại kỷ niệm còn vương vấn về xóm chài nghèo khó một thuở; về những ngày ông cũng những người bạn thời niên thiếu ra Đài lưới xem, học quăng chài từ những người đi trước. Ký ức về quê hương Tịnh Kỳ, vùng đất lọt thỏm giữa dòng sông Bài Ca và cửa biển Sa Kỳ, về cái xóm chài nghèo ngày xưa cứ quẩn quanh trong tâm trí ông Lệ.
Ông Lệ cho biết thêm, Tịnh Kỳ có nhiều nghề đánh bắt liên quan đến biển và hình thành nên nhiều xóm. Tùy theo đặc thù của từng xóm mà người địa phương có cách gọi khác nhau cho mỗi xóm như xóm câu, xóm chài, xóm lưới. Xóm Vĩnh Hiệp, ở thôn An Vĩnh được gọi là xóm chài.
Hằng ngày, người trong xóm ra khu vực cửa biển Sa Kỳ chài lưới. Chị em phụ nữ đứng trong bờ chờ đợi cánh đàn ông vào bờ thì gỡ lưới lấy cá bán cho thương lái. Nhiều nhất vẫn là cá đối, cá dìa, cá ngừ, cá hố… Tiếng người mua bán, cười nói rộn rã cả một góc biển vào mỗi sáng sớm, xế chiều.
Theo Trưởng thôn An Vĩnh Phạm Ngọc Thanh, lúc đầu chỉ có vài chục hộ, đến nay xóm chài Vĩnh Hiệp có 279 hộ. Ở xóm chài có nhiều ngành nghề đánh bắt, tận dụng thế mạnh và tiềm năng của địa phương.
Nhiều hộ làm ăn khấm khá đã mua sắm thêm tàu mới, trang bị ngư cụ hiện đại vươn khơi xa. Tuy vậy, ở xóm chài Vĩnh Hiệp, nghề chài lưới gần bờ vẫn được các thế hệ giữ gìn cho đến hôm nay theo kiểu “cha truyền, con nối”. Những người mà ông Thanh quen biết làm nghề này ở thôn Vĩnh Hiệp là gần 20 hộ.
Ông Trần Minh Anh (55 tuổi) là thế hệ thứ 3 trong một gia đình có nhiều đời theo nghề chài lưới. Với gia đình ông, bây giờ cuộc sống đã đủ đầy hơn. Tuy nhiên, trong nhà lúc nào cũng có khoảng 5 tấm lưới với nhiều kích cỡ khác nhau để hằng ngày khi con nước cạn ông lại đi săn cá, tôm. Vào mỗi dịp con cháu ở nơi xa trở về, cả nhà lại có thú vui để tìm về ký ức một thuở.
"Điều mà những bậc cao niên ở xóm chài trăn trở nhất hiện nay là nguồn lợi hải sản gần bờ dần cạn kiệt trong khoảng 5 năm trở lại đây, do một số ngư dân đánh bắt theo kiểu tận diệt. Mong sao các thế hệ kế thừa cùng góp sức, bảo vệ xóm chài, giữ cái nghề truyền thống đã làm nên nét đẹp văn hóa lâu đời nơi cửa biển Sa Kỳ", ông Anh bộc bạch.
Người dân ở xóm chài Vĩnh Hiệp mơ về một ngày không xa, nghề chài lưới không chỉ đơn thuần là nghề truyền thống, mà còn phát triển hơn nữa nhờ vào du lịch. Du khách sẽ có cơ hội tìm về đây để trải nghiệm, khám phá xóm chài, gắn liền với những giá trị văn hóa đặc sắc khác của miền biển, cùng thắng cảnh nổi tiếng ở địa phương là Thạch Ky Điếu Tẩu...
Bài, ảnh:
THIÊN HẬU