Tôi thường chọn Lý Sơn làm điểm đến, không phải chỉ tác nghiệp mà để được đắm mình giữa biển khơi với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp. Hơn 15 năm trước, khi chập chững vào nghề báo, tôi đến Lý Sơn bằng tàu cá với khoang tàu nhỏ. Mùa tháng Ba, sóng biển dịu êm, lăn tăn trắng xóa hòa trong ánh nắng lung linh. Trên đường tàu rẽ sóng thỉnh thoảng chúng tôi lại được chiêm ngưỡng "vũ điệu" của đàn cá chuồn trong mùa sinh sản bay trên mặt nước. Chúng tôi lại hát nghêu ngao “Nhớ mùa cá chuồn nhảy dây ăn trứng...” trong ca khúc “Quảng Ngãi nhớ thương” của nhạc sĩ Nguyễn Tuấn mà quên đi chuyện say sóng.
Sau khi mở cửa du lịch trở lại, du khách đến Lý Sơn rất đông trong những ngày qua. |
Đến Lý Sơn tầm 11 giờ 30 phút. Tiết giao mùa, trời còn vương vấn mùa xuân nên cái nắng không mấy gay gắt, thi thoảng có những làn gió mát dịu. Chúng tôi xuyên trưa len lỏi vào các xóm làng. Trên khắp ngõ ngách, sân vườn nhà dân mùa này đều được trưng dụng để phơi tỏi, phơi rong, sơ chế các loại ốc biển. Thanh âm mùa tháng Ba ở Lý Sơn cứ rì rào...
Du khách khám phá vẻ đẹp thiên nhiên và con người Lý Sơn. |
Chúng tôi đến đỉnh núi Thới Lới. Núi nằm phía đông của huyện có độ cao chừng 170m so mực nước biển. Mùa này núi Thới Lới phủ đầy cỏ non xanh biếc. Hoa xuyến chi nở khắp triền đồi. Theo các nhà nghiên cứu địa chất, Lý Sơn hình thành từ những đợt phun trào núi lửa từ hàng triệu năm trước. Dấu tích miệng núi lửa hiện vẫn còn, hiện ở giữa đỉnh núi Thới Lới có một hồ nước ngọt hình phễu. Trên bề mặt quanh thân hồ có vô số hình thù như nón, phễu, chóp, dạng bọt phong hóa, tro bụi được xếp chồng lên nhau. Hồ rộng chừng 10ha, nước xanh thẳm, có khả năng tích trữ 300 nghìn mét khối nước, dẫn về tưới cho các cánh đồng tỏi quanh chân núi. Từ đây phóng tầm mắt về bốn phía, Lý Sơn vừa hùng vĩ, vừa nên thơ đến lạ. Ở phía tây nam là cổng Tò Vò cao khoảng 2,5m, hình vòm cung nằm sát bên chân sóng. Dưới chân núi Thới Lới là hang Câu... Mỗi thắng cảnh hình thành từ những đợt phun trào núi lửa và sự bào mòn của gió biển, sóng nước.
Từ lâu, người dân Lý Sơn đã biết làm du lịch. Cứ sau mùa biển động, người dân lại thu hoạch tỏi, trồng hành, thu đậu phụng, bắp. Nhiều người ra khơi đánh bắt mực, cá, tôm, thu lượm vỏ ốc, vỏ sò... Mỗi nông, hải sản đều trở thành sản phẩm du lịch. Cứ chiều xuống, những con tàu ngoài khơi xa trở về đầy ắp hải sản cũng là lúc người dân tranh thủ sơ chế các loại ốc, cá, nhum để bán cho các hàng quán phục vụ du khách. Chị Nguyễn Thị Bé, ở thôn Tây An Vĩnh “miệng nói tay làm” bảo, mấy tháng qua ế quá. Hết biển động, rồi đến dịch Covid-19 kéo dài. Giờ có khách đến tham quan nên ai cũng tranh thủ sơ chế hải sản bán cho các hàng quán.
Du khách tham quan Nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải (Lý Sơn) |
Trời đã nhá nhem tối nhưng bà Bùi Thị Hà (54 tuổi), ở thôn Tây An Vĩnh, vẫn cố gắng sơ chế những vuông tỏi cuối cùng. Bà Hà bảo, mùa tỏi năm nay một sào chỉ thu được khoảng 200kg, giảm 300kg so với các mùa trước. Tỏi mất mùa nhưng lại được giá. Tôi sơ chế tỏi sạch sẽ để bán cho du khách. Ở đảo Bé, người dân còn biết tận dụng trái dừa, trái thơm núi, rong biển, vỏ ốc để làm sản phẩm phục vụ du lịch.
Xây dựng đảo du lịch sinh thái
Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Phạm Thị Hương cho biết, Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy về việc đẩy mạnh phát triển du lịch, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong giai đoạn 2021 - 2030, đã xác định xây dựng huyện đảo Lý Sơn trở thành đảo du lịch sinh thái, làm hạt nhân cho phát triển du lịch của tỉnh. Tuyến vận tải thủy dài 135km từ Đà Nẵng đến đảo Lý Sơn vừa được khai trương là cơ hội lớn để đầu tư phát triển du lịch. Huyện đang tập trung kêu gọi các doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư cơ sở vật chất đồng bộ, kết nối các giá trị văn hóa để phát triển du lịch trên tinh thần không phá vỡ cảnh quan, môi trường... Phấn đấu đến năm 2025 góp phần cùng với tỉnh đưa du lịch Quảng Ngãi trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn trong khu vực duyên hải Nam Trung Bộ.
|