(Baoquangngai.vn)- Đến thôn Long Yên, xã Bình Long (Bình Sơn) những ngày giáp tết Nguyên đán, dễ dàng bắt gặp cảnh người dân hối hả thu hoạch, vận chuyển kiệu đi tiêu thụ. Tuy sản lượng năm nay có giảm hơn mọi năm, song người dân trồng kiệu nơi đây vẫn phấn khởi, bởi giá thu mua đang tăng cao, chất lượng kiệu cũng tốt hơn năm trước.
[links()]
Ông Nguyễn Trung Thùy (65 tuổi), ở thôn Long Yên, cho biết, vụ kiệu năm nay, ở thời điểm cây kiệu phát triển mạnh lại xảy ra mưa nhiều, nên việc đầu tư, chăm sóc vất vả, năng suất kiệu giảm hơn mọi năm. Tuy nhiên, giá kiệu năm nay đang tăng cao, thu hoạch đến đâu thương lái mua đến đó, nên nông dân cũng được mùa kiệu vui. Với 3 sào kiệu của gia đình ông đã được thương lái đặt mua tại ruộng với giá 15 nghìn đồng/kg, tăng gần 5 nghìn đồng so với năm ngoái.
Chung niềm vui như ông Thùy, hộ bà Trần Thị Nhung (60 tuổi), ở cùng thôn, cho biết, năm nay, gia đình bà canh tác 3 sào, tuy nhiên, mưa lớn khiến năng suất không đạt như mọi năm, giảm từ 10- 20%, nhưng đổi lại kiệu cho củ rất xinh nên thị trường tiêu thụ rất thuận lợi.
Hộ ông Nguyễn Văn Ba (57 tuổi) cũng đang khẩn trương rửa sạch kiệu để giao cho khách. Năm nay, ông canh tác 3 sào kiệu. Củ nhỏ giá 12 nghìn đồng/kg, củ lớn hơn 15 nghìn đồng/kg. Ông Ba cho biết, do ảnh hưởng của thời tiết mưa nhiều đã khiến nhiều diện tích kiệu bị trôi, vật tư phân bón tăng cao nên sau khi trừ chi phí đầu tư cả 3 sào gia đình ông thu lãi khoảng 25 triệu đồng.
Kiệu sau khi thu hoạch được người dân đưa đến con kênh nội đồng tại khu dân cư số 9, thôn Long Yên để rửa sạch đất bám. Đây là nơi mà các thương lái sẽ đến thu mua kiệu rồi vận chuyển tiêu thụ khắp các nơi ở trong và ngoài tỉnh.
Sau khi thu hoạch, người dân rửa sạch đất bám trên củ kiệu trước khi giao cho thương lái |
Thu hoạch kiệu cũng mất rất nhiều thời gian từ nhổ, rồi đem về rửa sạch, cắt tỉa rễ. Hiện đang vào chính vụ kiệu Tết nên các hộ trồng, ai nấy đều tranh thủ thu hoạch để cung ứng cho người tiêu dùng. Năm nay giá bán ổn định hơn nên bà con nông dân ai cũng mừng.
Không chỉ người trồng kiệu phấn khởi mà ngay cả cánh thương lái cũng hồ hởi không kém. Ông Hồ Văn Chung, một trong những người thu mua kiệu nhiều nhất ở xã Bình Long, cho biết, năm nay kiệu có xu hướng tăng cao vì khách hàng trong Nam ăn rất mạnh, mặc khác sản lượng kiệu năm nay không bằng mọi năm. “Mỗi ngày, tôi thu mua từ 3 – 4 tấn kiệu, cắt củ rồi xuất vào Sài Gòn với giá 45 nghìn đồng/kg. Cây kiệu Bình Long có hương vị rất thơm, không nồng, cay vừa phải mà không đâu khác trong tỉnh có được.
Nghề trồng củ kiệu ở Bình Long có từ rất lâu. Do vậy, mà các hộ trồng kiệu ở vùng này đều đã có thâm niên hàng chục năm. Hầu hết, họ đều là những người lớn tuổi, ngoài nguồn thu nhập từ cây lúa thì cây kiệu đã góp phần giúp bà con thoát nghèo. Vào dịp cuối năm, kiệu là nguồn thu chính để bà con nông dân có điều kiện vui xuân, đón Tết.
Phó Chủ tịch UBND xã Bình Long Phạm Đình Dương cho biết, vụ kiệu năm nay, thôn Long Yên trồng khoảng 22ha, giảm hơn so với năm ngoái; năng suất bình quân kiệu lá ước đạt 800kg – 1 tấn/sào, giảm 50 – 100kg/sào so với năm ngoái; nhưng với giá khá cao, thị trường tiêu thụ thuận lợi, người trồng kiệu ở Long Yên cũng rất phấn khởi.
Với giá trị và tiềm năng kinh tế cao, kiệu Bình Long đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa, lấy tên là Kiệu Bình Long- Bình Sơn. Đặc biệt, cuối năm 2021, UBND huyện Bình Sơn đã lập hồ sơ gửi tỉnh, đề nghị tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.
Đối với Bình Long, kiệu là cây trồng đặc sản. Chính vùng đất thổ, triển núi ở Long Yên phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và đặc tính nông học của cây kiệu nên kiệu Long Yên mang một hương vị đặc trưng mà không vùng nào có được. Từ tháng 8 Âm lịch người dân sẽ xuống giống sản xuất. Sau khoảng 4 tháng là có thể thu hoạch bán Tết. Đây cũng là nguồn thập chính cho nhiều gia đình nơi đây trong dịp Tết đến xuân về.
Thực hiện: T.TIÊN-T.NHÀN