Bác sĩ "hotboy" có duyên chữa hiếm muộn

03:02, 27/02/2021
.

 

(Baoquangngai.vn) - Cao 1.75m, sở hữu vẻ ngoài điển trai như hotboy, giọng nói ấm áp, nụ cười tỏa nắng, thạc sĩ, bác sĩ Đoàn Tôn Lĩnh chiếm cảm tình của người đối diện từ lần đầu tiên gặp mặt.

[links()]
Sinh năm 1990, Lĩnh là bác sĩ sản khoa, đang phụ trách Khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Sản-Nhi Quảng Ngãi, kiêm Bí thư Đoàn TNCS. Vừa có tài, vừa điển trai như diễn viên Hàn Quốc, chàng bác sĩ là hình mẫu nam thần lý tưởng của nhiều cô gái, thực sự đình đám từ mạng xã hội ra ngoài đời.

Trên Facebook cá nhân, mỗi bài viết về chủ đề chữa hiếm muộn, sản khoa hay khoảnh khắc đời thường của bác sĩ Lĩnh thường nhận được hàng nghìn lượt like, hàng trăm bình luận…

Biệt danh bác sĩ “hotboy”, bác sĩ soái ca, “bác sĩ nghìn like” cũng bắt đầu từ đây. Nghe anh kể chuyện nghề nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27.2), chúng ta được chiêm nghiệm về chuyện nghề của nam bác sĩ sản khoa.  
 

 

-----------------------------------------------
Ca đỡ đẻ đầu tiên là đỡ đẻ... CHO BÒ


Dù lịch làm việc kín mít nhưng anh vẫn dành giờ nghỉ trưa gặp gỡ chia sẻ về chuyện nghề. Xuất hiện với phong thái tự tin, lịch lãm, bao câu chuyện của một bác sĩ sản khoa được anh chia sẻ thật gần gũi.

Đó là những chuyện dở khóc dở cười của nam bác sĩ sản khoa khi bệnh nhân từ chối bác sĩ nam khám, là khoảnh khắc hốt hoảng khi bệnh nhân say nắng bác sĩ, là nụ cười hạnh phúc của chị em khi sinh nở thành công, là những giọt nước mắt của bệnh nhân hiếm muộn khi đón đứa con sau năm tháng mòn mỏi chờ mong, là những trăn trở của bác sĩ khi bị cuốn vào câu chuyện gia đình lâm li bi đát của bệnh nhân…

Quê ở xã Bình Dương (Bình Sơn), sinh ra trong gia đình có bố mẹ từng làm y tá trong quân đội, anh trai theo ngành dược, Lĩnh được gia đình hướng theo ngành y ngay từ thưở còn học cấp 2.

Tốt nghiệp bác sĩ đa khoa của ĐH Y Dược Huế với tấm bằng giỏi, là một trong những sinh viên xuất sắc của khóa học, dự định sẽ tiếp tục học chuyên khoa bác sĩ nội trú hoặc da liễu.

Năm ấy, lãnh đạo Sở Y tế ra tận trường mời sinh viên ngành y về công tác tại tỉnh theo diện thu hút nhân tài. Được sự động viên của lãnh đạo Sở là Bệnh viện Sản-Nhi Quảng Ngãi sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2017, rất cần bác sĩ sản khoa giỏi, Lĩnh đã quyết định về quê công tác vừa tích lũy tích nghiệm,  vừa theo học thạc sĩ ngành sản khoa để nâng cao chuyên môn.

Hẳn nhiều người sẽ ngạc nhiên, thấy thú vị khi biết ca đỡ đẻ đầu tay của anh chàng bác sĩ điển trai không phải đỡ đẻ cho sản phụ mà đỡ đẻ cho bò.

“Ở quê bố mẹ nuôi bò. Thấy bò mẹ quằn quại đau đớn, dấu hiệu sắp đẻ, bố mẹ lại đi vắng, mình chẳng ngại ngùng chui vào chuồng đỡ đẻ cho bò. Mình tích lũy được nhiều kinh nghiệm từ ca đỡ đẻ đầu tiên”- Lĩnh hỏm hĩnh tâm sự.
 
-----------------------------------------------

NHỮNG CHUYỆN DỞ KHÓC DỞ CƯỜI
 

Học ngành y rất tốn kém và mất thời gian. Để trở thành một bác sĩ giỏi thực sự không dễ dàng. Điều lớn nhất ngoài chuyên môn là tình yêu, cái tâm với nghề.

Ca đỡ đẻ đầu tiên cho sản phụ rất hồi hộp vì kiến thức học ở trường là một chuyện, còn áp dụng vô thực tế rất áp lực, may mắn sản phụ vượt cạn thành công. Khoác lên mình chiếc áo blouse trắng, khoảnh khắc em bé đầu tiên do mình đỡ đẻ chào đời mang lại cho anh những cảm xúc khó quên.

Lĩnh bảo so với bác sĩ nữ, bác sĩ nam làm sản khoa có lợi thế hơn ở sức khỏe tốt, chịu được áp lực tốt hơn. Tuy nhiên, bác sĩ nam gặp nhiều bất lợi vì bệnh nhân nữ ngại bác sĩ nam, nhất là bác sĩ trẻ.

Là đàn ông, đẹp trai mà lại chọn bác sĩ sản khoa, làm công việc khá nhạy cảm liên quan đến chị em, bác sĩ Lĩnh thường bị trêu chọc. Không hề xấu hổ, chàng bác sĩ điển trai rất hào hứng khi nhớ lại khoảnh khắc đầu tiên trong nghề.
 
bác sĩ
Để trở thành một bác sĩ giỏi thực sự, ngoài chuyên môn là tình yêu, cái tâm với nghề.
 
LầN đầu tiên vô phòng chờ sinh lại quên mang khẩu trang, thấy bác sĩ trẻ lại đẹp trai, sản phụ trẻ khép nép, ngại ngùng từ chối khám. Lắm lúc anh kiêm luôn cả bác sĩ tâm lý cho bệnh nhân và nhờ điều dưỡng làm cầu nối giữa bác sĩ nam với bệnh nhân.

Những lần sau, Lĩnh phải bịt kín khẩu trang khi vào phòng sinh. Hay như lần éo le vì chồng bệnh nhân sửng cồ khi anh quên mang khẩu trang, đột ngột vào phòng siêu âm sửa máy bị sự cố giúp bác sĩ nữ. Lúc ấy, anh nhẹ nhàng giải thích và xin lỗi vì sự sai sót của mình.
 
“Ngoài những vất vả, trở ngại, ngành nghề đặc biệt này cũng mang đến cho tôi những cảm xúc mà không phải ngành nghề nào có được. Đó là giây phút thiêng liêng của những em bé chào đời, những giọt nước mắt hạnh phúc, niềm  vui vỡ òa của những người bố, người mẹ” - bác sĩ Lĩnh bộc bạch.
 
-----------------------------------------------

CHỮA HIẾM MUỘN LÀ CƠ DUYÊN
 
Đứa bé đầu tiên ra đời bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo do bác sĩ Lĩnh thực hiện.
Đứa bé đầu tiên ra đời bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo do bác sĩ Lĩnh thực hiện.
 
Năm 2018, Lĩnh được cử đi học lớp điều trị vô sinh, hiếm muộn bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo (IUI). Khoa Hiếm muộn chính thức bắt đầu hoạt động vào giữa tháng 3.2019 sau thời gian học hỏi và chuyển giao công nghệ từ Bệnh viện Từ Dũ TP. Hồ Chí Minh. Đây được coi là bước tiến để chinh phục các kỹ thuật cao hơn trong điều trị vô sinh, hiếm muộn.
 
Ngay lần chuyển giao công nghệ đầu tiên, Lĩnh đã thực hiện 5 ca IUI dưới sự giám sát của Bệnh viện Từ Dũ. May mắn đã mỉm cười với chàng bác sĩ trẻ khi thành công 2 ca.
 
Chị C, ở huyện Mộ Đức là bệnh nhân lớn tuổi nhất trong các bệnh nhân đã mang bầu 1 bé trai sau 9 năm sinh con đầu lòng là 1 bé gái. Chị C đã từng làm IUI tại bệnh viện khác nhưng không thành công.
 
Bác sĩ Lĩnh trải lòng: “Tôi không nghĩ thành công đến với mình nhanh đến vậy. Chị C là bệnh nhân đã bước qua tuổi 40. Bởi thế, tôi nghĩ có sự may mắn, đó là cái duyên với nghề. Nghề cho tôi một cuộc đời ý nghĩa”.

Niềm vui còn nhân lên gấp bội khi Lĩnh chính là bác sĩ mổ sinh cho chị C. Khoảnh khắc đầu tiên đón đứa bé do chính tay mình thực hiện IUI thành công, Lĩnh xúc động không kém sản phụ. Chị C còn lấy tên anh đặt tên cho con trai của mình. 
 

Lĩnh đã thực hiện 46 ca IUI, thành công 15 ca, đạt tỷ lệ hơn 32%. Dù "sinh sau đẻ muộn", nhưng tỷ lệ thành công trong phương pháp IUi của bệnh viện cao so với tỷ lệ công bố của nhiều bệnh viện chuyên khoa lớn cả nước. Thêm đó, có 8 bệnh nhân có thai tự nhiên sau khi được khám, tư vấn, điều trị bằng thuốc.

Lĩnh cho rằng tỷ lệ IUI thành công cao ngoài tuân thủ đúng quy trình, sự tận tụy với bệnh nhân có lẽ anh có duyên. Đến nay đã có 3 em bé ra đời nhờ thực hiện IUI.

Từ quá trình điều trị vô sinh, hiếm muộn cho bệnh nhân, Lĩnh đúc kết 30% nguyên nhân do người vợ, 40% do người chồng, còn lại không tìm ra nguyên nhân dù sức khỏe sinh sản của vợ và chồng đều hoàn toàn bình thường.

Đa số chị em bị viêm nhiễm dẫn tắt vòi trừng, bị đa nang buồng trứng, thiếu nội tiết tố, viêm lộ tuyến dẫn đến hiếm muộn. Các anh là do lạm dụng nhiều chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá hay thức khuya.
 
Lĩnh
Tài năng, nhiệt huyết, bác sĩ Lĩnh là tấm gương sáng của ngành y.
 
Bác sĩ Lĩnh đưa ra lời khuyên cho những cặp đôi sắp kết hôn nên khám tiền hôn nhân. Vợ chồng trên 35 tuổi, đã sinh 1 em bé, nếu thả 6 tháng vẫn chưa có em bé hay những cặp vợ chồng dưới 35 tuổi đã kết hôn 1 năm chưa có em bé nên đi khám, tìm ra nguyên nhân, có phát đồ điều trị kịp thời.

Việc khám, điều trị hiếm muộn phải đến bệnh viện chuyên khoa. Không ít bệnh nhân đến bệnh viện cấp cứu vì theo điều trị những người không có chuyên khoa, lợi dụng người bệnh hiếm muộn để kiếm tiền.

Họ sử dụng thuốc kích thích buồng trứng vô tội vạ khiến người bệnh bị quá kích buồng trứng hay cho quý ông dùng testosterone ngoại sinh để tăng cường phong độ cho đàn ông gây hiểm họa khó lường. Ngoài việc tiếp tục thực hiện và nâng cao kỹ thuật trong IUI, anh mong muốn bệnh viện sớm triển khai đề án thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).

Đây là kỹ thuật cao nhất trong điều trị vô sinh, hiếm muộn mà nhiều bệnh viện lớn trong nước đang thực hiện cho bệnh nhân. Anh mong sẽ đem đến thật nhiều cơ hội cho các vợ chồng vô sinh, hiếm muộn mà không phải đi xa, tiết kiệm cả thời gian và chi phí.


Bài, ảnh: A.KIỀU
Trình bày: L.HOANH

 
Xuất bản lúc: 03:02, 27/02/2021