Kết nối phát triển du lịch

03:02, 10/02/2019
.
 
 
 
(Báo Quảng Ngãi)- Chiến lược phát triển du lịch vùng Duyên hải miền Trung đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 xác định việc liên kết vùng miền để phát triển du lịch là rất quan trọng. Trong những năm qua, Quảng Ngãi cũng đã hình thành được một số điểm đến, tạo cơ sở để kết nối du lịch trong và ngoài tỉnh.
 
Tốc độ tăng trưởng của du lịch năm 2018 cao nhất trong vòng 5 năm qua. Quảng Ngãi đang phấn đấu đến năm 2020 và 2025 xây dựng sản phẩm du lịch có thương hiệu, bản sắc văn hóa và thân thiện với môi trường.
 
Để du lịch phát triển theo định hướng, nhu cầu đầu tư đến năm 2025 khoảng 5.260 tỷ đồng. Trong đó, giai 2016 – 2020 cần khoảng 2.040 tỷ đồng; ngân sách đầu tư khoảng 10% để xây dựng hạ tầng du lịch, xúc tiến quảng bá, phát triển thương hiệu, nguồn nhân lực, bảo tồn và phát huy giá trị tài nguyên, bảo vệ môi trường và nghiên cứu ứng dụng công nghệ; hơn 90% vốn tư nhân (kể cả FDI) tập trung đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển sản phẩm du lịch, xúc tiến quảng bá thương hiệu…

-----------------------------
Đa dạng sản phẩm du lịch

Mở đầu câu chuyện về du lịch, Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Minh Trí nói: "Nếu như 5 năm trước các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn Quảng Ngãi gần như “ngủ yên", thì nay đã được đánh thức. Tuy nhiên, để giữ nguyên vẹn bản sắc văn hóa, thân thiện với môi trường, tạo nên thương hiệu du lịch đặc thù của một tỉnh miền Trung, thì Quảng Ngãi cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa; giữ gìn cảnh quan và bảo vệ môi trường".
 
Đánh chiêng, múa cà đáo ở điểm du lịch Thọ An (Bình Sơn). ẢNH: MAI HẠ
Đánh chiêng, múa cà đáo ở điểm du lịch Thọ An (Bình Sơn). ẢNH: MAI HẠ
 
Trên cơ sở quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025, ngành VH-TT&DL đã tham mưu UBND tỉnh phát triển sản phẩm du lịch theo các nhóm. Đó là xây dựng sản phẩm du lịch gắn với biển, đảo, trong đó chú trọng phát triển du lịch nghỉ mát, tắm biển, vui chơi giải trí, thể thao khám phá ở các bãi biển: Mỹ Khê (TP.Quảng Ngãi), Lý Sơn, Sa Huỳnh (Đức Phổ), Vạn Tường, Khe Hai (Bình Sơn) gắn với khu vực tàu cổ ở vùng biển Bình Châu (Bình Sơn).

Riêng Khu du lịch sinh thái biển đảo Lý Sơn sẽ xây dựng sản phẩm đặc trưng làm tiền đề định vị thương hiệu du lịch cho tỉnh. Bên cạnh đó, chú trọng phát triển sản phẩm du lịch theo nhóm văn hóa, lịch sử, tâm linh như: Di tích quốc gia Trường Lũy - Quảng Ngãi, Khởi nghĩa Ba Tơ và Trà Bồng, Khu Chứng tích Sơn Mỹ, Khu lưu niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, núi Thiên Ấn...
 
Đồng thời, xây dựng nhóm sản phẩm du lịch gắn với sinh thái tham quan cảnh quan, nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khoẻ ở núi Cà Đam (Trà Bồng), thác Trắng (Minh Long), các sông Trà Khúc, Trà Bồng... nhóm sản phẩm du lịch gắn với các sự kiện lễ hội, như: Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa (Lý Sơn), Lễ hội điện Trường Bà (Trà Bồng)... Đến năm 2020, Quảng Ngãi phấn đấu xây dựng Lý Sơn thành Khu du lịch biển đảo quốc gia; Mỹ Khê thành Khu du lịch quốc gia; Di tích quốc gia Trường Lũy – Quảng Ngãi thành điểm du lịch văn hóa lịch sử quốc gia và một số khu du lịch địa phương...
 
 
----------------------------
 
Tạo sản phẩm đặc thù  

Trên cơ sở quy hoạch phát triển du lịch, Sở VH-TT&DL đã xây dựng các tuyến du lịch nội tỉnh, liên tỉnh, đường bộ, đường biển cùng với hệ thống tuyến du lịch quốc gia. Trong đó, ngành du lịch chú trọng phát triển tuyến du lịch đảo ven bờ Lý Sơn – Cù Lao Chàm; các tuyến du lịch chuyên đề theo đường sông Trà Khúc, Trà Bồng; các tuyến du lịch khám phá địa hình phía tây của tỉnh; tuyến biển, đảo; tham quan tìm hiểu theo dấu tích Trường Lũy...
 
 
 
Những năm gần đây, Quảng Ngãi đã xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù ở huyện Ba Tơ, Nghĩa Hành, Bình Sơn và Lý Sơn.
 
Thời điểm này đến với vùng An toàn khu Ba Tơ, du khách không chỉ tham quan di tích quốc gia đặc biệt Di tích lịch sử Địa điểm về cuộc khởi nghĩa Ba Tơ để hiểu hơn sự mưu trí, gan dạ của những đội viên du kích Ba Tơ, cùng tấm lòng son sắt của nhân dân đối với cách mạng, mà còn được thưởng thức các món ăn đặc trưng của đồng bào Hrê, hòa trong các làn điệu ca lêu, ca choi trữ tình; được xem nghề dệt thổ cẩm truyền thống...

Rời không gian lịch sử đến với vùng đất Nghĩa Hành, du khách sẽ được đắm mình trong các sản phẩm du lịch sinh thái ở suối Chí; lắng lòng đốt nén hương tưởng niệm thường dân bị địch sát hại ở Khu chứng tích Khánh Giang – Trường Lệ; rồi đến vườn cây ăn trái xã Hành Nhân - một trong những sản phẩm du lịch như các miệt vườn ở Nam Bộ.

Ngoài sản phẩm du lịch cộng đồng, dựa trên tiềm năng sẵn có, Quảng Ngãi đã xây dựng các sản phẩm du lịch có giá trị, thu hút du khách trong nước và quốc tế như hệ thống bảo tàng trầm tích núi lửa, nghĩa địa san hô ở Lý Sơn. Đến đây, du khách sẽ được đắm mình trong các dịch vụ lặn ngắm san hô, trải nghiệm du lịch cộng đồng, xem Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa... để hiểu thêm nét văn hóa được lưu truyền hàng trăm năm của người dân đất đảo.

Đến với Quảng Ngãi, du khách còn được thưởng ngoạn các di sản văn hóa Chămpa, Sa Huỳnh;  khám phá nghĩa địa tàu cổ đắm ở vùng biển Bình Châu, cảng biển Dung Quất (Bình Sơn)...
 
-------------------------------
Liên kết vùng
 
Tại Hội nghị sơ kết công tác thi đua năm 2018 Cụm 5 tỉnh Duyên hải miền Trung tổ chức tại Quảng Ngãi, các chuyên gia đầu ngành nhận định: Việc liên kết, hỗ trợ nhau phát huy lợi thế, khai thác các tiềm năng du lịch các bên là rất cần thiết. Do đó, mỗi tỉnh cần phải đẩy mạnh hợp tác, liên kết xúc tiến, quảng bá du lịch để tạo sức mạnh chung.
 
 
 
Trên cơ sở xây dựng các sản phẩm du lịch, các công ty lữ hành trong tỉnh đã kết nối tour, liên kết vùng trong và ngoài tỉnh. Giám đốc Công ty TNHH MTV TM SaPa Tourist Phạm Hoàng Trực cho biết: Trên cơ sở các sản phẩm du lịch tỉnh xây dựng, công ty tạo các tour để du khách tham quan, khám phá đa dạng các sản phẩm này trong chuyến đi. Bên cạnh Lý Sơn, năm 2019 công ty sẽ khai thác điểm đến làng bích họa Thọ An, xã Bình An kết nối với làng gốm Mỹ Thiện, Nhà sưu tầm đồ cổ Lâm Zũ Xênh ở thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn)... Ở mỗi điểm đến, công ty sẽ tổ chức các hoạt động vui chơi trải nghiệm nhằm tạo dấu ấn cho du khách. Như tại Thọ An, công ty sẽ hướng dẫn cho du khách tham quan làng bích họa, đốt lửa trại, giao lưu văn hóa cồng chiêng, ở nhà nghỉ homestay... để du khách hiểu hơn tập quán của đồng bào Cor nơi đây.

Giám đốc Công ty CP Du lịch Lý Sơn Dicovery Đặng Văn Trọng cho hay: "Lâu nay, công ty hoạt động chủ yếu trên địa bàn huyện Lý Sơn. Tuy nhiên, trong năm 2019 ở đất liền có nhiều điểm đến hấp dẫn du khách, công ty đã liên kết với các đơn vị lữ hành tổ chức tour Khu du lịch sinh thái suối nước nóng Nghĩa Thuận – Lý Sơn hay Lý Sơn - Bãi Dừa, xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa), để tạo cho du khách có nhiều trải nghiệm trong cùng chuyến đi".
 
Vẻ đẹp gành Yến, xã Bình Hải (Bình Sơn).       Ảnh: N.Minh
Vẻ đẹp gành Yến, xã Bình Hải (Bình Sơn). Ảnh: N.Minh
 
Ngoài ra, trong thời gian qua, các công ty lữ hành trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh liên kết với một số tỉnh, thành trong cả nước để phát triển du lịch. Đó là hướng đi đúng. Bởi trong tương lai, lượng khách đến Lý Sơn sẽ bão hòa. Việc linh hoạt kết nối với các điểm đến ở đất liền để phân đều lượng khách và tạo sức hút cho du khách là điều cần thiết.

Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Huỳnh Thị Phương Hoa cho biết, ngành sẽ chỉ đạo các công ty lữ hành trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các công ty lữ hành ngoài tỉnh để kết nối với tour du lịch Quảng Ngãi và ngược lại. Đồng thời, ngành cũng sẽ đẩy mạnh liên kết với thị trường du lịch các tỉnh phía nam và Tây Nguyên.

ÁNH NGUYỆT
Xuất bản lúc: 03:02, 10/02/2019