Thực hiện Nghị quyết 42: Tăng cường công tác giám sát

04:06, 17/06/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9.4.2020 (Nghị quyết 42) về hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, Mặt trận các cấp trong tỉnh đã cùng các tổ chức thành viên chủ động vào cuộc giám sát, đảm bảo sự minh bạch trong quá trình hỗ trợ, không để xảy ra sai sót, trục lợi chính sách.
Theo Nghị quyết 42, các nhóm đối tượng được hỗ trợ, với nguồn kinh phí rất lớn. Vì vậy, để không xảy ra sai sót, trục lợi chính sách, việc giám sát của Mặt trận và các tổ chức thành viên cần được thực hiện xuyên suốt, từ khâu lập danh sách, chi hỗ trợ tới khâu hậu kiểm, đảm bảo tiền hỗ trợ đến đúng đối tượng, chính xác và kịp thời. 
Chi hỗ trợ theo Nghị quyết 42 cho đối tượng bảo trợ xã hội tại phường Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi).
Chi hỗ trợ theo Nghị quyết 42 cho đối tượng bảo trợ xã hội tại phường Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi).
Căn cứ Hướng dẫn số 27 của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 38 để chỉ đạo, hướng dẫn Mặt trận cấp dưới triển khai việc giám sát chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19. Đến nay, các huyện, thành phố, thị xã đã và đang thực hiện việc chi trả cho các đối tượng người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ đang hưởng chính sách trợ cấp hằng tháng và hộ nghèo, cận nghèo.
 
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TX.Đức Phổ Trần Ngọc Sa cho biết: “MTTQ xã, phường sẽ thực hiện công tác giám sát song song với công tác chi trả tại các địa phương, nhằm đảm bảo việc chi đúng, chi đủ và tránh việc trùng đối tượng. Đồng thời, Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã cũng thành lập đoàn giám sát, trực tiếp giám sát công tác chi trả cho đối tượng bảo trợ xã hội tại hai xã Phổ Phong và Phổ Khánh”.
 
Còn tại phường Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi), Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Nguyễn Thị Hồng Diễm cho hay: MTTQ Việt Nam cấp phường được phân công giám sát việc hỗ trợ hộ kinh doanh có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm (được xác định tại thời điểm ngày 15.01.2020), tạm ngừng kinh doanh từ ngày 1.4.2020; giám sát việc hỗ trợ người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; giám sát đối với người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia tại Quyết định số 59 của Thủ tưởng Chính phủ...
 
Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Quảng Phú đã thành lập tổ giám sát do Mặt trận chủ trì, phối hợp các hội cựu chiến binh, nông dân, phụ nữ, đoàn thanh niên và mời công an tham gia. “Ngoài nắm bắt tình hình, theo dõi việc lập danh sách, xác minh đối tượng, các thành viên cũng tham gia hỗ trợ giải thích, tuyên truyền để người dân hiểu đúng về chính sách”, bà Diễm cho biết thêm.
 
Trong số những người được hưởng trợ cấp lần này, khó xác định nhất là nhóm đối tượng không có giao kết hợp đồng lao động. Theo quy định, nhóm đối tượng này nếu gặp khó khăn, có nhu cầu hỗ trợ thì kê khai theo mẫu gửi UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú hợp pháp (có tên trong sổ hộ khẩu, hoặc sổ tạm trú). UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm xác định ai kê khai đúng, ai kê khai sai. Tuy nhiên, cơ sở để xác minh lời khai của nhóm đối tượng này khá lỏng lẻo, vì đa phần những người này hoạt động nghề nghiệp thời vụ, không có đơn vị quản lý về công việc, nên rất khó nắm bắt. Vì thế, nếu không làm tốt việc rà soát rất dễ dẫn tới việc bỏ sót đối tượng thụ hưởng, hoặc có thể bị người khác lợi dụng, trục lợi chính sách.
 
Để hạn chế trường hợp này, theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Trần Hòa, thì cần phát huy vai trò giám sát của người dân. Đó là sau khi rà roát, thống kê danh sách người nhận hỗ trợ, cán bộ cơ sở cần công khai, minh bạch thông tin rộng rãi và niêm yết danh sách ở tổ dân phố, thôn, xóm nơi đối tượng sinh sống để cộng đồng dân cư dễ dàng nắm bắt, theo dõi, giám sát.
 
“Giám sát của người dân ở khu dân cư sẽ đảm bảo tính khách quan, đúng đối tượng và công bằng nhất, đồng thời tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân. Không chỉ vậy, qua việc nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân, Trưởng ban Công tác Mặt trận có thể phản ánh ngay những vướng mắc, bất cập (nếu có) với Chủ tịch UBND và Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt nam cấp xã để có hướng xử lý phù hợp”, ông Hòa nói.
 
Bài, ảnh: XUÂN HIẾU
 
 

.