Các thôn, tổ dân phố: Đổi mới để nâng cao hiệu quả hoạt động

08:10, 22/10/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Nhiều địa phương trong tỉnh đang tập trung thực hiện chủ trương sáp nhập thôn, tổ dân phố. Đây là bước đi cần thiết nhằm đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả.
TIN LIÊN QUAN

Ổn định sau sáp nhập

Thành phố Quảng Ngãi là địa phương có số lượng thôn, tổ dân phố (TDP) nhiều nhất tỉnh, với 241 thôn, TDP ở 23 xã, phường. Thực tế cho thấy có không ít thôn, TDP hoạt động chưa thực sự hiệu quả, bộ máy cồng kềnh. TP.Quảng Ngãi đã triển khai đề án sáp nhập, đổi tên 167 thôn, TDP tại 11 xã, phường không đủ điều kiện về diện tích, quy mô dân số sáp nhập với các thôn, TDP khác. Sau sáp nhập, toàn thành phố giảm còn 139 thôn, TDP. Đến nay, việc sáp nhập đã hoàn thành.
Đường về thôn Phú Thuận, xã Nghĩa Thuận (Tư Nghĩa).                         Ảnh: TRƯỜNG AN
Đường về thôn Phú Thuận, xã Nghĩa Thuận (Tư Nghĩa). Ảnh: TRƯỜNG AN
Tổ trưởng TDP 2, phường Nghĩa Chánh, Vương Đình Long cho biết: Sau khi sáp nhập TDP 3, 4 thành TDP 2, thì số hộ tăng lên 500 hộ, địa bàn rộng, số lượng cán bộ một số hội đoàn thể giảm; tổ trưởng TDP kiêm trưởng ban công tác Mặt trận. Công việc nhiều, nhưng tôi sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Nghị định 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 25.6.2019, quy định: Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố là bí thư chi bộ; trưởng thôn hoặc tổ trưởng tổ dân phố và trưởng ban công tác Mặt trận được hưởng phụ cấp hằng tháng bằng 3 lần mức lương cơ sở. Đối với các thôn có từ 350 hộ gia đình trở lên, thôn thuộc xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, thôn thuộc xã biên giới hoặc hải đảo được khoán quỹ phụ cấp bằng 5 lần mức lương cơ sở.

Tại phường Lê Hồng Phong (TP.Quảng Ngãi), từ 14 TDP sau  sáp nhập giảm còn 6 TDP. Phường phân chia địa giới hành chính các TDP theo các tuyến đường để thuận tiện cho việc quản lý.

Bí thư Đảng ủy phường Lê Hồng Phong Nguyễn Ngọc Nam cho biết: Các TDP sau khi sáp nhập đã đi vào hoạt động ổn định. Trên địa bàn phường hiện có 3 tổ trưởng TDP lâm thời chưa là đảng viên, nên Đảng ủy phường đã chỉ đạo các chi bộ triển khai làm công tác nhân sự để bầu tổ trưởng TDP vào cuối năm nay.

Theo Trưởng cơ quan Tổ chức - Nội vụ TP.Quảng Ngãi Võ Thành Vĩnh, việc sáp nhập thôn, TDP nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền cấp xã, phường theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII).

Để thực hiện chủ trương này, TP.Quảng Ngãi đã có những bước đi phù hợp, đảm bảo tính ổn định, thống nhất. Việc sáp nhập sẽ nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy; hiệu lực quản lý, điều hành của chính quyền cấp xã và hoạt động của MTTQ, các đoàn thể sẽ hiệu quả hơn.

Nỗ lực vì lợi ích người dân  

Toàn huyện Tư Nghĩa có 82 thôn, TDP. Theo đề án, huyện đã tiến hành sáp nhập 6 thôn thành 3 thôn. Sau sáp nhập, các thôn nhanh chóng đi vào hoạt động ổn định.

Trưởng thôn lâm thời thôn 1, xã Nghĩa Lâm, Võ Tuấn cho hay: Diện tích, dân số thôn 1 tăng gấp đôi so với trước, với hơn 580 hộ dân. Tập quán sinh sống và sản xuất của người dân ở hai thôn khác nhau, do vậy sẽ gặp không ít khó khăn trong triển khai hoạt động chung của thôn. Hiện nay, thôn đang tiến hành các thủ tục để chỉnh sửa giấy tờ, làm lại hộ khẩu, giấy chứng minh... cho người dân thôn 5 cũ.

Tại xã Nghĩa Thuận, hai thôn Phú Thuận và Phú Thuận Tây cũng đã sáp nhập thành thôn Phú Thuận. Theo Trưởng thôn lâm thời Phú Thuận  Đào Ngọc Phụng, thôn có diện tích tự nhiên lên đến hơn 610ha, dân số gần 380hộ, với gần 1.300 khẩu. Trung tâm ở hai thôn cũ cách nhau khoảng 3km nên mỗi lần hội họp, thôn phải tổ chức họp ở hai nơi. Mỗi cán bộ ở thôn đều phải làm việc gấp đôi so với trước mới mong hoàn thành nhiệm vụ.  

Sau sáp nhập, nhiều tổ dân phố ở phường Lê Hồng Phong (TP.Quảng Ngãi) phải tính toán sử dụng hiệu quả nhà văn hóa để tránh lãng phí.                  Ảnh: BS
Sau sáp nhập, nhiều tổ dân phố ở phường Lê Hồng Phong (TP.Quảng Ngãi) phải tính toán sử dụng hiệu quả nhà văn hóa để tránh lãng phí. Ảnh: BS
Sau khi sáp nhập các thôn, xã Nghĩa Thuận giảm 9 cán bộ thôn và xã Nghĩa Lâm giảm 18 cán bộ thôn. Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lâm Lê Văn Bảy cho rằng: Việc sắp xếp, sáp nhập các thôn đã giảm số lượng người hoạt động không chuyên trách, gắn với nâng cao chất lượng hoạt động ở cơ sở là cần thiết. Tuy nhiên, các cấp, ngành cần có chế độ chính sách phù hợp đối với cán bộ thôn, bởi lẽ khối lượng công việc tăng gấp đôi so với trước khi sáp nhập.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa Bùi Văn Tiến,  đến đầu tháng 10.2019, huyện đã hoàn thành công tác sắp xếp, sáp nhập thôn. Huyện đang tiến hành giải quyết các chế độ, chính sách phụ cấp theo Nghị định mới cho người hoạt động không chuyên trách; sắp xếp, bố trí kinh phí để xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp với thực tế, nhằm tạo thuận lợi để hệ thống chính trị ở cơ sở hoạt động hiệu quả.

NHÓM PV




 

.