Người phụ nữ làm đẹp xóm làng

09:10, 21/10/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tự bỏ công sức và kinh phí để thu gom, xử lý rác thải; kiên trì đến từng hộ gia đình vận động không xả rác ra môi trường... là cách mà 5 phụ nữ trong Ban chủ nhiệm mô hình “Khu dân cư chúng mình xanh, sạch, đẹp” ở thôn Tân Hy 2, xã Bình Đông (Bình Sơn) đã làm để góp phần bảo vệ môi trường thôn, xóm.

Đến thôn Tân Hy 2 bây giờ, ai cũng ấn tượng trước những ngôi nhà khang trang dọc các trục đường bàn cờ vuông vức, rợp bóng cây xanh. Trên các vỉa hè, hay những khoảng đất trống trong khu tái định cư không có rác thải sinh hoạt như nhiều khu dân cư (KDC) khác ở vùng nông thôn.

Đó là kết quả của mô hình “KDC chúng mình xanh, sạch, đẹp” do Chi hội Phụ nữ thôn Tân Hy 2 thực hiện từ năm 2015. Thế nhưng, ít người biết rằng, để có được cảnh quang như vậy, những người phụ nữ trong ban chủ nhiệm đã phải vất vả ra sao.

Bà Phan Thị Thanh Hà (bìa trái) cùng chị em phụ nữ thôn Tây Hy 2, xã Bình Đông (Bình Sơn) gặp gỡ, trao đổi để thực hiện các phong trào.
Bà Phan Thị Thanh Hà (bìa trái) cùng chị em phụ nữ thôn Tây Hy 2, xã Bình Đông (Bình Sơn) gặp gỡ, trao đổi để thực hiện các phong trào.

Đầu tàu thực hiện mô hình là cựu chiến binh Phan Thị Thanh Hà. Được Hội LHPN xã bầu làm chủ nhiệm trong lúc tình hình ô nhiễm môi trường trong thôn rất nghiêm trọng; rác thải vứt bừa bãi hai bên đường; nước thải sinh hoạt trong khu dân cư chảy tràn lan... khiến bà Hà cũng không chắc mình và chị em có khắc phục được tình trạng này không.

"Tôi xác định chìa khóa để thành công là mình phải gương mẫu, đi đầu, chịu khó làm chuyện “bao đồng”. Đầu tiên, tôi đến từng nhà để tìm hiểu thái độ của người dân về thực trạng rác thải tràn lan trong thôn, xóm, rồi tìm hiểu nguyên nhân. Sau đó, tôi cùng 4 chị em trong Ban chủ nhiệm cùng đến các bãi rác tự phát trong khu dân cư thu gom, xử lý. Lúc đầu, chúng tôi phải dùng tiền túi để mua xăng, dầu đốt rác. Sợ nhất là mùa mưa, rác thải rất khó xử lý, nhưng chúng tôi vẫn kiên trì", bà Hà bày tỏ.

Cùng với làm việc không công ấy, bà Hà và các thành viên trong Ban chủ nhiệm kiên trì tuyên truyền, vận động người dân trong thôn tự xử lý rác trong nhà mình và thay đổi thói quen xả rác bừa bãi. Ban chủ nhiệm còn kiến nghị với chính quyền xã đề nghị Công ty Môi trường Lilama thu gom, xử lý rác cho thôn. Đến nay, đường làng ngõ xóm đã sạch sẽ.

Thành công của mô hình mang lại không chỉ là môi trường sạch đẹp, mà mỗi hộ dân đã ý thức được việc phân loại rác thải tại nhà, tập kết đúng nơi quy định, thu gom vỏ lon, chai nhựa cho Chi hội phụ nữ thôn bán lấy tiền mua gạo tặng cho các hộ nghèo, neo đơn trong thôn...

Chị Phạm Thị Mãi, một người dân trong thôn cho biết: "Khi thấy các chị vất vả đi giải quyết ô nhiễm môi trường do người khác gây ra mình thấy cũng chạnh lòng. Mỗi người cùng chung tay tự xử lý rác thải tại nhà mình, thì chị em khác không phải cực khổ". 

Không chỉ đi đầu trong bảo vệ môi trường, bà Hà còn được người dân địa phương rất quý mến bởi tấm lòng nhân ái. Từ năm 2016 đến nay, dù người chồng bị tai biến, nhưng từ đồng lương hưu của hai vợ chồng, bà nhận hỗ trợ một cụ bà neo đơn trong thôn 10kg gạo mỗi tháng và mua sắm các vật dụng thiết yếu. Ngoài ra, mỗi năm hai lần, bà Hà còn dùng tiền dành dụm được tổ chức “bữa sáng cho người già” cho các cụ già khó khăn trong thôn.


Bài, ảnh: X.THIÊN


 

.