Gương sáng vùng cao

03:10, 19/10/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Không chỉ biết chăm lo cho cuộc sống gia đình ngày càng tốt hơn, mà họ còn tích cực tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương... Họ là những đóa hoa luôn tỏa hương thơm giữa đại ngàn.

TIN LIÊN QUAN

Bà Đinh Thị Hú, ở thôn Hà Bắc, xã Sơn Hạ (Sơn Hà): Nữ già làng tận tụy

 Nữ già làng Đinh Thị Hú (1957) dân tộc Hrê, ở thôn Hà Bắc, xã Sơn Hạ (Sơn Hà) luôn được người dân trong làng yêu mến bởi sự nhiệt tình mà bà dành cho quê hương Sơn Hạ. Già Hú đã đem những hiểu biết của mình để tuyên truyền, giúp người dân hiểu và đồng lòng thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là chủ trương xây dựng nông thôn mới.

Trong các năm 2017 và 2019, già Hú đã vận động người dân hiến đất, cây cối, hoa màu, đóng góp hàng trăm triệu đồng, gần 1.000 ngày công để cùng Nhà nước xây dựng mới, sửa chữa nhiều tuyến đường giao thông, với tổng chiều dài hơn 3.000m. Già Hú còn tích cực động viên người dân trong làng hăng say lao động, không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, phấn đấu vươn lên thoát nghèo bền vững. Hằng năm, thôn Hà Bắc có từ 7-10 hộ thoát nghèo. Các hộ dân trong thôn đều tích cực tăng gia sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, cho con ăn học; xóa bỏ tập tục lạc hậu, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc; không nghe theo những tin đồn, luận điệu xuyên tạc, sai trái của kẻ xấu...

Anh Đinh Văn Sinh, ở xã Sơn Tinh (Sơn Tây): Quyết tâm làm giàu cho gia đình và quê hương

Năm 2015, được sự giúp đỡ của chính quyền, anh Đinh Văn Sinh (1985), dân tộc Ca Dong, xã Sơn Tinh (Sơn Tây) đã đầu tư vốn để trồng thí điểm cây măng tây. Ban đầu cây phát triển rất tốt, nhưng sau một thời gian, do khí hậu, thổ nhưỡng không phù hợp, nên cây chết dần. Không nản chí, sau đó anh Sinh tiếp tục vay vốn đầu tư trồng rừng, trồng bưởi, chôm chôm, keo, cau, lồ ô, mì và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đến nay, gia đình anh Sinh đã trồng được 15ha keo, 3ha mì, 1ha cau, 1ha hoa màu phụ và trồng cỏ voi.

Ngoài ra, anh còn nuôi 5 con trâu, 10 con bò, 50 con heo ky, 300 con vịt, gà thả vườn và làm thêm 3 sào ruộng lúa nước. Từ năm 2015 đến nay, gia đình anh Sinh có thu nhập bình quân hơn 100 triệu đồng/năm. Riêng năm 2018 và 2019, gia đình anh Sinh có thêm nguồn thu từ bán heo ky khoảng 70 - 80 triệu đồng/năm. Gia đình anh Sinh đã tạo việc làm thường xuyên cho hơn 30 lao động tại địa phương; thường xuyên giúp đỡ kinh phí, cây, con giống cho 10 hộ nghèo, gia đình gặp khó khăn; đồng thời hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt để họ tự vươn lên thoát nghèo.

Ông Hồ Văn An, ở thôn 2, xã Trà Thủy (Trà Bồng): Người giữ gìn, truyền bá văn hóa truyền thống của dân tộc Cor

Ông Hồ Văn An (1958), dân tộc Cor, ở thôn 2, xã Trà Thủy (Trà Bồng) là người quá đỗi quen thuộc với cộng đồng các dân tộc trong và ngoài tỉnh. Ông đã góp sức lớn trong việc giữ gìn, truyền dạy cồng chiêng, các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc như: Xà ru, a giới, cà lu, cà cheo, a lát; truyền dạy các thể loại nhạc cụ khác như: Đàn vơ ró, sáo tờ lía, sáo a máp, nghệ thuật điêu khắc trên cây nêu và cây gurbla...

Ông Hồ Văn An là hạt nhân không thể thiếu mỗi khi Đội cồng chiêng người Cor tham gia biểu diễn tại các lễ hội, hay trong các cuộc giao lưu văn hoá giữa huyện Trà Bồng với các huyện miền núi các tỉnh Quảng Nam, Nghệ An... Ông đã cùng đội cồng chiêng tham gia tiết mục Đấu chiêng biểu diễn tại Seoul - Hàn Quốc. Vừa qua, cồng chiêng dân tộc Cor được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của ông Hồ Văn An.
 
THANH HUYỀN

 

.