Gương sáng già làng ở Nước Tang

05:08, 25/08/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong chiến tranh, già Đinh Văn Canh ở thôn Nước Tang, xã Sơn Bua (Sơn Tây) xung phong cầm súng ra chiến trường. Khi đất nước hòa bình, ông lại ra sức xây dựng quê hương, hướng dẫn bà con vùng cao tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế.

Đã gần 80 tuổi, nhưng ông Đinh Văn Canh vẫn còn khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Trong mảnh vườn màu mỡ, ông trồng từ rau thơm, rau muống, rau ngót đến bí đỏ, bí đao, mướp và các loại cây ăn quả, như bưởi, cam, bơ... Già Canh cho biết: "Tôi trồng rau, cây trái trong vườn từ trước giờ và có nuôi thêm heo, gà, đào ao nuôi cá. Rau và vật nuôi trong nhà không chỉ cung cấp đủ thức ăn cho gia đình mà còn có thêm thu nhập".

 

 Già Canh với vườn bưởi da xanh của mình.
Già Canh với vườn bưởi da xanh của mình.


Già Canh kể, năm 23 tuổi ông đã tham gia chiến đấu, mở đường, vận chuyển lương thực... Hơn 10 năm trực tiếp tham gia kháng chiến, ông luôn vượt qua khó khăn thử thách để hoàn thành nhiệm vụ. Sau ngày giải phóng, trở về với cuộc sống đời thường, ông cần cù sản xuất và lo cho cuộc sống của người dân trong khu dân cư.

Từ 1996- 2006, già Canh là Trưởng Khu dân cư Nước Tang; năm 2010-2017, ông là Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh. Cùng với nhiệm vụ ở địa phương và cũng là già làng uy tín của huyện Sơn Tây, già Canh luôn ra sức tuyên truyền, vận động bà con xây dựng đời sống văn hóa, khuyên bảo con em siêng năng đến trường và bài trừ những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan. Ở thôn xóm có xảy ra chuyện bất hòa, mâu thuẫn, thì ngay lập tức già Canh cùng cán bộ địa phương đến tận nơi hòa giải, phân tích đúng sai cho bà con hiểu, từ đó thắt chặt hơn tình làng, nghĩa xóm.

Không chỉ làm tốt công tác dân vận, hòa giải trong thôn, già Canh còn là một trong những người đi đầu trong phát triển kinh tế ở xã Sơn Bua. Già thường xuyên hướng dẫn bà con trồng trọt, chăn nuôi để phát triển kinh tế. Già Canh chia sẻ: "Kinh tế có phát triển, cái bụng no, thì con em mới học tốt, đời sống mới nâng cao được! Vậy nên, nhà tôi trồng được cây gì, nuôi con gì, thì tôi hướng dẫn cho bà con làm theo".

Để có mô hình kinh tế đa dạng, già Canh mất nhiều thời gian tìm hiểu, cần cù canh tác. "Nuôi heo, gà thì phải biết làm chuồng. Đất trong vườn thì phải biết vun xới, lên luống, làm giàn để trồng rau. Mỗi khi nghe có loại cây trồng, vật nuôi nào mới là tôi đi tìm hiểu, học hỏi rồi mua giống về sản xuất”, già Canh cho biết.

Ở Nước Tang, gia đình của già Canh là hộ đầu tiên của thôn thoát khỏi diện nghèo. Thu nhập từ nhiều nguồn giúp kinh tế gia đình già ngày càng phát triển. Học hỏi theo cách làm của già Canh, nhiều bà con đồng bào Ca Dong ở thôn Nước Tang đã biết tăng gia sản xuất, nuôi thêm vật nuôi và trồng rau màu, cây ăn quả góp phần tăng thu nhập.


 Bài, ảnh: HIỀN THU


 


.