Giao thừa Ất tỵ 29/01/2025

Gìn giữ, phát huy giá trị Tết cổ truyền

09:02, 13/01/2025
.

Tết và các phong tục của Tết đã ra đời cả nghìn năm trước, với xuất phát điểm từ một xã hội nông nghiệp. Cùng với sự vận động, phát triển của xã hội, lối sống, nhu cầu của từng cá nhân, gia đình cũng có nhiều thay đổi. Bởi thế cách gìn giữ, lan tỏa giá trị của Tết chính là đi tìm sự thích ứng, hài hòa để những nét đẹp văn hóa truyền thống được nối dài và tiếp tục phát huy trong xã hội hiện đại. 

 

Tết không chỉ là dịp mừng đón mùa xuân mới mà còn là dịp sum họp, mong ai cũng được đủ đầy hạnh phúc. 
Tết không chỉ là dịp mừng đón mùa xuân mới mà còn là dịp sum họp, mong ai cũng được đủ đầy hạnh phúc. 

Từ xa xưa, Tết Nguyên đán được mệnh danh là "Tết cả", là cái Tết quan trọng nhất của người Việt. Theo quan niệm của nhiều người, Tết cũng là dịp khép lại những điều không may mắn của năm cũ, và bắt đầu một hành trình mới, với những kỳ vọng mới, xung lực mới, thể hiện rõ nét qua những lời chúc Tết mọi người trao cho nhau, cũng như những dự định, mục tiêu mà mỗi người tự đặt ra cho bản thân khi bước vào xuân mới. Tết cũng là dịp gia đình quây quần, tăng cường kết nối với họ hàng, xóm giềng, sống lại những phong tục, tập quán truyền thống...

Tuy nhiên nếu như giai đoạn trước bà con ta thường đón Tết Nguyên đán với tâm thế háo hức, mong chờ thì gần đây nhiều người bắt đầu cảm thấy áp lực mỗi khi Tết đến. Tâm lý "ngại" Tết, thậm chí chán, hay "trốn" Tết là khá phổ biến. Như hình ảnh mâm cơm ngày Tết vốn thân thuộc với mỗi người tuy nhiên những năm gần đây, hình ảnh này lại dấy lên nỗi "sợ" đối với nhiều người. Theo dõi những năm gần đây có thể thấy hầu như mỗi năm đều có những phát ngôn tạo thành trào lưu thể hiện xu hướng kém mặn mà với Tết. Việc "sợ" Tết dẫn đến nhiều phản ứng khác nhau trong đó hành động khá phổ biến với nhiều người, nhất là tại khu vực đô thị là đi "trốn" Tết thông qua các tour du lịch. Thậm chí nhiều người khởi hành ngay từ tối 30 mà không đón giao thừa tại nhà - dù đây là một phong tục có ý nghĩa vô cùng quan trọng với người Việt. Khởi đầu của xu hướng này là giới trẻ, nhưng hiện giờ, "trốn" Tết bằng du lịch còn lan sang cả những người trung niên. Nhu cầu đi du lịch Tết ngày càng gia tăng, nhất là trong khoảng dăm năm trở lại đây.

Phải thừa nhận một thực tế rằng, việc "sợ" Tết không phải không có lý do chính đáng. Cuộc sống ngày nay áp lực hơn xưa rất nhiều. Lượng công việc, lượng thông tin mỗi ngày người ta phải tiếp nhận, xử lý là rất lớn. Biểu hiện rõ rệt nhất là chứng stress dần trở nên phổ biến với nhiều người - điều mà vài chục năm trước còn tương đối xa lạ.

Tết đến người ta phải đối mặt với hàng núi công việc: Trang trí nhà cửa; mua sắm đồ trang trí, thực phẩm, bánh kẹo; tính toán các món ăn; đi chỗ nọ, chạy chỗ kia để tặng quà cho người thân, gia đình, họ hàng… Ngay cả những người có điều kiện kinh tế dư dả cũng ngần ngại trước "núi công việc" này. Với những người làm công, ăn lương, lao động tự do thì đây còn là một áp lực về tài chính, đặc biệt những người phải làm ăn xa lo về quê đón Tết. Những ngày trước Tết nhiều người phải chạy "sô" cật lực để sắm sửa cho Tết được đủ đầy. Từ Rằm tháng Chạp đến sát 30 Tết, tại nhiều tuyến đường ở những thành phố lớn, nhất là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đều ùn tắc nghiêm trọng vì nhu cầu đi lại, mua sắm, làm việc tăng một cách đột biến.

Sau quá trình chuẩn bị tốn nhiều thời gian, công sức thì vấn đề tiếp theo là các thủ tục trong ngày Tết. Như việc ghé thăm họ hàng, láng giềng để chúc Tết, nếu không chu đáo rất có thể nảy sinh trách móc. Hoặc việc bày biện các mâm cỗ cho ba ngày Tết khá cách rách. Đồng thời việc ăn uống trong ngày Tết cũng là vấn đề khiến nhiều người ái ngại. Kỳ nghỉ Tết là kỳ nghỉ dài nhất trong năm, nhưng đón Tết xong, hầu như nhiều người, nhất là các bà nội trợ luôn thấy mệt nhoài. Về bản chất, nhiều người không "sợ" Tết, mà sợ những thủ tục trong ngày Tết. Vì vậy có người chọn đi du lịch để né tránh những thủ tục này, đồng thời dành nhiều thời gian cho gia đình và bản thân được tận hưởng kỳ nghỉ dài hiếm hoi trong năm một cách ý nghĩa.

Tết là sản phẩm của xã hội nông nghiệp lúa nước, là điểm khởi đầu của một chu kỳ thời gian mới, kèm theo đó là chu kỳ lao động, sản xuất. Trước kia, đời sống kinh tế khó khăn, việc ăn uống rất được chú trọng. Câu cửa miệng của phần đông người Việt lâu nay là "ăn Tết", phải "no ba ngày Tết". Dù du xuân cũng là một bộ phận quan trọng của Tết, nhưng "ăn Tết" vẫn là số một. Về bối cảnh xã hội, ngoài những tập quán của một xã hội nông nghiệp, Tết ra đời, rồi phát triển cùng với nền tảng đạo đức xã hội Nho giáo, nơi mà mỗi cá nhân buộc phải hòa mình vào cộng đồng.

Tết cũng là dịp củng cố lại các mối quan hệ, nhất là quan hệ gia đình, tộc họ. Người ta tặng quà, thăm nom, đi chúc Tết người thân. Tuy nhiên, xã hội ngày nay đã bước vào thời đại công nghiệp hóa, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã len lỏi đến mọi ngóc ngách của cuộc sống. Cả nền tảng sản xuất, bối cảnh xã hội ngày nay so với vài chục năm trước đã có nhiều đổi thay. Điều đó tất yếu kéo theo những thay đổi về quan niệm, lối sống, tập quán. Trong xã hội hiện đại, ý thức cá nhân ngày càng được đề cao hơn, sở thích của mỗi cá nhân được tôn trọng hơn. Đối với quan hệ gia đình, trước kia, nền sản xuất tiểu nông khiến người ta phải nương tựa nhau cho nên ngoài gia đình hạt nhân thì tộc họ, hàng xóm, láng giềng có ý nghĩa quan trọng hơn. Ngày nay, nhiều người chú trọng đến gia đình nhỏ, gồm ông bà, bố mẹ và con cái. Khi nhìn nhận một cách có chiều sâu như thế, chúng ta sẽ nhận thấy, những thay đổi trong quan niệm, cách thức đón Tết xảy ra là một tất yếu của lịch sử. Đặc biệt, không thể ép các cá nhân vào khuôn mẫu nhất định trong việc đón Tết như xưa. Thay vào đó, chúng ta cần tìm về những giá trị cốt lõi của Tết, chắt lọc những gì tinh túy nhất, là hồn cốt của văn hóa dân tộc.

Sau một năm làm việc vất vả, đa số người dân có nhu cầu được nghỉ ngơi, nạp lại năng lượng cho một chu kỳ mới. Bởi thế, mỗi người sẽ có sự điều chỉnh việc đón Tết cho phù hợp với văn hóa truyền thống, đồng thời đáp ứng được nguyện vọng của cá nhân và gia đình mình. Hình ảnh cả đoàn người rồng rắn đi chúc Tết như những năm tháng cũ thiết nghĩ chỉ nên giữ làm những kỷ niệm đẹp, tránh tạo áp lực trong cuộc sống hiện đại. Tết là dịp kết nối lại các quan hệ gia đình, họ tộc. Tuy nhiên, chúng ta có nhiều phương thức, phương tiện để củng cố các quan hệ đó. Thí dụ ông bà, cha mẹ có thể giáo dục, giảng giải cho con cái về các mối quan hệ gia đình, dòng họ trong cuộc sống hằng ngày, để lớp trẻ hiểu, trân trọng những mối quan hệ đó thay vì ép con cái tuân theo các quy định một cách cứng nhắc. Khi hiểu, khi trân trọng, tức khắc giới trẻ sẽ có cách ứng xử hợp lý.

Đối với việc cỗ bàn, ăn uống - "gánh nặng" lâu nay chủ yếu đặt lên vai người phụ nữ. Trong cuộc sống hiện đại người phụ nữ cần được giải phóng bớt khỏi các công việc gia đình để có thời gian làm đẹp, nghỉ ngơi, vui chơi, thăm thú thay vì cả cái Tết phải loanh quanh trong bếp chuẩn bị ăn uống, cỗ bàn. Bên cạnh đó, ngoài một số món ăn truyền thống, phải thừa nhận một thực tế rằng, trong thời đại ngày nay, bản thân mâm cơm của mỗi gia đình cũng dần được "quốc tế hóa".

Người ta có thể lựa chọn chế biến những món canh măng, canh bóng, nem rán… theo cách ăn Tết của người Hà Nội hay những món "tủ" của các vùng miền một cách cầu kỳ nếu đó là sở thích; nhưng cũng cần cởi mở nếu có người lựa chọn những món ăn đa dạng, phù hợp với sở thích của các thành viên trong gia đình trong ngày đầu xuân năm mới. Đối với bản thân mỗi người, mỗi gia đình hạt nhân, thay vì đặt áp lực phải làm việc nọ, việc kia, thí dụ như phải trang trí nhà cửa để đón Tết, thì cũng nên coi đó là dịp để dọn dẹp, để "làm mới" không gian sinh sống của mình cho sạch hơn, đẹp hơn. Việc tự cởi bỏ, giúp nhau cởi bỏ những áp lực sẽ giúp chúng ta có tâm thế nhẹ nhõm, thoải mái hơn khi Tết đến.

Không nên áp đặt một công thức chung cho việc đón Tết cổ truyền cho mọi gia đình, thay vào đó mỗi cá nhân, mỗi ngôi nhà sẽ có những cách thức khác nhau. Khi cuộc sống ngày càng có nhiều sự vận động, thay đổi thì chúng ta cũng cần tìm sự thích ứng trên cơ sở cân bằng giữa hiện đại với truyền thống, giữa quan niệm đến từ quá khứ và những thay đổi trong nếp sống mới, để vừa lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống, vừa phát huy, sáng tạo những giá trị đó phù hợp với cuộc sống ngày nay. Những lễ nghi, phong tục do con người đặt ra trong ngày Tết không phải là bất biến. Trong chiều sâu tâm thức Việt, Tết là dịp người ta tri ân nguồn cội, gắn bó với nét văn hóa xưa. Tết là dịp để những thành viên trong gia đình gắn bó với nhau hơn.

Tết là dịp khởi đầu một chu trình mà ta mong muốn bản thân, mong muốn mọi người sẽ có khởi đầu tốt đẹp, một năm mới hạnh phúc đủ đầy - điều ấy đồng nghĩa với việc người ta không chỉ nghĩ riêng về mình nữa, mà mở lòng, suy nghĩ rộng hơn mong cho mọi người, trước hết là gia đình, người thân rồi đến bạn bè, đồng nghiệp những điều tốt đẹp thông qua những lời chúc đầu năm. Lễ nghi, tập tục thực ra vẫn là cái "vỏ". Phần quan trọng nhất vẫn là cái tâm của mỗi người. Điều đó hình thành qua năm tháng giáo dục trong gia đình, trong nhà trường, để hình thành nên nhân cách, nên nếp ứng xử với gia đình, họ hàng, rồi cộng đồng, quê hương, đất nước, chứ không phải là những điều bó buộc phải làm trong mấy ngày Tết. Nếu làm tốt được điều đó, sẽ giúp chúng ta vượt qua "bệnh hình thức", đang làm nhiều người "sợ" Tết. Khi ấy, tự thân người ta sẽ có những cuộc "hành hương" về với nguồn cội từ trong tâm mình.

Theo Nhandan.vn

   

Xuất bản lúc: 09:02, 13/01/2025