Giao thừa Ất tỵ 29/01/2025

Phong tục cúng đưa rước tổ tiên - Nét đẹp truyền thống của Tết Việt

19:57, 25/01/2025
.

(Baoquangngai.vn)- Thờ cúng tổ tiên là nét đẹp văn hóa của người Việt xưa và nay. Trong đó, phong tục thờ cúng và đưa rước tổ tiên ngày Tết là một nghi thức tâm linh, thấm đượm tính nhân văn và đạo lý. Nó như sợi dây kết nối giữa quá khứ với hiện tại ở mỗi nếp nhà vào dịp đầu năm mới.
 
Khi những cánh hoa mai, hoa đào hé nụ bừng sắc vàng báo xuân về, Tết đến cũng là dịp mọi người gác lại những lo toan bộn bề sau một năm lao động để chuẩn bị đón chào mùa xuân mới. 

Mâm cúng cho ông bà tổ tiên trong những ngày Tết được các gia đình chuẩn bị rất chu đáo, tươm tất.
Mâm cúng cho ông bà tổ tiên trong những ngày Tết được các gia đình chuẩn bị rất chu đáo, tươm tất.

Cùng với những công việc để chăm lo cho một cái Tết tươm tất, dịp này, mọi nhà đều tất bất lau dọn nhà cửa, sửa soạn, trang trí lại nơi thờ cúng, lau chùi khung ảnh, thay cát lư hương, bỏ bớt chân hương (nhang), nhà nào có lư đồng thì mang đến thợ đánh bóng cho sạch đẹp… Cũng vì thế, bàn thờ ngày Tết trở thành trung tâm của ngôi nhà, trở thành góc xuân rực rỡ và thiêng liêng hơn cả.
 
Theo các bậc cao niên, trong quan niệm dân gian, mặc dù ông bà đã mất nhưng linh hồn vẫn “còn sống” về phù hộ cho con cháu mạnh khỏe, làm ăn phát đạt. “Sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn”, nên những dịp lễ Tết, người ta hay mời gia tiên về ăn Tết cùng con cháu. Đó là sợi dây vô hình nối giữa người còn sống và người đã mất.
 
Đi tảo mộ cũng là một nghi lễ trong phong tục rước ông bà về ăn Tết. Thông thường, từ ngày 23 đến ngày 30 tháng Chạp (hoặc ngày 29 đối với những năm tháng Chạp thiếu), con cháu trong gia đình sẽ chọn một ngày thích hợp để đi tảo mộ, dọn dẹp trang trí lại phần mộ ông bà tổ tiên. Họ thường mang theo trái cây, nhang đèn để thắp hương và mời ông bà về nhà mình ăn Tết.
 
Khi mọi công đoạn dọn dẹp chuẩn bị đón Tết gần như hoàn thành, nhà nhà bắt đầu tổ chức lễ cúng rước ông bà. Tùy theo từng vùng miền và mỗi nhà mà thời gian tổ chức lễ cúng cũng như các nghi lễ khác nhau, nhưng theo truyền thống từ xưa đến nay ở quê mình, lễ “thỉnh” ông bà thường tổ chức vào buổi trưa hoặc buổi xế chiều cuối năm. Sau khi mọi lễ vật được chuẩn bị đầy đủ, gia chủ hoặc người lớn tuổi nhất trong gia đình bắt đầu thủ lễ, dâng hương, vái lạy, rót rượu mời ông bà cùng về chung vui với con cháu trong những ngày Tết. 
 
Đây cũng là dịp để gia chủ báo cáo trước ông bà tổ tiên về những việc làm, thành quả lao động trong cả một năm, thành kính báo cáo với các bậc tiền nhân. Sau khi cúng xong gọi là tàn nhang, mâm cơm cúng cuối năm dọn xuống, các thành viên trong gia đình quây quần, sum vầy bên mâm cơm tất niên. 
 
Sau khi rước tổ tiên về vui Tết thì con cháu xem như tổ tiên hiện đang ở trong nhà, trên bàn thờ lúc nào cũng có trà, nước, đèn nhang nghi ngút. Với quan niệm “Sống sao thác vậy” nên trong suốt ba ngày Tết, hàng ngày con cháu đều dâng lễ, làm cơm cúng tổ tiên rất chu đáo. Đặc biệt là mâm cơm cúng ngày Tết được tổ chức nấu nướng và bày biện công phu.
 
“Tùy từng vùng miền, hoàn cảnh kinh tế của mỗi gia đình mà các mâm cỗ cúng lớn nhỏ khác nhau. Tuy nhiên, dù bình dân hay khá giả, gia đình nào cũng cố gắng sắm sửa làm mâm cơm cúng trong những ngày Tết cho ông bà đủ đầy nhất có thể. Ngoài những món truyền thống như: Bánh, trái cây, bánh tét, thịt cá, chả… có người còn chuẩn bị những món ăn mà lúc sinh thời, người đã khuất rất yêu thích để bày biện trong mâm cúng”, ông Biền chia sẻ. 
 
Lễ cúng gia tiên trong ngày Tết hoàn thành khi làm lễ hóa vàng tiễn đưa gia tiên (cúng tạ) vào ngày mùng 3 Tết. Thông thường lễ cúng tạ được tiến hành vào buổi trưa hoặc chiều mùng 3. Đặc biệt, trong lễ cúng tạ, ngoài mâm cúng với đồ ăn, trà, rượu, tiền bạc, áo quần… con cháu còn “gửi” theo cho ông bà rất nhiều gạo, muối, bánh… với mong muốn ông bà, tổ tiên “về cõi âm” được đủ đầy và phù hộ, độ trì cho gia đình được an khang, hạnh phúc trong năm mới. Sau lễ cúng tạ, đưa tiễn ông bà về cõi âm, coi như là hết Tết, gia chủ bắt đầu một năm mới với niềm vui hạnh phúc, cầu chúc một năm bình an.
 
Phong tục thờ cúng và đưa rước tổ tiên ngày Tết là một phong tục tâm linh đẹp, ẩn chứa đạo lý sâu xa của dân tộc về việc giáo dục chữ hiếu, nguồn cội cho con cháu, nhắc nhở những ai còn sống phải luôn ghi nhớ về những kỷ niệm, công đức của ông bà.  Đây cũng là nét đẹp giàu tính nhân văn trong văn hóa của người Việt và là niềm tin vào việc gia tiên phù hộ cho con cháu gặp nhiều may mắn bình an vào năm mới.

L.H (th)

     
  

Xuất bản lúc: 19:57, 25/01/2025