Thịt kho tàu ngày Tết thì chắc ai cũng biết, nhưng ý nghĩa thực sự của chữ “tàu” có thể khiến bạn bất ngờ đấy!

14:27, 02/02/2024
.

Hoá ra chữ “tàu” trong tên món thịt kho nổi tiếng thường xuất hiện trong mỗi gia đình dịp Tết lại mang ý nghĩa thú vị thế này!

Cứ nhắc đến dịp Tết cổ truyền của Việt Nam thì một trong những món ăn không thể bỏ qua đầu tiên chính là thịt kho tàu. Món ăn này đặc biệt thường được chế biến để dùng trong các ngày Tết Nguyên đán vì có thể làm sẵn, giữ được lâu ngày, nên tiện khi dùng bữa thì dọn ra ăn ngay với cơm và người nhà không phải bận công nấu nướng trong khi vui Tết.

Thịt kho tàu. Ảnh Internet
Thịt kho tàu. Ảnh Internet

Thịt kho tàu hiểu đơn giản là thịt ba chỉ kho với hột vịt, với phần nước dừa được kho cho đến khi thấm vào từng nguyên liệu. Tuỳ mỗi vùng miền khác nhau mà món ăn "quốc dân" này có những cách biến tấu khác. Tại miền Bắc, món này được nấu không có nước dừa và trứng luộc. Ở một vài tỉnh thuộc miền Trung và miền Nam, món thịt kho hột vịt còn được thêm nguyên liệu là măng tre ăn cho đỡ ngán.

Tết nào cũng quá quen thuộc với nồi thịt kho tàu mẹ nấu là vậy, thế nhưng khi nghe đến 2 chữ "kho tàu" nhiều người chắc hẳn sẽ nghĩ món này được bắt nguồn từ người Hoa (người miền Nam quen gọi là người Tàu). Thế nhưng thực chất những câu chuyện giải thích cho nồi thịt kho tàu ngày Tết lại không phải như vậy.
 

Nguyên liệu chính cho món thịt kho tàu
Nguyên liệu chính cho món thịt kho tàu

Thịt kho tàu được nhiều người truyền tai nhau rằng ngày xa xưa, khi các tàu thuyền ra khơi, người ta thường nấu một nồi thịt kho có thể ăn được nhiều ngày khi lênh đênh trên tàu. Thế nên người ta đặt tên cho món thịt này là "thịt kho tàu".

Còn theo như cách giải thích của nhiều chuyên gia văn hóa trong đó có nhà văn Bình Nguyên Lộc, chữ "tàu" trong văn hóa miền Tây có nghĩa là "mặn ngọt lờ lợ". Những dòng sông nước lờ lợ như sông Cái ở phía trên thì dân Nam Bộ gọi là sông Cái Tàu Thượng, sông Cái ở phía dưới gọi là sông Cái Tàu hạ, sông Lòng ở Cần Giờ thì gọi là sông Lòng Tàu vì những sông này đều có nước lờ lợ.

Như vậy có thể hiểu món "thịt kho tàu" của người dân Nam Bộ chính xác là thịt kho có vị ngòn ngọt, mằn mặn. Bởi tính chất lờ lợ khi được nấu cùng nước dừa (ngọt) và các gia vị mặn (nước mắm) mà món thịt kho có thể ăn liên tục nhiều ngày vào dịp Tết khi chợ truyền thống vẫn chưa mở trở lại.

Ảnh minh họa - Internet
Ảnh minh họa - Internet

Nấu thịt kho tàu không khó, nhưng để nấu ngon thì cũng chẳng dễ chút nào. Thịt kho tàu ngày Tết có thể được ăn với nhiều món như cơm trắng, dưa kiệu, dưa giá và phổ biến nhất là cải chua. Nhiều nơi còn thường cuốn chúng với bánh tráng thay vì cơm ăn cho đỡ ngán.

Dù với ý nghĩa được giải thích thế nào đi nữa thì thịt kho tàu luôn được người Việt dùng trong ngày Tết với ý nghĩa mong muốn con cháu sum vầy và tưởng nhớ đến công ơn của những người đi trước. Nếu để ý, bạn sẽ thấy hột vịt trong món ăn này cũng không được xắt ra mà để nguyên cả trứng, ngụ ý một năm mới trọn vẹn và đầy đủ cho gia chủ.

L.H (st)

             

 

Xuất bản lúc: 14:27, 02/02/2024
TỪ KHÓA: thú vị dịp Tết

Ý kiến bạn đọc


.