Giao thừa Ất tỵ 29/01/2025

Tết trong tim người xa xứ

15:43, 17/01/2025
.
(Báo Quảng Ngãi)- Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, nỗi nhớ quê hương, nguồn cội của những người con xa xứ, sinh sống ở nước ngoài càng thêm da diết. Vậy nên, dù bận rộn thế nào, ngày Tết vẫn là dịp để họ quây quần bên nhau trang trí nhà cửa, gói bánh, chuẩn bị mâm cơm tất niên và các món ăn thuần Việt...

Giữ gìn Tết cổ truyền

Đây là năm thứ 8, chị Nguyễn Lê Thủy Chung, quê ở TP.Quảng Ngãi, ăn Tết cổ truyền Việt Nam trên đất Pháp. Chị Chung định cư tại Pháp từ năm 2017, sinh sống tại TP.Toulouse. Hiện nay, chị là nhân viên kinh doanh tại một siêu thị Châu Á ở thành phố này. Dù rất nhớ quê hương, nhưng do 2 con còn nhỏ nên suốt 8 năm qua, vợ chồng chị chưa thể về quê để đón Tết cổ truyền dân tộc. Nỗi nhớ cứ đong đầy theo năm tháng, đặc biệt mỗi khi Tết đến, Xuân về.

Gia đình chị Nguyễn Lê Thủy Chung, đang sinh sống ở Pháp, cùng nhau đi chùa của người Việt trong những ngày Tết cổ truyền.                          Ảnh: NVCC
Gia đình chị Nguyễn Lê Thủy Chung, đang sinh sống ở Pháp, cùng nhau đi chùa của người Việt trong những ngày Tết cổ truyền. Ảnh: NVCC

Chính sự thiếu hụt tình quê ấy mà chị Chung luôn gìn giữ những phong tục, tập quán, nét văn hóa truyền thống trong ngày Tết của dân tộc. Vợ chồng chị Chung sắp xếp thời gian đi chợ, mua các loại thực phẩm, trái cây đặc trưng của người Việt, trang trí nhà cửa, gói bánh chưng và bày biện mâm ngũ quả, nấu những bữa cơm đoàn viên... “Khoảng 20 tháng Chạp là gia đình tôi bắt đầu trang trí nhà cửa đón Tết cổ truyền. Tôi hay mua các câu đối, tràng pháo, các loại hoa tươi có màu sắc và cánh hoa giống hoa mai, hoa đào để trang trí nhà cửa. Mâm ngũ quả cũng bày đủ 5 loại trái cây để cầu mong một năm đủ đầy, sung túc. Thời điểm Tết cổ truyền của người Việt, chúng tôi vẫn đi làm bình thường. Thế nhưng, vợ chồng tôi vẫn cố gắng sắp xếp thời gian đi chợ, vào bếp để nấu các món ăn truyền thống như giò thủ, ram, thịt kho, dưa kiệu, dưa cải muối chua... Những ngày Tết, cả nhà sẽ quây quần bên nhau, mừng tuổi, chúc nhau những điều tốt đẹp và điện thoại chúc Tết người thân ở Việt Nam”, chị Chung chia sẻ.

Sau vài năm định cư ở Pháp, vợ chồng chị Chung đã kết nối, giao lưu với một nhóm bạn người Việt ở Toulouse, với hơn 20 gia đình. Không chỉ tự tổ chức đón tết Nguyên đán tại nhà, chị Chung cùng với các gia đình tập trung gói và nấu bánh chưng, bánh tét. Ở xứ người, nhưng không khí gói bánh rất “thuần Việt”, cũng có các công đoạn như rửa, lau lá dong, vo nếp, đãi đậu, cắt, ướp thịt và cùng nhau thức đêm canh nồi bánh. Những ngày Tết, chị Chung sắp xếp thời gian để đưa cha mẹ, các con đi chùa của người Việt để cầu bình an, như là cách để các con hiểu và giữ gìn những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

 
Sinh sống và làm việc ở Nhật Bản đã 10 năm nay, 
nhưng đến ngày Tết cổ truyền của dân tộc, 
chị Nguyễn Thị Thu Thảo lại tự tay vào bếp 
chuẩn bị mâm cơm thuần Việt để mời khách.                                 Ảnh: NVCC
Sinh sống và làm việc ở Nhật Bản đã 10 năm nay, nhưng đến ngày Tết cổ truyền của dân tộc, chị Nguyễn Thị Thu Thảo lại tự tay vào bếp chuẩn bị mâm cơm thuần Việt để mời khách. Ảnh: NVCC

Vì thời gian nghỉ Tết cổ truyền của dân tộc không trùng với lịch nghỉ Tết ở Nhật Bản, nên chị Nguyễn Thị Thu Thảo ít khi về quê Bình Châu (Bình Sơn) để ăn Tết. Vì vậy, chị luôn tự tay chuẩn bị mâm cúng, các món ăn truyền thống và trang trí nhà cửa để đón Tết. Chị Thảo bộc bạch, cũng đã 10 năm sống ở đất nước Mặt trời mọc, dù là lúc còn độc thân hay khi đã lập gia đình, trong những ngày Tết cổ truyền, tôi luôn nhớ về quê hương, nhớ vị Tết ở quê nhà. Dù có bận rộn thế nào, tôi vẫn cố gắng dành thời gian trang trí nhà cửa, đi chợ, nấu các món ăn truyền thống như gói bánh chưng, nấu xôi gấc, làm chả thủ, nem rán, dưa chua, canh khổ qua nhồi thịt... 

“Trong đêm giao thừa, vợ chồng tôi và một số người bạn Việt Nam sẽ quây quần cùng ăn bữa cơm ngày cuối năm và xem chương trình táo quân, chào năm mới. Dù không đầy đủ, trọn vẹn như ở quê hương, nhưng không khí cũng rất ấm cúng, thân tình”, chị Thảo chia sẻ.

Luôn nhớ Tết quê

Định cư ở nước Úc đã hơn 15 năm, nhưng chị Phạm Thị Liêu, quê ở huyện Bình Sơn, vẫn luôn nhớ về Tết cổ truyền của quê hương. Đối với chị, mùi Tết, chợ quê dù có đi đâu và bao lâu vẫn luôn ở trong ký ức, trái tim của chị. 

Cứ vài năm, khi nhớ nhà, nhớ Tết cổ truyền của dân tộc, chị Liêu lại sắp xếp thời gian, công việc để về quê ăn Tết. Bôn ba mưu sinh ở xứ người, đối với chị, chỉ có về quê mới cảm nhận rõ nhất sự bình yên, niềm hạnh phúc. “Tết đối với những người con xa quê như tôi thì thiêng liêng vô cùng. Tết là dịp con cháu, người thân quây quần, là những bữa cơm đoàn viên, là những phút giây lắng đọng nghĩ về nguồn cội, tổ tiên, ông bà... Nhớ về Tết quê, tôi luôn nhắc nhở các con càng phải trân trọng, gìn giữ những giá trị văn hóa của người Việt. Cứ đến cuối năm, các thành viên trong gia đình tôi đều sắm sửa cho mình một vài bộ áo dài thật đẹp để mặc trong ngày Tết”, chị Liêu cho biết.

Xa quê, nhiều người nhận ra rằng, Tết không chỉ nằm ở nghi lễ, món ăn hay cảnh sắc, mà Tết chính là tình thân, hơi ấm của gia đình. Như anh Trần Nguyên Thương, quê ở huyện Mộ Đức, hiện đang học thạc sĩ ở Hàn Quốc. Dù đã quen với cuộc sống ở xứ sở kim chi, nhưng anh Thương vẫn luôn ngóng... Tết. “Tôi còn độc thân nên cứ đến ngày Tết cổ truyền rất nhớ gia đình và thèm được về quê đón Tết. Tôi nhớ những ngày ở quê cùng ba ngắt lá mai để cho hoa kịp ra đúng Tết, phụ mẹ cắt củ kiệu, đu đủ để làm dưa món. Nhớ cả mùi thơm nồng của nồi bánh chưng, mùi đường cháy khi rim mứt gừng, mứt dừa... Ở nơi xa, dù bận rộn học tập và làm việc, nhưng trong trái tim tôi vẫn luôn có hình bóng quê nhà, của người thân đang chờ đợi mình”, anh Thương trải lòng.

Với những người Quảng Ngãi xa xứ, ở nước ngoài học tập, làm việc hay sinh sống, Tết cổ truyền của dân tộc luôn là khoảng thời gian thiêng liêng để hướng về quê nhà, nguồn cội. Bởi thế, dù ở bất cứ phương trời nào, những người con xa quê vẫn luôn gìn giữ các phong tục, nét đẹp văn hóa truyền thống trong ngày Tết và gửi gắm ước mong một năm mới bình an, sum vầy.

KHẢI NAM

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 15:43, 17/01/2025