Giữ nghề truyền thống của quê hương

10:05, 03/05/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tháng 2.2012, vụ hỏa hoạn tại chợ Quảng Ngãi đã làm cho hàng trăm hộ tiểu thương lâm vào cảnh lao đao, nhiều người trắng tay. Trong đó, có nhiều tiểu thương là mối hàng mạch nha của gia đình chị Tạ Thị Kim Long (54 tuổi) ở tổ 8, phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi).

TIN LIÊN QUAN

Sau khi hỏa hoạn xảy ra, hầu hết các tiểu thương không có khả năng thanh toán tiền hàng, nên chị Long lâm vào cảnh khốn khó. Tuy nhiên, chị Long đã không gục ngã trước khó khăn, mà nỗ lực vươn lên gầy dựng lại sự nghiệp...

Làm lại từ đôi bàn tay trắng

Nhớ lại những chuỗi ngày chợ Quảng Ngãi bị cháy, chị Long lại bùi ngùi: Chồng mất sớm, nên cả ba mẹ con đều trông chờ vào nghề nấu mạch nha gia truyền của gia đình. Chợ cháy, đã khiến chị cạn kiệt vốn liếng. Trong lúc gia đình chị gặp khó khăn, Hội LHPN TP.Quảng Ngãi đã sử dụng Quỹ tiết kiệm vì phụ nữ nghèo cho chị vay lãi suất thấp với số tiền 10 triệu đồng. Số vốn tuy không lớn, nhưng kịp thời và hữu ích. Nhờ đó, chị Long lại tiếp tục làm mạch nha, tích cóp những đồng lời ít ỏi để gầy dựng và phát triển kinh tế gia đình.

Chị Long miệt mài gìn giữ nghề truyền thống của gia đình.
Chị Long miệt mài gìn giữ nghề truyền thống của gia đình.


 Hằng ngày, chị thức dậy từ lúc 3 giờ sáng để nấu mạch nha. Công việc kéo dài đến 1 giờ chiều mới hoàn thành. Mỗi ngày chị nấu khoảng 400 lon. Mỗi lon mạch nha có giá từ 6.000-15.000 đồng. Tùy vào dung tích của từng lon mạch nha, mà giá cả có sự chênh lệch nhất định. Sau khi trừ chi phí, chị có thu nhập từ 300-500 nghìn đồng/ngày. Mạch nha của chị được bán đi các nơi trong và ngoài tỉnh.

Đặc biệt, khi “thương hiệu” của gia đình chị được nhiều người biết đến thì ngoài các đại lý, các tiểu thương trong chợ Quảng Ngãi, còn có nhiều tỉnh, thành khác như Huế, Bình Định, TP.Hồ Chí Minh... cũng tin dùng sản phẩm mạch nha Thiên Bút. Khoảng mươi ngày là chị lại có đơn hàng khoảng 2.500 lon đi các nơi. Cuộc sống dần ổn định, sau một năm, chị đã trả hết nợ vay. Khi kinh tế gia đình dần hồi phục, chị vừa nuôi hai con ăn học, vừa dành dụm xây mới căn nhà để có chỗ ở ổn định.

Hơn 30 năm gắn bó với nghề

Mặc dù mới 54 tuổi, nhưng chị Tạ Thị Kim Long đã gắn bó với nghề  nấu mạch nha hơn 30 năm ròng. Chị Long kể lại: Từ nhỏ chị đã phụ ba mẹ một số công đoạn trong việc nấu mạch nha. Hơn 20 tuổi chị được ba mẹ truyền nghề. Đến lúc lập gia đình và có con cái chị vẫn tiếp tục làm mạch nha. Theo chị Long, nấu mạch nha rất phức tạp và phải tuân thủ đúng quy tắc thì mới có được loại mạch nha ngon.

Để nấu được món này, người nấu phải có tâm huyết với nghề. Trước tiên người thợ phải chọn một lượng lúa khô vừa đủ đem ngâm nước, sau đó vớt ra xả thêm vài lần nước sạch cho trôi chất nhờn, sau đó rải trên sàn nhà để lúa đâm mộng. Phải dùng lúa chắc hạt mới cho ra loại mầm tốt nhất. Sàng lấy mộng đem phơi nắng cho khô, sau đó xay thành bột. Gạo nếp đem ngâm nước, vớt ra hấp thành xôi. Đổ xôi ra khay lớn để cho nguội, trộn đều xôi nếp với bột mầm lúa đã xay sẵn ở một tỉ lệ phù hợp.

Sau đó cho một lượng nước vừa đủ, rồi đưa lên bếp đun nhỏ lửa để hỗn hợp sôi từ từ. Khuấy đều tay, không để mạch nha dính vào đáy nồi. Khi hỗn hợp đã sôi đều, bắc xuống để nguội rồi ép bỏ xác, chỉ lấy dung dịch tinh chất. Tiếp tục cho dung dịch tinh chất lọc được lên bếp nấu đến lúc keo lại và chuyển màu vàng trong là được. Trải qua các công đoạn cầu kỳ, cuối cùng cũng thu được sản phẩm mạch nha tinh khiết.

Cùng với các đặc sản như cá bống, kẹo gương, đường phổi, đường phèn, mạch nha cũng là một đặc sản của Quảng Ngãi được nhiều người ưa chuộng. Trong đó, mạch nha Thiên Bút của gia đình chị Long được nhiều người lựa chọn.

Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG
 


.