Người "giữ lửa" làng nghề truyền thống

05:03, 31/03/2015
.

(Baoquangngai.vn)- Sự phát triển không ngừng của công nghệ hiện đại khiến cho các làng nghề đang dần đối mặt với nguy cơ mai một. Thế nhưng vẫn còn đó những con người ngày đêm “giữ lửa” làng nghề. Làng nghề đường phèn Ba La – Vạn Tượng nức tiếng một thời có một con người như thế. Ông là Bùi Đồng, ở thôn 2, xã Nghĩa Dõng (TP. Quảng Ngãi).

TIN LIÊN QUAN

Nhà ông Bùi Đồng là một trong số bốn cơ sở sản xuất đường phèn nức tiếng Ba La – Vạn Tượng còn sót lại đến bây giờ. Ngay từ đầu ngõ, không cần ai hướng dẫn, mùi thơm ngào ngạt của mật đường đã “dẫn lối” chúng tôi đến đúng với địa chỉ cần tìm.

Cần mẫn đun nồi đường lớn sóng sánh những lớp mật vàng óng, ông Bùi Đồng kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về nghề chế biến đường phèn của mình.

Trước khi sở hữu cơ sở sản xuất đường phèn nổi tiếng nhất làng hiện nay, ông Đồng từng là một thầy giáo. Những năm 80 của thế kỷ trước, ông rời làng lên tận Gia Lai để theo đuổi nghề dạy học. Thế nhưng cuộc sống tha hương khiến ông cảm thấy không an lòng khi nỗi nhớ quê nhà luôn quay quắt.

Ông Đồng đang nấu đường phèn.
Ông Đồng đang nấu đường phèn.


Quyết định từ bỏ nghề dạy học, ông về làng khởi nghiệp bằng nghề chế biến đường phèn trong lúc nó đang “thoi thóp”. Quyết định của ông lúc bấy giờ được nhiều người cho là gàn dở. “Trong làng từng có đến vài chục nhà luôn đỏ lửa làm đường phèn, thế mà cách đây hơn chục năm gần như chẳng còn ai. Nhận ra điều đó trong những lần về thăm quê khiến tôi trăn  trở. Quyết định khởi nghiệp với nghề sắp chết “yểu”, tôi chỉ có niềm tin rằng, không thể để nghề truyền thống của làng mất đi làm động lực”, ông Đồng hồi tưởng.

Tiếc nuối ký ức một thời tuổi thơ với món đường phèn đã làm nên “thương hiệu” của làng, nghĩ là làm, ông Đồng bắt tay vào nghề. Cất công tìm đến các bậc cao niên trong làng học cách chế biến đường phèn nhưng không ít lần ông thất bại với nồi đường cháy khét, những mẻ đường không được trắng, không có vị ngọt thanh. Nhưng không nản chí, ngày ngày ông vẫn miệt mài đun, khuấy đường… để vợ đem ra chợ bán.

Nghề dạy nghề, cùng với niềm tin “giữ lửa” truyền thống nên sau mười mấy năm kiên quyết bám trụ, cơ sở sản xuất của ông liên tục ăn nên làm ra. Hiện nay, mỗi tháng cơ sở của gia đình ông tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động, những tháng cao điểm mùa Tết, tạo việc làm cho 15 đến 20 lao động.

Các công đoạn làm ra sản phẩm đều được ông làm cẩn thận. Ông tâm sự: “Đường phèn là sản phẩm thủ công. Để làm ra những miếng đường phèn thơm ngon tạo nên nét đặc trưng của đường phèn Quảng Ngãi cần phải tỉ mỉ từ những công đoạn nhỏ nhất”. Vậy nên mặc dù thuê nhân công nhưng ở công đoạn đun sôi hòa tan đường, trứng gà để làm dịu vị ngọt, tăng thêm hương vị, loại bỏ tạp chất là công đoạn quan trọng nhất và cũng vất vả nhất, ông Đồng đều tự tay làm.

Thấy ông Đồng quay trở lại với nghề truyền thống, một số người trong làng cũng “nối gót” ông. Đã có giai đoạn gần như vắng bóng, nhưng nay làng đường phèn Ba La – Vạn Tượng có bốn cơ sở sản xuất ăn nên làm ra là một điều đáng mừng. Thế nhưng, với một người tâm huyết như ông Đồng thì vẫn còn đó nhiều trăn trở.

Ông Đồng cho biết, những người còn làm đường phèn hiện nay đều đã cao tuổi, công việc có phần vất vả nên lớp trẻ chẳng mấy ai mặn mà với nghề. Thị trường tiêu thụ sản phẩm đường phèn của địa phương ngày càng thu hẹp bởi các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên nay cũng đã có sản phẩm riêng của mình. Vậy nên, trong tương lai, ông lo lắng làng nghề sẽ một lần nữa gặp phải khó khăn như trong quá khứ đã từng xảy ra.

“Điều tôi quan tâm nhất là làm sao sản phẩm làng nghề có được đầu ra vững chắc. Người làm nghề có được thu nhập ổn định. Có như thế làng nghề mới tồn tại lâu dài”, ông Đồng bày tỏ.

Vừa qua, Hội Nông dân TP.Quảng Ngãi quyết định chọn đường phèn của cơ sở ông Đồng là sản phẩm được đề cử để tham gia chương trình “Tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2014” của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Đây được coi như một niềm khích lệ tinh thần đối với những con người tâm huyết với nghề truyền thống, muốn giữ nghề và giúp nghề phát triển bền vững.

 

Bài, ảnh: T.HIỀN-H.THU

 

Tin, bài liên quan

 



 


.