Đầu tư hai nhà máy điện: An toàn - yếu tố quan trọng hàng đầu

09:11, 15/11/2009
.

Đa số các đại biểu Quốc hội nhất trí với việc đầu tư hai dự án nhà máy điện và đóng góp nhiều ý kiến để xây dựng và vận hành nhà máy an toàn, hiệu quả
 
Xây dựng nhà máy thủy điện cần đánh giá các tác động của nhà máy
Xây dựng nhà máy thủy điện cần đánh giá các tác động của nhà máy
Tuần qua, một trong những nội dung quan trọng được các đại biểu Quốc hội thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, đóng góp nhiều ý kiến là chủ trương đầu tư hai dự án nhà máy điện lớn. Đó là Dự án Thuỷ điện Lai Châu trên sông Đà và Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận.
 
Qua hai lần thảo luận, (một lần ở tổ và một lần tại hội trường), các đại biểu Quốc hội đều nhất trí cao với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết đầu tư xây dựng hai dự án điện. Vấn đề quan trọng hàng đầu được các đại biểu góp ý là, làm thế nào để đảm bảo an toàn tuyệt đối trong việc xây dựng và vận hành.

Dự án thuỷ điện Lai Châu do Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư, dự kiến đặt nhà máy tại xã Nậm Hàng, huyện Mường Tè. Nhà máy có công suất 1200 MW, sản lượng điện bình quân hàng năm 4 tỉ 704 triệu KW/h. Toàn bộ Dự án có yêu cầu sử dụng hơn 4.600 ha đất; mực nước dâng bình thường 295m, chiều cao đập là 120m. Nếu được Quốc hội thông qua chủ trương xây dựng tại kỳ họp này, dự án sẽ được khởi công vào cuối năm 2010, phát điện tổ máy đầu tiên vào năm 2016 và tổ máy cuối cùng vào năm 2017.

Nhất trí cao với chủ trương đầu tư Dự án Thuỷ điện Lai Châu, nhưng nhiều Đại biểu Quốc hội nêu vấn đề “phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho nhà máy”. Ông Phạm Lê Thanh, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đại diện chủ đầu tư và Ban nghiên cứu Dự án đã giải đáp những băn khoăn của Đại biểu Quốc hội.

Ông Phạm Lê Thanh cho biết: "Đã khảo sát tất cả 11 dự án thủy điện đã và đang xây dựng, vận hành trên sông Đà, trong đó chủ yếu là xây dựng trên đất Trung Quốc. Khi xảy ra tình huống vỡ đập ở Trung Quốc thì không phải là vỡ liên hoàn. Khi vỡ đập sóng gián đoạn xảy ra cho dự án cuối cùng - nằm cách biên giới Việt Nam 13km, chủ đầu tư đã có 4 phương án để chọn tim công trình, 4 phương án mực nước dâng bình thường, 4 phương án mực nước chết và 4 phương án về công suất lắp máy, các phương án chọn tổ máy và đều làm rất kỹ”. Ông Phạm Lê Thanh khẳng định: “Nếu xảy ra động đất 9 độ richter, đập thuỷ điện vẫn đảm bảo an toàn”. Khi Tứ Xuyên (Trung Quốc) xảy ra động đất, không ảnh hưởng gì đến Lai Châu.

Nhiều đại biểu đề xuất, để đảm bảo an toàn cho công trình Thuỷ điện Lai Châu, thì một giải pháp quan trọng là phải tăng cường bảo vệ rừng và phát triển rừng. Mất rừng đồng nghĩa với việc phải hứng chịu những ảnh hưởng của thiên tai, ảnh hưởng tới chất lượng và sự an toàn của công trình.

Vấn đề an toàn cũng được các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm khi thảo luận về chủ trương đầu tư Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận. Theo các Đại biểu Quốc hội, xây dựng một nhà máy điện hạt nhân, điều quan trọng nhất là phải xác định được mức độ an toàn. Muốn đảm bảo an toàn thì phải lựa chọn công nghệ hiện đại, vì các tai nạn xảy ra ở các nhà máy điện hạt nhân trên thế giới cho đến nay chủ yếu liên quan đến sự bất cẩn của người vận hành, chứ không phải liên quan trực tiếp đến chất lượng của công nghệ. Hiện nay, trên thế giới có 4 thế hệ công nghệ 1, 2, 3 và 3+. Nhiều đại biểu đề nghị nên chọn thế hệ công nghệ tiên tiến nhất, cho dù số tiền đầu tư có thể tăng lên.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - công nghệ và môi trường của Quốc hội, ông Đặng Vũ Minh nêu ra, có 4 yếu tố đảm bảo an toàn nhà máy điện hạt nhân: Thứ nhất là công tác chuẩn bị về mọi mặt; Thứ hai là công nghệ phải hiện đại; Thứ ba là đào tạo cán bộ, công nhân kỹ thuật, bởi có nắm kỹ công nghệ và nguyên lý hoạt động của nhà máy thì mới điều hành nhà máy an toàn; Thứ tư là công tác quản lý vận hành nhà máy, yêu cầu kỷ luật lao động phải hết sức nghiêm ngặt.

Theo Tờ trình của Chính phủ, Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận gồm 2 nhà máy, có tổng công suất 4.000 MW, dự định đặt tại hai xã Phước Dinh và Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận. Nếu được Quốc hội thông qua, dự kiến nhà máy số 1 khởi công vào năm 2014, đưa vào vận hành năm 2020; nhà máy số 2 xây dựng năm 2012 và vận hành vào năm 2022.

Qua các cuộc thảo luận cũng như giải trình tại Quốc hội, có thể thấy mọi vấn đề liên quan đến Dự án Thuỷ điện Lai Châu đã được “lật đi lật lại” kỹ lưỡng bởi vì chúng ta đã có kinh nghiệm khi xây dựng các nhà máy thuỷ điện lớn trên sông Đà là Hoà Bình, Sơn La cũng như các nhà máy thuỷ điện lớn khác như Ialy, Tuyên Quang.v.v… Riêng đối với Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận, kinh nghiệm thực tế ở Việt Nam chưa có và số chuyên gia Việt Nam am tường lĩnh vực này cũng chưa nhiều./.

VOV


.