Sau 5 năm thực hiện đề án phát triển vùng nguyên liệu mía:
Diện tích và sản lượng mía của Quảng Ngãi ngày càng giảm

07:05, 12/05/2010
.

(QNĐT)- Sáng ngày 12/5, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Đề án phát triển vùng nguyên liệu mía (giai đoạn 2006 - 2010). Tham dự có đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, các sở, ngành chức năng, UBND các huyện, thành phố và Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Ngọc Nhi chủ trì Hội nghị.
 

Mục tiêu của đề án là đến năm 2010 phát triển vùng nguyên liệu mía lên 9.000 ha, năng suất bình quân 58- 60 tấn/ha, sản lượng 500.000- 554.000 tấn/năm. Tuy nhiên, trên thực tế mặc dù tỉnh ta đã có nhiều chính sách ưu đãi hỗ trợ người trồng mía, xây dựng cơ sở hạ tầng, nhập các giống mía có năng suất cao, áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất để phát triển vùng nguyên liệu mía, nhưng sau 5 năm diện tích và sản lượng mía ngày càng giảm, chỉ đạt 66,5% chỉ tiêu kế hoạch.
 
a

Dồn điền đổi thửa-hướng phát triển vùng nguyên mía liệu ổn định (cánh đồng mía theo mô hình dồn điển đổi thửa ở Sơn Tịnh).


Cụ thể diện tích mía từ 7.598 ha niên vụ  2006 - 2007 giảm xuống còn 5.981 ha niên vụ 2008 - 2009 chỉ đạt 66,5% chỉ tiêu đề án. Năng suất mía bình quân đạt 50 - 53 tấn/ha, đạt hơn 88% chỉ tiêu, sản lượng mía đạt cao nhất là trong niên vụ 2006- 2007 là trên 390.000 tấn mía cây đạt 78,9% chỉ tiêu, chữ đường bình quân  từ 10 CCS đến 10,5 CCS đạt 92% kế hoạch. Như vậy diện tích, năng suất, sản lượng mía qua các năm đều không đạt so với chỉ tiêu của đề án.

Báo cáo kết quả thực hiện đề án cũng cho rằng, nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là trước đây do giá thu mua mía thấp, những năm gần đây, mặc dù giá mua mía có cải thiện, 1 tấn mía 10 CCS được mua tương đương 60kg đường kính trắng loại 1 nhưng vẫn thấp và bấp bênh so với một số loại cây trồng khác như đậu phụng, ngô, dưa hấu, mì cao sản... Từ đó người dân không còn mặn mà với cây mía nên chuyển sang trồng các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn. Bên cạnh đó, hệ thống giao thông, thủy lợi vùng mía chưa hoàn chỉnh dẫn đến thiếu nước tưới, năng suất mía thấp.

Bên cạnh đó, công tác chỉ đạo điều hành phát triển vùng mía nguyên liệu mía của cấp ủy, chính quyền địa phương, các sở, ngành chưa đồng bộ. Các biện pháp thâm canh cây mía chưa sát với thực tế, nhiều nơi đầu tư không đúng kỹ thuật nên năng suất, chất lượng thấp.
 
a
Nguyên liệu sản xuất, một trong những yếu tố sống còn của các nhà máy đường (trong ảnh: thu mua mía nguyên liệu tại Nhà máy Đường Quảng Phú)

Kế hoạch trong giai đoạn 2010 - 2015, tỉnh ta tiếp tục tập trung chỉ đạo nâng cao năng suất và sản lượng mía, ổn định diện tích mía tập trung 9.795 ha, năng suất bình quân 65 tấn/ha, sản lượng  trên 569.000 tấn, chữ đường đạt 11,5 CCS. Nâng diện tích sử dụng giống mía mới có năng suất, chất lượng, chữ đường cao chiếm trên 90% diện tích.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Trương Ngọc Nhi- Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng trong thời gian tới, các đơn vị, sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp liên quan cần phải có sự đầu tư tập trung có trọng tâm, trọng điểm đối với các diện tích từ 15ha trở lên; cần tiếp tục du nhập và trồng những giống mía mới, đảm bảo chất lượng và làm đúng quy trình đối với trên 60% diện tích/vụ; tiếp tục triển khai công tác dồn điền đổi thửa.

Nắm rõ các chính sách mới của Nhà nước để vận động nông dân tham gia dồn điền đổi thửa có hiệu quả; giải quyết những tồn tại trong việc phát triển vùng nguyên liệu mía, rà soát phát triển vùng nguyên liệu mía trên quy hoạch phát triển nông thôn cho phù hợp, để đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch giai đoạn 2010- 2015 đề ra.
Tin, ảnh: M.Toàn

.