Dồn điền đổi thửa để chuyên canh mía ở xã Phổ Nhơn: Mô hình cần nhân rộng

09:04, 21/04/2010
.

(QNg) - Phổ Nhơn là xã miền núi nằm về phía bắc huyện Đức Phổ, cách Nhà máy đường Phổ Phong 7 km. Toàn xã có 1.692 hộ với 7.192 nhân khẩu. Đây là xã thuần nông, nhân dân trong xã có truyền thống trồng mía lâu đời, với diện tích  hàng năm từ 950-1.100 ha (kể cả mía rẫy).

Tuy nhiên trong những năm qua giá thành sản xuất mía vẫn còn cao, lợi nhuận đạt thấp. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do vùng mía ở đây còn manh mún, nhỏ lẻ, phân tán, đất mía xen kẽ với đất lúa và nhiều cây trồng khác. Diện tích mía canh tác của từng hộ ít (bình quân từ 1000-1500m2/hộ), tập quán sản xuất còn mang tính quảng canh; giao thông, thuỷ lợi tưới, tiêu phục vụ cho đồng mía quá yếu kém. đó là nguyên nhân chính gây trở ngại không thể triển khai áp dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất mía, dẫn đến vùng mía thiếu ổn định và năng suất mía thấp (từ 45-50 tấn/ha, chữ đường bình quân từ 9,50-10 ccs).

Cơ giới hoá khâu trồng mía ở các vùng chuyên canh mía.      Ảnh: TƯ LIỆU
Cơ giới hoá khâu trồng mía ở các vùng chuyên canh mía. Ảnh: TƯ LIỆU
 
Xuất phát từ tình hình trên, năm 2007 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ngãi và Công ty Đường Quảng Ngãi đã tham mưu cho UBND tỉnh chọn xã Phổ Nhơn là 1 trong 3 xã trong tỉnh xây dựng mô hình HTX điểm chuyên canh mía kết hợp chăn nuôi, nhằm thực hiện thí điểm việc dồn điền -đổi thửa, sản xuất mía tập trung chuyên canh, đầu tư thâm canh, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, với mục tiêu: Đưa năng suất mía lên 90 tấn/ha, chữ đường đạt từ 10,5 ccs trở lên, nhằm nâng cao thu nhập cho người trồng mía, góp phần ổn định vùng nguyên liệu mía cung cấp cho các nhà máy đường trong tỉnh. Từ đó thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá nông nghiệp, nông thôn của tỉnh.

Ngay sau khi mới thành lập, HTX Chuyên canh mía kết hợp với chăn nuôi xã Phổ Nhơn đã xác định dồn điền-đổi thửa để sản xuất mía là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của HTX và coi đây là một cuộc cách mạng trong sản xuất mía tại địa phương, nên được Đảng uỷ, HĐND, UBND xã Phổ Nhơn và các tổ chức, đoàn thể của xã nhiệt tình ủng hộ.

HTX bắt đầu tiến hành thực hiện thí điểm việc dồn điền đổi thửa để chuyên canh mía từ năm 2007, với tổng diện tích là 108.338m2 (gồm có 135 thửa của 126 hộ xã viên tại đồng Miếu An Lợi, xã Phổ Nhơn). Hiện trạng đất sản xuất lúc đó gồm có đất trồng mía 17.294m2, đất sản xuất lúa 1 vụ 78.209m2 và đất trồng mì 3.835m2. Sau khi thực hiện dồn điền- đổi thửa được  104.835m2 (do trừ diện tích để sử dụng cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, thuỷ lợi là 3.485m2), được chia thành 14 lô (thửa) cho 14 nhóm hộ xã viên canh tác, bình quân mỗi lô là 7.489,5m2.

Diện tích đất "bị mất" do sử dụng vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng được chia đều cho tất cả diện tích các hộ xã viên có tham gia dồn điền-đổi thửa cùng chịu (bình quân 17m2/sào). Như vậy trong 135 thửa ban đầu đã có 18 hộ thực hiện đổi và dồn cho nhau là 9 thửa của 18 hộ (với diện tích 4.811 m2); có 10 hộ chuyển đổi thửa cho nhau là 5 thửa (với diện tích 2.162m2); còn lại 107 hộ với tổng diện tích 97.880m2 được dồn thành những thửa mới có diện tích sản xuất lớn hơn. Sau khi thực hiện dồn điền-đổi thửa, diện tích đất canh tác tăng lên so với ban đầu gần 950m2, do san lấp các ao, hố bom và bờ thửa, bờ lô trong vùng. Diện tích này đã được UBND xã cấp cho 2 hộ xã viên còn thiếu đất sản xuất theo Nghị định 64/NĐ-CP.

Qua việc dồn điền-đổi thửa,  xã viên đã có diện tích thửa đất lớn hơn so với trước và thấy rất thuận tiện cho việc làm đất bằng cơ giới, có mương tưới, mương tiêu phục vụ sản xuất, có đường giao thông nội đồng rộng 4 m chạy giữa vùng nguyên liệu, rút ngắn cự ly vận chuyển mía bằng thủ công ở những điểm xa nhất.

Sau khi thực hiện dồn điền-đổi thửa, để đạt mục tiêu năng suất mía 90 tấn/ha và chữ đường bình quân đạt 10,50 ccs, Ban quản lý HTX đã phối hợp với Nhà máy đường Phổ Phong hướng dẫn các hộ xã viên thực hiện các giải pháp về kỹ thuật và chăm sóc mía như: Khâu làm đất bằng xe cơ giới, trồng các giống mía mới, đầu tư thâm canh, chăm sóc bón phân theo đúng quy trình hướng dẫn. Nhờ vậy năng suất mía khi chưa thực hiện dồn điền-đổi thửa chỉ đạt bình quân 45tấn/ha, chữ đường bình quân 9,50 ccs, sau khi thực hiện dồn điền-đổi thửa năng suất mía đã tăng lên 92tấn/ha, chữ đường Nhà máy đường Phổ Phong mua tại ruộng đạt 10,50 ccs, doanh thu tiền bán mía nguyên liệu và mía giống đạt 50 triệu đồng/ha.

Rút kinh nghiệm từ mô hình trên, năm 2008 HTX tiếp tục thực hiện dồn điền-đổi thửa được 33,4 ha, năng suất thu hoạch bình quân đạt 83,5 tấn/ha. Năm 2009 thực hiện dồn điền đổi thửa được 69,342 ha, do ảnh hưởng hậu quả bão lụt nên năng suất bình quân đạt 69,85 tấn/ha, chữ đường bình quân đạt 10,30 ccs. Tính đến nay  toàn HTX đã dồn điền-đổi thửa được 112,9 ha (hơn 90% diện tích đất trồng mía) và đã làm được 5.943 m đường giao thông nội đồng, 9.428m mương tưới, tiêu, đặt cống qua đường  42 tuyến.

Xã Phổ Nhơn là vùng quê kháng chiến, đất đai cằn cỗi, bạc màu, trồng những loại cây khác ít hiệu quả. Dưới thời bao cấp, đời sống của nhân dân rất khó khăn, nhiều người phải lên rừng đốn củi, đốt than đem về bán để sống qua ngày. Trong thời kỳ đổi mới, hội nhập, đặc biệt là sau khi thành lập HTX chuyên canh mía kết hợp với chăn nuôi, xã Phổ Nhơn đã được tỉnh, huyện và các ngành hữu quan hướng dẫn, chỉ đạo dồn điền-đổi thửa, đầu tư phát triển.
 
Nhờ vậy mà giờ đây xã Phổ Nhơn đã hình thành được những cánh đồng chuyên canh mía liên vùng, liên thửa, rộng lớn, có hệ thống giao thông, thuỷ lợi nội đồng khá hoàn chỉnh, thuận tiện cho việc đưa cơ giới hoá vào nông nghiệp, nông thôn. Những hộ chuyên canh mía đã thấy rõ ích lợi của việc dồn điền đổi thửa, nên hầu hết đều tự nguyện vào HTX. Qua sản xuất chuyên canh mía, nhiều gia đình trước đây đời sống còn khó khăn, thiếu thốn, nay đã có thu nhập khá từ cây mía. Nhiều hộ đã có thu nhập hàng năm khoảng 200 triệu đồng từ việc làm mía ruộng và mía rẫy như hộ ông Nguyễn Mưu (thôn An Sơn); hộ ông Lê Việt Sĩ (thôn An Tây)…

Được biết, xã Phổ Nhơn thực hiện thành công việc dồn điền-đổi thửa để chuyên canh mía đạt hiệu quả cao, nhiều địa phương khác trong huyện và trong tỉnh đã đến tận nơi tham quan, học tập kinh nghiệm. Sau đó triển khai thực hiện tại địa phương mình. Cụ thể như  huyện Đức Phổ đã có các xã Phổ Minh, Phổ Hoà, Phổ Cường và tại huyện Mộ Đức đã có các xã Đức Phú, Đức Hoà, Đức Lân triển khai thực hiện dồn điền-đổi thửa từ năm 2008 đến nay và nông dân ở các địa phương này đều đồng tình hưởng ứng. Thiết nghĩ, các địa phương trong tỉnh nên nhân rộng mô hình dồn điền-đổi thửa như xã Phổ Nhơn, nhằm làm lợi cho nông dân và ngành mía đường Quảng Ngãi.

Nguyễn Khâm

.