Ba Tơ: Áp dụng KHCN để tăng năng suất, chất lượng mía

09:05, 06/05/2010
.

(QNg) – Do địa hình gò đồi, độ dốc cao nên đất bị rửa trôi lớn, trong khi trình độ canh tác và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật còn hạn chế, nên năng suất, chất lượng mía ở 2 xã Ba Tô và Ba Dinh (Ba Tơ) hằng năm không cao. Trước thực tế đó Sở Khoa học và Công nghệ đã đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ để Nhà máy Đường Phổ Phong thực hiện dự án ứng dụng và chuyển giao các giải pháp kỹ thuật canh tác, thâm canh tăng năng suất mía theo hướng sản xuất bền vững trên đất gò đồi tại 2 xã này.
Ba Tô và Ba Dinh là hai xã có diện tích trồng mía lớn nhất ở huyện Ba Tơ, với 564 ha (niên vụ 2008-2009), chiếm 91,3% tổng diện tích quy hoạch (620 ha) của huyện. Tuy nhiên những năm gần đây năng suất mía ở 2 xã Ba Tô và Ba Dinh có xu hướng giảm: Xã Ba Tô có năng suất mía vụ 2006-2007 bình quân 45,9 tấn/ha; vụ 2007-2008 đạt bình quân 50 tấn/ha và đến vụ 2008-2009 chỉ đạt 46,5 tấn/ha. Tại xã Ba Dinh có năng suất mía vụ 2006-2007: 44,6 tấn/ha, vụ 2007-2008: 43,9 tấn/ha và đến vụ 2008-2009 chỉ đạt 40,3 tấn/ha. Ngoài ra hàm lượng đường trong mía cũng giảm từ 9,15% (niên vụ 2006-2007) xuống còn 8,40% (niên vụ 2008-2009).

Cán bộ Nhà máy Đường Phổ Phong kiểm tra mô hình trồng mía đồng mức ở Ba Dinh.
Cán bộ Nhà máy Đường Phổ Phong kiểm tra mô hình trồng mía đồng mức ở Ba Dinh.
Nguyên nhân là diện tích mía ở 2 xã Ba Tô và Ba Dinh chủ yếu được trồng trên đất dốc, nhưng khi canh tác người dân lại trồng theo hàng thẳng, không theo đường đồng mức, nên quá trình xói mòn xảy ra mạnh đất mất chất dinh dưỡng,   bị chai cứng và độ pH thấp (3,5-3,9). Trong khi đó tập quán canh tác quảng canh, không bón phân, nên không đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng để cây mía sinh trưởng, phát triển. Ngoài ra giống mía chủ lực trong sản xuất hiện nay (giống My55-14) đã có biểu hiện thoái hoá đã ảnh hưởng đến năng suất và chữ đường khi thu hoạch.

Do đó để hạn chế tình trạng rửa trôi của đất và tạo điều kiện để người dân đầu tư thâm canh một cách bền vững, Nhà máy Đường Phổ Phong đã thực hiện dự án "Hỗ trợ xây dựng mô hình thâm canh tăng năng suất, chất lượng mía trên đất gò đồi huyện Ba Tơ theo hướng sản xuất bền vững".

Dự án được triển khai với quy mô 300 ha, ở xã Ba Dinh và 100 ha ở xã Ba Tô trên diện tích mía gốc hiện có ở vùng đồi có độ dốc từ 8-15o và nằm trong vùng quy hoạch nguyên liệu mía của huyện Ba Tơ, với việc ứng dụng các giải pháp canh tác khoa học nhằm hạn chế tình trạng xói mòn, thoái hoá đất. Trong đó mô hình thâm canh mía theo phương thức tiểu bậc thang được xây dựng cho những vùng đồi có độ dốc từ 8-15o và kỹ thuật làm đất được áp dụng là dùng máy đào Komatsu 95HP để đào rãnh tạo thành tiểu bậc thang, có đường băng rộng 80 cm, mỗi băng đào cách nhau 40 cm, theo trình tự giật cấp từ trên cao xuống, bảo đảm sâu 40cm, tạo tầng lớp có độ tơi xốp dày 25-30cm nhằm chống xói mòn, rửa trôi đất màu dinh dưỡng do mưa hằng năm, tăng khả năng chống hạn, chống ngã đổ.

Còn đối với những vùng đồi có độ dốc dưới 8o, thì dự án thực hiện giải pháp thâm canh mía theo đường đồng mức, với kỹ thuật làm đất được áp dụng là dùng máy kéo MTZ50/892 cày rạch hàng theo đường đồng mức (hàng trồng vuông góc với hướng dốc), khoảng cách hàng 0,9-1m…; đồng thời sử dụng các giống mía mới như giống Roc27 và K8892 có khả năng nẩy mầm và tái sinh chồi cao, chịu hạn khá và tỷ lệ trổ cờ khi thu hoạch không đáng kể. Bên cạnh đó dự án còn kết hợp bón vôi và lân để cải tạo đất với liều lượng phân bón đầu tư cho 1 ha là 750 kg phân hữu cơ vi sinh, 1.000 kg vôi bột (hàm lượng >= 80CaO), 700 kg NPK, 140 kg lân Văn Điển.

Theo tính toán của dự án với tổng diện tích quy hoạch phát triển cây mía của huyện Ba Tơ khoảng 900 ha, khi dự án thực hiện thành công và kết quả được nhân rộng khoảng 80% diện tích quy hoạch, thì lợi nhuận mang lại cho hộ nông dân trong vùng dự án trên dưới 7 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, dự án còn góp phần giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi ở nông thôn (khoảng 155.700 công lao động/năm); đồng thời nâng cao nhận thức của người dân trong vùng về việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào canh tác mía, từng bước xoá bỏ tập quán canh tác lạc hậu của bà con nơi đây.

Hy vọng với các giải pháp khoa học được Nhà máy Đường Phổ Phong ứng dụng, dự án thực hiện thành công sẽ góp phần khai thác có hiệu quả tài nguyên đất đai còn khá dồi dào ở huyện Ba Tơ, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống của người dân, phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hoá.

Bài, ảnh: Phương Dung

.