Đội viên Đề án 500 trí thức trẻ: Đang bí đầu ra

10:08, 02/08/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những kết quả của Đề án thí điểm tuyển chọn 500 trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013 - 2020 đã được các cấp, ngành trong tỉnh đánh giá tích cực. Song, bên cạnh đó vẫn còn không ít băn khoăn, trăn trở, nhất là nỗi niềm từ phía đội viên và cả lãnh đạo địa phương khi đề án sẽ kết thúc vào năm 2020.

TIN LIÊN QUAN

Tiên phong lên xã nghèo

Năm 2013, Chính phủ phê duyệt "Đề án thí điểm tuyển chọn 500 trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013 - 2020”. Tại Quảng Ngãi, tỉnh đã chọn 15 trí thức trẻ, có trình độ tham gia chương trình về công tác tại 15 xã của các huyện.

Trong quá trình công tác tại địa phương, các trí thức trẻ được đánh giá cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ, cũng như thể hiện tốt vai trò tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành lĩnh vực mình được phân công. Các địa phương đã cử 63 lượt đội viên tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng; trong đó 1 trường hợp học thạc sĩ, 3 người học trung cấp lý luận chính trị...

Mô hình trồng ớt xiêm của đội viên Võ Thành Nhất, xã Trà Xinh (Tây Trà), được nhân dân hưởng ứng tham gia.
Mô hình trồng ớt xiêm của đội viên Võ Thành Nhất, xã Trà Xinh (Tây Trà), được nhân dân hưởng ứng tham gia.

Anh Đinh Văn Nghiệp (33 tuổi), quê xã Long Sơn (Minh Long) cho biết: Khi biết tỉnh tổ chức xét tuyển trí thức trẻ tham gia đề án, tôi tham gia và trúng tuyển. Được nhận về làm tại xã Long Sơn, một xã còn nhiều khó khăn của huyện Minh Long, tôi luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ và muốn có một công việc ổn định để cống hiến. Tôi vẫn luôn mong muốn, sau khi kết thúc đề án, chúng tôi sẽ tiếp tục được bố trí công việc.

"Gần 5 năm công hiến tuổi trẻ cho miền quê Trà Nham, tôi rất quý người dân nơi đây và mong muốn được gắn bó lâu dài với vùng quê này. Nhưng nay nghe nói không được tuyển dụng khiến tôi rất buồn".

Chị PHẠM THỊ TIỀN, đội viên Đề án 500 trí thức trẻ
ở xã Trà Nham (Tây Trà)

Và những trăn trở

Trước tình hình tinh giản biên chế đang thực hiện quyết liệt, nhiều địa phương tỏ ra bối rối khi bố trí sử dụng và phát triển đội viên sau khi Đề án kết thúc. Để nắm tình hình, Sở Nội vụ đã khảo sát, lấy ý kiến của Đảng ủy, UBND các xã để xác định nhu cầu xét chuyển vào biên chế công chức xã đối với các đội viên này.

Qua khảo sát có 7/15 đội viên dự kiến được bố trí vào các chức danh công chức và cán bộ phù hợp với trình độ, chuyên môn; 7/15 đội viên chưa được dự kiến bố trí sau khi kết thúc đề án. Như vậy sau 4 năm thực hiện Đề án vẫn còn gần 50% số đội viên chưa biết đi đâu, về đâu.

Năm 2015, chị Phạm Thị Tiền, quê xã Nghĩa Hà (TP.Quảng Ngãi), xung phong lên xã miền núi Trà Nham (Tây Trà) công tác. Tuy nhiên, mới đây chị Tiền biết xã Trà Nham thuộc diện sắp xếp, sáp nhập nên không được tuyển dụng khiến chị rất buồn. Còn chị Mai Thị Diễm, quê xã Tịnh Ấn Tây (TP.Quảng Ngã), đội viên dự án tại xã An Vĩnh (Lý Sơn) cũng đang rơi vào tâm trạng tương tự.

"Đã công tác hơn 4 năm, nhưng nhiều người không được đưa vào quy hoạch của địa phương. Vì vậy chúng tôi mong muốn Bộ Nội vụ sớm có văn bản hướng dẫn việc bố trí công tác để đội viên yên tâm", chị Diễm kiến nghị.

Theo Giám đốc Sở Nội vụ Đoàn Dụng, việc bố trí, sử dụng đội viên sau khi kết thúc Đề án hiện rất khó khăn. Nghị định số 34 của Chính phủ quy định giảm 2 biên chế cấp xã, vì vậy phương án tuyển các đội viên vào cán bộ, công chức cấp xã không thể thực hiện được.

Còn như huyện Tây Trà xin tuyển dụng các đội viên ở xã Trà Xinh và Trà Nham, nhưng không được là bởi các xã này thuộc diện sắp xếp, sáp nhập. "Để tìm đầu ra cho các đội viên, tỉnh đã có văn bản kiến nghị Bộ Nội vụ và Chính phủ cho tuyển dụng, nhưng Bộ Nội vụ chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết về công tác quy hoạch, bố trí sử dụng các đội viên sau khi kết thúc Đề án", ông Dụng cho biết.

Bài, ảnh: BÁ SƠN

 

.