Đội viên Dự án 600 trí thức trẻ sẽ về đâu?

03:10, 30/10/2015
.

(Baoquangngai.vn)- Chỉ còn hơn một năm nữa, Dự án 600 Phó Chủ tịch xã về 63 huyện nghèo sẽ kết thúc thời gian công tác. Hơn một nửa đội viên được tăng cường về các huyện nghèo của Quảng Ngãi đang băn khoăn, lo lắng không biết sẽ về đâu?

TIN LIÊN QUAN

“Luồng gió mới” cho xã nghèo

Năm 2011, Chính phủ khởi động Dự án thí điểm 600 trí thức trẻ về làm Phó Chủ tịch xã tại 64 (nay là 63) huyện nghèo trong cả nước. Sau khi tuyển chọn, tháng 10.2012, có 575 trí thức trẻ được chọn đến các xã vùng cao để làm Phó Chủ tịch xã. Đây là bước đột phá trong công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước.

Được đào tạo chính quy, có trình độ chuyên môn cơ bản; sức trẻ, năng động, dám nghĩ dám làm, các trí thức trẻ được ví như những “hạt giống đỏ”. Đây cũng là “cơ hội vàng” để các cử nhân, kỹ sư mới ra trường khẳng định trình độ, năng lực của mình trong thực tiễn.

Đối với các xã đặc biệt khó khăn, được tiếp nhận trí thức trẻ sẽ góp phần bổ sung nguồn lực lãnh đạo cho địa phương, như “luồng gió mới”, tạo động lực thoát nghèo cho các xã nghèo. Chính quyền các địa phương cũng đã tạo điều kiện để các trí thức trẻ được thể hiện năng lực của mình.  

Vào trung tuần tháng 4.2015, gặp anh Trần Đình Vũ- Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Cao ngay bên bờ ruộng tại cánh đồng Tà Nủ, thôn Làng Môn, lúc anh đang say sưa hướng dẫn lão nông Đinh Cà Rỏ chăm sóc ruộng bắp lai vừa xuống giống CP333. Tốt nghiệp ngành nông nghiệp, như “cá gặp nước”, khi về nhận công tác tại địa phương, Vũ đã bắt tay ngay vào việc vận dụng các kiến thức về nông nghiệp để giúp bà con.

 

Các trí thức trẻ đã có công rất lớn khi giúp bà con miền núi thay đổi tập quán sản xuất, chăn nuôi.
Các trí thức trẻ đã có công rất lớn khi giúp bà con miền núi thay đổi tập quán sản xuất, chăn nuôi.


Vũ đã thành công bước đầu khi vận động bà con thay đổi tập quán chăn nuôi bằng cách trồng cỏ nuôi bò, rồi lấy phân bò, phân heo ủ để bón cho cây trồng thay vì thả rông vừa lãng phí nguồn phân bón, vừa ô nhiễm môi trường.

Vũ mạnh dạn đề xuất với lãnh đạo địa phương phối hợp với Trung tâm Khuyến nông huyện thí điểm mô hình chuyển đổi giống cây trồng trên 8ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây bắp lai CP333. Vũ cũng chính là người trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho bà con xã vùng cao này.

Với kết quả đạt được ngoài sức tưởng tượng, khi giờ đây về xã Sơn Cao thấy nhà nhà trồng cỏ, người người trồng cỏ, cỏ xanh mướt khắp đồng ruộng, vườn nhà, đường đi, lối xóm.

Cây bắp lai CP333 thì cho năng suất vượt trội gấp 2 lần giống bắp lai LVN10 mà bà con gắn bó lâu nay, sản phẩm làm ra tới đâu tiêu thụ tới đó, lại được thu mua với giá cao khiến bà con vô cùng phấn khởi. Vụ tới, Sơn Cao dự định sẽ chuyển đổi thêm 2ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây bắp và thí điểm mô hình chăn nuôi dê sinh sản.

Vũ cười nói, anh rất cảm ơn Đảng, Nhà nước đã tạo điều kiện cho anh cũng như các đội viên khác phát huy được sức trẻ và đóng góp xây dựng quê hương, nhất là đồng cam cộng khổ với bà con vùng cao còn khó khăn.

 

Các trí thức trẻ đã mang đến cho các xã nghèo "luồng gió mới".

 

Theo ông Nguyễn  Ngọc Linh- Phó Giám đốc Sở Nội vụ, có thể khẳng định các Phó Chủ tịch xã đã có đóng góp rất tích cực cho phát triển kinh tế- xã hội, làm tốt được nhiệm vụ tham mưu cho cấp ủy, chính quyền thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước, góp phần không nhỏ vào việc xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới cho các xã nghèo.

Băn khoăn sẽ về đâu?

Theo Bộ Nội vụ, trong số 575 đội viên về làm Phó Chủ tịch xã ở các huyện nghèo trong cả nước thì có 448 người (gần 78%) đã được quy hoạch vào các chức vụ lãnh đạo, quản lý, có 152 người trúng cử vào Ban Chấp hành Đảng bộ xã, 12 người làm Chủ tịch UBND xã nhiệm kỳ tới.

Tại Quảng Ngãi, chưa tới một nửa trong số 52 đội viên được quy hoạch lại chức danh Phó Chủ tịch xã hoặc cao hơn, số còn lại không biết tương lai sẽ ra sao? Ví như huyện Sơn Tây, 8/8 đội viên chưa được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo xã, không ít đội viên vẫn chưa được kết nạp Đảng.

Hiệu quả đã rõ, dẫu vậy, nhiều đội viên chưa được cơ cấu đang băn khoăn, lo lắng sẽ về đâu khi mà chỉ còn hơn 1 năm nữa dự án sẽ kết thúc, trong khi đó năng lực, nhiệt huyết có thừa, đặc biệt họ thiết tha được gắn bó, cống hiến với chính quyền địa phương sở tại.      

Ông Võ Thìn- Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây lý giải, việc không quy hoạch đội viên vào các chức danh lãnh đạo xã trong nhiệm kỳ 2015-2020 không hẳn là các trí thức trẻ không có năng lực, không hoàn thành tốt nhiệm vụ mà trong thời gian đó, nhiều đội viên chưa được kết nạp Đảng hoặc chưa phải là đảng viên chính thức nên chưa đủ điều kiện để đưa vào quy hoạch.

Thông tin từ một số lãnh đạo địa phương, một số nơi đang để khuyết chỉ tiêu để khi các đội viên đủ điều kiện sẽ tiến hành quy trình bầu bổ sung vào Ban Chấp hành Đảng ủy của xã.

Theo quy định, Phó Chủ tịch UBND xã không nhất thiết phải là cấp ủy viên, là đại biểu HĐND. Như vậy, có những đội viên không vào cấp ủy của xã không có nghĩa là không được tiếp tục tham gia Phó Chủ tịch hoặc không được bố trí vào các chức vụ lãnh đạo khác.



Bài, ảnh: Ái Kiều

 


.