Giao thừa Ất tỵ 29/01/2025

Rộn ràng đón Tết

21:59, 29/01/2025
.

(Báo Quảng Ngãi)- Không khí Tết đã lan tỏa khắp mọi nhà, khắp đường làng, ngõ xóm. Người dân trong tỉnh, từ thành thị đến nông thôn, từ miền núi đến hải đảo nô nức chuẩn bị mọi thứ cho thật tươm tất, mới mẻ để đón Tết cổ truyền vui tươi, đầm ấm. 

Vùng cao vui đón Tết  

Tiếng cồng chiêng báo hiệu mùa xuân mới đã về trên những ngôi làng, nếp nhà của đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi trong tỉnh. Những ngày cuối tháng Chạp, người dân ở thôn An Phương, xã Thanh An (Minh Long) tập trung dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm, cắt tỉa cây hoa, thay mới cờ Tổ quốc trước nhà, sắm chậu cúc vàng để năm mới thêm vui tươi. Nhiều hộ còn hỗ trợ nhau trong việc sửa sang nhà cửa, tu sửa chuồng trâu, chăm rau, dặm lúa... để ai cũng có thời gian tham gia vào lễ hội đón Tết của đồng bào Hrê được tổ chức vào sáng ngày 22/1 (tức ngày 23 tháng Chạp). Vào ngày này, người dân trong trang phục truyền thống, tề tựu đông vui tại nhà trưởng thôn Đinh Văn Xiên, để thực hiện các nghi lễ đón Tết của người đồng bào dân tộc thiểu số Hrê.

Các chàng trai, cô gái Hrê ở xã Ba Trang (Ba Tơ) luyện tập múa hát, đánh chiêng Ba để biểu diễn trong dịp Tết cổ truyền, mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025.
Các chàng trai, cô gái Hrê ở xã Ba Trang (Ba Tơ) luyện tập múa hát, đánh chiêng Ba để biểu diễn trong dịp Tết cổ truyền, mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025.

Ông Đinh Văn Xiên cho biết, năm nào cũng vậy, cận tết Nguyên đán người dân trong thôn lại tề tựu chuẩn bị nghi thức cúng thần linh, thần rừng để cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, làm ăn thuận lợi, khấm khá. Sau nghi lễ này, mọi người tập trung về nhà của già làng để vui chơi, ca hát và chúc mừng năm mới. Đây là một trong những nét đẹp văn hóa truyền thống được đồng bào Hrê gìn giữ từ bao đời nay.

Từ mờ sáng ngày 23 tháng Chạp, chị em phụ nữ rôm rả gọi nhau tem trầu, chuẩn bị mâm lễ cúng thần linh; rồi lau chùi lá dong, ngâm nếp, cắt thịt để gói bánh chưng, bánh tét. Còn đàn ông, thanh niên thì lo mổ heo, bày trí những bình rượu cần, hay mân mê những bộ chiêng bảy, chiêng ba. Trẻ em xúng xính quần áo đẹp, chạy nhảy vui đùa khắp sân. Tất cả đã làm cho không khí vui Xuân, đón Tết rộn ràng.

Bà Đinh Thị Y Ha, ở thôn An Phương cho biết, việc đồng áng đã xong, nên từ ngày 20 tháng Chạp, nhiều người dân trong thôn đã gọi nhau cùng tụ họp để làm mứt, gói bánh. Giữa tiết trời mưa lạnh, mọi người ngồi quây quần bên bếp lửa ấm cùng chuyện trò, chia sẻ và động viên nhau nỗ lực vượt qua những khó khăn, xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. Trong thôn vẫn còn nhiều hộ có hoàn cảnh khó khăn, nhưng nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự sẻ chia của người dân nên ai cũng được đón Tết đầm ấm, vui tươi.

Còn tại Nhà văn hóa xã Ba Trang (Ba Tơ), những ngày cuối tháng Chạp, người dân luyện tập những bài hát, điệu múa, đánh chiêng... để chuẩn bị biểu diễn trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Các chàng trai, cô gái Hrê say sưa trong tiếng cồng chiêng, vỗ vinh vút, ngân nga điệu ta lêu, ca choi... Theo già Phạm Văn Nia, thôn Con Dóc (xã Ba Trang), ngày Tết, đồng bào trong làng chuẩn bị cúng giếng nước, cúng làng. Mọi người bắt cá trên suối, làm gà, vịt, heo nuôi trong nhà để chuẩn bị mâm cúng, rồi cùng quây quần chơi túc chinh, hát ta lêu, ca choi... làm cho không khí ngày Tết thêm rộn ràng. “Đồng bào Hrê giờ ăn Tết tiết kiệm,  không kéo dài nhiều ngày như trước. Dù vậy, văn hóa, lễ hội của dân tộc Hrê vẫn được giữ gìn và phát huy trong ngày Tết”, ông Nia chia sẻ.

Công nhân Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Ngãi trang trí hoa Tết tại Công viên Di Lăng (Sơn Hà).
Công nhân Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Ngãi trang trí hoa Tết tại Công viên Di Lăng (Sơn Hà).

Phó Chủ tịch UBND xã Ba Trang Phạm Văn Nhoi cho biết, trong quá trình hội nhập và phát triển, để giữ gìn văn hóa truyền thống cho bà con đồng bào Hrê ở địa phương, ngoài thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ để các đội cồng chiêng, múa, hát biểu diễn và ôn lại các giá trị văn hóa truyền thống, xã khuyến khích bà con cùng nhau tổ chức ăn Tết đầm ấm, an vui và giữ gìn những sắc thái văn hóa riêng có, tốt đẹp của người Hrê. Hiện xã còn bảo tồn hàng chục bộ chiêng ba, chiêng năm nên ngày Tết, tiếng chiêng luôn ngân vang, rộn ràng khắp các làng.

Với đồng bào Ca Dong ở huyện Sơn Tây, tết Nguyên đán Ất Tỵ cũng rộn ràng, nhộn nhịp và đủ đầy bởi năm nay cây keo, cau được mùa, được giá. Tại nhà của già làng Đinh Văn Đía, ở thôn Bãi Màu, xã Sơn Tân (Sơn Tây), người dân tề tựu đông vui để chuẩn bị cho ngày Tết. Tiếng nói cười, tiếng hát, tiếng chiêng âm vang cả núi rừng. Tết đầu năm mới của đồng bào Ca Dong khá đặc biệt. Họ cùng chuẩn bị những đồ ăn, thức uống truyền thống của dân tộc mình, đó là gói bánh chưng, ủ rượu cần và thực hiện những nghi lễ mừng lúa mới. Theo già Đía, một nghi lễ không thể thiếu của đồng bào Ca Dong trong ngày Tết là cúng nguồn nước. Cả làng cùng nhau làm cây nêu cúng nguồn nước đặt tại con suối, nơi bắc máng nước về cho thôn, xóm. Sau đó, tùy từng điều kiện mỗi nhà tổ chức cúng thần linh, ông bà.

Không khí Tết lan tỏa trên khắp đường làng, ngõ xóm ở các địa phương trong tỉnh nói chung, 
thôn Phú Vinh Tây, thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành) nói riêng.
Không khí Tết lan tỏa trên khắp đường làng, ngõ xóm ở các địa phương trong tỉnh nói chung, thôn Phú Vinh Tây, thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành) nói riêng.

Làm đẹp làng quê  

Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 là cái Tết vui của gần 20 hộ dân ở xóm 4, thôn An Hội Nam 2, xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa). Bởi con đường nhỏ hẹp, nắng bụi mưa bùn mà người dân chật vật đi lại suốt nhiều năm qua, nay đã được bê tông và hoàn thành đưa vào sử dụng ngay trước thềm Tết đến Xuân về. “Tuyến đường này vừa hoàn thành, mang lại niềm vui, phấn khởi cho người dân trong thôn. Trước đây, chỉ vài trận mưa là đường bùn lầy, đi lại rất khó khăn, thế nên khi được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí, người dân chúng tôi đều tự nguyện hiến đất, thu dọn cây cối, hoa màu và đóng góp thêm tiền, ngày công để xây dựng đường. Riêng gia đình tôi đã đóng góp hơn 12 triệu đồng, góp phần bê tông tuyến đường. Tết năm nay bà con được đi trên con đường mới sạch sẽ, đây là mong ước từ lâu của người dân chúng tôi”, bà Trương Thị Lệ Mùi chia sẻ.

Từ con đường nhỏ hẹp, bùn lầy, giờ đây, con đường ở xóm 4, thôn An Hội Nam 2 đã được bê tông rộng rãi với chiều rộng hơn 3m, dài 600m. Đây là khu vực có số hộ dân ở thưa thớt nên số tiền đóng góp làm đường khá cao, trung bình mỗi hộ dân đóng góp hơn 10 triệu đồng, thế nhưng bà con ai cũng vui vẻ hưởng ứng. Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn An Hội Nam 2 Nguyễn Trung Thắng cho biết, ngoài con đường ở xóm 4, còn có 4 tuyến đường đã được bàn giao đưa vào sử dụng trong tháng Chạp này, người dân rất phấn khởi. Các hộ dân tự giác dọn dẹp đường làng ngõ xóm, chỉnh trang sân vườn, cảnh quan để đón Tết. Thôn đã triển khai việc treo cờ Tổ quốc, phát động bà con ra quân dọn dẹp đường sá, nơi công cộng và xây dựng tuyến đường cờ Tổ quốc dài hơn 1km, tạo khí thế vui tươi, chào đón xuân mới.

Cấp ủy, chính quyền các cấp ở xã Phổ Phong (TX.Đức Phổ) cũng tích cực huy động sức dân bê tông hơn 90 tuyến đường nông thôn, với tổng chiều dài hơn 7km. Những tuyến đường cuối cùng có chủ trương bê tông trong năm cũng đã kịp hoàn thành trong tháng Chạp để người dân đi lại thuận tiện, nhất là trong dịp Tết. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Phong Nguyễn Thị Tâm, năm 2024, địa phương nỗ lực huy động các nguồn lực, sức dân để bê tông nhiều tuyến đường. Đến nay, trên địa bàn xã có 96% các tuyến đường được bê tông và 100% có điện đường thắp sáng. Từ giữa tháng Chạp, các thôn đã huy động người dân, ra quân dọn dẹp vệ sinh đường làng, ngõ xóm, chăm sóc các tuyến đường hoa để đón Tết. Mỗi người dân, gia đình ở đây không chỉ lo sửa sang nhà cửa, sân vườn của nhà mình mà còn đoàn kết, cùng chung tay làm đẹp đường quê, treo cờ Tổ quốc trên các tuyến đường, băng rôn ở cổng chào thôn để chào đón năm mới. Đây cũng là động lực để xã phấn đấu về đích xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trong năm 2025.

M.HOA - K.NGÂN - H.THU

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 21:59, 29/01/2025