Giật mình sau đại dịch

10:07, 20/07/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Về danh nghĩa thì dịch Covid-19 vẫn còn, nhưng với nước ta, thì dịch Covid-19 gần như được khống chế hoàn toàn cho đến lúc này. Cuộc sống của người dân và mọi sinh hoạt xã hội diễn ra bình thường trong hai tháng qua đã nói lên điều đó. Chính vì mọi sinh hoạt của người dân đã trở lại như trước khi có dịch nên những bất cập cũng  ngày càng hiện rõ.
Trước hết là chuyện đi lại, mà cụ thể là đi máy bay và tàu hỏa. Có cảm giác như ngành giao thông vận tải bỗng “giật mình” sau cơn ngái ngủ trong đại dịch nên khi mọi thứ đã trở lại bình thường thì họ mới bắt tay vào việc.
 
Các đường băng của hai sân bay lớn nhất nước là Nội Bài và Tân Sơn Nhất xuống cấp đã được cảnh báo từ lâu. Số lượt khách qua các sân bay này tăng nhanh khiến các sân bay nói trên luôn trong tình trạng quá tải. Số lần trễ chuyến cũng theo đó tăng lên, liên tục gây phiền hà cho hành khách. Không ai có thể nghĩ rằng, trên đà tăng trưởng phi mã như vậy của ngành hàng không, bỗng dưng lại xuất hiện một quãng “nghỉ giữa hiệp” như thời gian giãn cách xã hội vì dịch Covid-19 vừa rồi. Các chuyên gia kinh tế gọi đây là “thời gian vàng” để các khu du lịch, các khách sạn, nhà hàng “trùng tu” lại mà không sợ ảnh hưởng đến việc đón khách. Hầu như phần lớn ngành du lịch - dịch vụ đã tranh thủ “làm mới” mình trong quãng thời gian giãn cách xã hội, trừ ngành giao thông vận tải, mà cụ thể là các sân bay “quá tải” nói trên.
 
Thay vì tranh thủ những tháng giãn cách vừa qua, hai sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài tân trang lại đường băng mà không ảnh hưởng đến việc cất - hạ cánh thì họ làm ngược lại. Trong khi Thủ tướng Chính phủ và các tỉnh đồng loạt kêu gọi phục hồi du lịch nội địa thì hai sân bay bắt đầu... sửa đường băng! Nghĩa là, thay vì một đường cất cánh, một hạ cánh như trước khi có dịch thì nay cất - hạ gì cũng một đường. Những ai đi máy bay đều biết, tần suất cất - hạ cánh của hai sân bay nói trên là dày đặc. Bình quân chưa đến hai phút đã có một máy bay cất hoặc hạ cánh. Bây giờ, dù không đón khách quốc tế nhưng tần suất cất - hạ cánh ở hai sân bay ấy cũng không giảm là bao.
 
Vốn đã quá tải, giờ thì không biết dùng từ gì để chỉ mức độ trên quá tải nữa để nói về hiện trạng của hai sân bay đang sửa đường băng. Khách lên máy bay rồi, ngồi chờ một tiếng trở lên mới có thể cất cánh là chuyện bình thường. Cơ trưởng thông báo máy bay giảm độ cao để hạ cánh nhưng bay lòng vòng hơn tiếng mới hạ được dù thời tiết tốt cũng là chuyện bình thường nốt. Hành khách thì mỏi mệt vì đợi chờ, các hãng hàng không thì tốn thêm nhiên liệu cho máy bay trong thời gian bay lòng vòng hoặc chờ ấy. Nếu ngành giao thông vận tải không “giật mình” thì hẳn điều kể trên đã không xảy ra hoặc nếu có xảy ra thì cũng khắc phục xong rồi.
 
Cũng giống như các cảng hàng không đang sửa chữa, ngành đường sắt cũng “tăng cường sửa chữa” khắp trong Nam ngoài Bắc. Tàu có đến trễ cũng chả thèm thông báo cho khách biết. Đã vậy, vì “giật mình” nên giá vé bỗng dưng tăng một cách chóng mặt. Nếu giá vé trước đây đi trên chặng đường 400km giường nằm tầng 1 khoang 4 giường chưa đến 500 nghìn thì nay tăng gần 700 nghìn, đắt hơn vé máy bay trên cùng chặng đường. Hỏi lý do thì được giải thích là vì học sinh nghỉ hè nên nhu cầu đi lại tăng, dù nhiều hôm, trên khoang 4 giường nhưng chỉ có mỗi một khách!
 
  TRẦN ĐĂNG
 
 

.