Và mùa xuân cũng theo về...

02:01, 25/01/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sáng 23.1, tàu HQ-561 đã cập cảng Cam Ranh (Khánh Hòa), kết thúc chuyến hải trình dài gần 20 ngày đưa hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ở các đảo: Trường Sa, Đá Lát, Đá Tây, Trường Sa Đông, Đá Đông (thuộc quần đảo Trường Sa).

TIN LIÊN QUAN

Trên hải trình trở về trong những ngày giáp Tết, tàu HQ- 561 đưa “những người con của Trường Sa” trở về quê mẹ đón Tết trong niềm vui khôn xiết của người thân.

Xúc cảm ngày về

Trên chuyến tàu HQ-561 trở về đất liền lần này có hàng trăm quân nhân được nghỉ phép hoặc hết nghĩa vụ quân sự được về quê hương đón Tết. Vừa bước chân lên bờ, chiến sĩ Võ Đình Đôn, xã Phổ Thuận (Đức Phổ-Quảng Ngãi) đã bấm điện thoại gọi cho mẹ ở quê nhà. Giọng nói của Đôn chất chứa cảm xúc của người con lâu ngày chưa được gặp mẹ. Thực hiện nghĩa vụ quân sự hơn một năm qua tại Trường Sa, Tết này Đôn được về nhà ở hẳn. “Nhà mình chuẩn bị Tết đến đâu rồi? Con về chuyến này là kịp giúp gia đình dọn dẹp nhà cửa đón Tết rồi…”, giọng Đôn rộn ràng qua điện thoại.

Xúc cảm ngày về.                                                                                                                                                       Ảnh: NGUYỄN TRIỀU
Xúc cảm ngày về. Ảnh: NGUYỄN TRIỀU


Không biết ngẫu nhiên hay có một truyền thống nào đấy, mà phần đông những người lính Trường Sa đều ở tận Quảng Bình, Thanh Hóa, Thái Bình... Để từ quân cảng Cam Ranh về được đến quê, có người phải nhờ bạn bè, người thân đặt vé tàu xe trước cả tháng trời. Trong ánh mắt của trung úy Nguyễn Văn Minh, người xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) phảng phất nhiều tâm sự. Anh Minh kể: Mình đóng quân ở Đá Lát, Tết này đúng tròn hai năm. Bây giờ được quay trở lại đất liền. Gắn với nghiệp lính, đi miết ở Trường Sa, mỗi năm về phép chỉ 40 ngày. Tất cả gánh nặng gia đình, chăm sóc, dạy dỗ con cái đều giao hết cho vợ. Nghĩ mà thương vợ quá. “Về Tết chuyến này vui lắm, nhưng nghĩ đến anh em vẫn ngày đêm đau đáu canh giữ biển đảo trong đêm giao thừa mà lòng mình cũng xao xuyến lắm”, anh Minh tâm sự.

Đại tá Bùi Đình Dương (bên phải) - Lữ đoàn phó Lữ đoàn 146, Trưởng đoàn công tác tàu 561, trao quà Tết cho cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Tây.
Đại tá Bùi Đình Dương (bên phải) - Lữ đoàn phó Lữ đoàn 146, Trưởng đoàn công tác tàu 561, trao quà Tết cho cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Tây.

 

Tình cảm người lính

Có những điểm đảo chìm, đoàn lưu lại một đêm như Đá Tây, thì cán bộ, chiến sĩ phải nhường chăn, mền, gối cho mọi người. Đêm đến, đại úy Lâm Thế Phong - Chỉ huy trưởng đảo, cứ bồn chồn như tự trách mình: “Mọi người thông cảm, nhà nhỏ nên anh em phải ngủ chật chội như vầy. Nếu có gì thiếu sót, cũng đừng trách lính đảo nhé!”. Sự chân tình trong từng câu nói làm ai cũng xúc động. Vậy nên, cứ mỗi lần rời một điểm đảo, giọt nước mắt lại chực rơi trên khuôn mặt của cánh phóng viên nữ.

Trong chuyến tàu trở về đất liền, hai cô con gái khá xinh xắn của vợ chồng anh Nguyễn Thành Hưng và chị Lê Thị Trúc Hà cứ nhảy múa, cười đùa. Tết này, cả gia đình anh chị được trở về quê Ninh Hòa (Khánh Hòa) để đón Tết cùng với người thân. Quà Tết từ đảo xa dành tặng bà con họ hàng là những nhánh hoa được chị Hà kết từ vỏ ốc. Với chị Hà, dù món quà không mang giá trị vật chất lớn, nhưng tình cảm chị dốc vào từng “bông hoa” là cả những nỗi niềm của người con sống nơi đảo xa. Đó chỉ là vài câu chuyện của những người trở về. Còn hàng nghìn người đang ngày đêm ở lại với Trường Sa, cả những người lính và nhân dân sống trên đảo, thì Xuân Bính Thân 2016 đã đến sớm với những chuyến tàu chở rau xanh, heo, mứt kẹo... đến với tất cả đảo nổi, đảo chìm trên quần đảo Trường Sa.

Vương vấn Trường Sa

Gần 20 ngày qua, tàu Quân y 561 đã có chuyến hành trình vượt sóng mang quà Tết đến với cán bộ, chiến sĩ Trường Sa. Chuyến hải trình những ngày cuối năm cứ ngỡ sẽ đầy sóng gió, thế nhưng, trời Trường Sa nắng đẹp đến nao lòng. Từng con sóng cứ nhẹ nhàng vỗ về ôm lấy mạn tàu như muốn theo chân những tấm lòng thơm thảo đến với Trường Sa. Dù là đảo nổi Trường Sa Lớn, Trường Sa Đông hay đảo chìm khắc nghiệt Đá Lát, Đá Tây, Đá Đông, đoàn công tác tàu 561 luôn nhận được sự đón tiếp nồng hậu của cán bộ, chiến sĩ nơi đây.

Cán bộ, chiến sĩ Trường Sa gói bánh chưng đón Tết.
Cán bộ, chiến sĩ Trường Sa gói bánh chưng đón Tết.


Thời gian lưu lại mỗi đảo không lâu, nhưng từng nụ cười, cái ôm khiến ai cũng xúc động. Bởi để đến được từng điểm đảo, cánh phóng viên phải trung chuyển bằng xuồng CQ vượt vài hải lý. Dù trời nắng, song, sóng vẫn đánh vào mạn xuồng làm chao đảo, người trên thuyền cứ ngã nghiêng.

Ở Trường Sa, bên những bếp lửa cháy bập bùng để nấu bánh chưng, chúng tôi được nghe những câu chuyện về Tết thật xúc động. Thượng úy Nguyễn Công Hoằng, ở đảo Trường Sa Lớn chia sẻ: “Tết ngoài này có nhiều khác biệt so với ở quê. Đầu tiên là thiếu cái se se lạnh của đất liền. Dịp Tết cũng nhớ gia đình, vợ con, nhưng nhiệm vụ luôn được mọi người đặt lên hàng đầu”.

Sẽ không thể nói hết những đêm không ngủ giữa trùng khơi. Không thể quên những lần ngồi lắc lư trên chiếc xuồng “tăng bo” trung chuyển. Càng không thể quên nụ cười hồn hậu của người lính nơi đảo xa. Theo về đất liền với tôi là lá cờ ngày ngày vẫn hiên ngang, kiêu hùng tung bay trên biển đảo Trường Sa được chính thiếu tá Nguyễn Quốc Hùng - Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa Đông, trao tặng. Ấn vào tay tôi lá cờ đã sờn cũ, thiếu tá Hùng bồi hồi: “Là tấm lòng của người lính nơi đầu sóng ngọn gió gửi trọn niềm tin tất thắng trước thềm Xuân mới về đất liền”. Rời Trường Sa, ai đó trong đoàn cứ ngân nga mãi câu hát: “Ra đảo về khỏi cần hẹn lần sau/Bởi Trường Sa đã gần lắm lắm/Các anh giữ gìn lá cờ đỏ thắm/Là hồn thiêng dân tộc ở Trường Sa” (Giữa trùng khơi sóng).

 

 Bài, ảnh: NGUYỄN TRIỀU

 


.