Tháo dỡ lồng bè nuôi thủy sản ở Bình Sơn: Người dân mong được hỗ trợ

09:08, 14/08/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nghề nuôi trồng thủy sản bằng lồng bè của người dân thôn Tuyết Diêm 1, xã Bình Thuận (Bình Sơn) đã có từ khá lâu. Tuy nhiên, để nhường mặt bằng cho dự án Bến cảng tổng hợp - Container của Công ty Hòa Phát Dung Quất (gọi là dự án), người dân buộc phải tháo dỡ, chấm dứt việc nuôi trồng thủy sản nằm trong vùng dự án.

TIN LIÊN QUAN

Thực hiện chỉ đạo của tỉnh về việc giải phóng lồng bè của các hộ dân đang nuôi trồng thủy sản trong mặt bằng dự án, giữa tháng 7.2019, UBND huyện Bình Sơn đã tổ chức cuộc họp với các hộ dân. Theo đó, có 12 hộ dân ở xã Bình Thuận nuôi trồng thủy sản (9 hộ nuôi hàu, 3 hộ nuôi cá) trong khu vực dự án mang tính tự phát, không theo quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản của tỉnh.

Do vậy, UBND huyện Bình Sơn đã giao cho UBND xã Bình Thuận tổ chức tuyên truyền, vận động 12 hộ dân trên tháo dỡ lồng bè, chấm dứt nuôi trồng thủy sản trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, đề nghị Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi lập biên bản xử lý vi phạm đối với các hộ dân trên.

UBND huyện Bình Sơn cũng kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Công ty CP Cảng tổng hợp Hòa Phát hoàn chỉnh đầy đủ các hồ sơ pháp lý theo quy định của Nhà nước về dự án trên.

Hiện nay, các hộ dân nuôi thủy sản ở xã Bình Thuận (Bình Sơn) nằm trong vùng dự án vẫn chưa chịu tháo dỡ lồng bè.
Hiện nay, các hộ dân nuôi thủy sản ở xã Bình Thuận (Bình Sơn) nằm trong vùng dự án vẫn chưa chịu tháo dỡ lồng bè.

Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa có hộ dân nào thực hiện. Ông Bùi Tính, thôn Tuyết Diêm 1, xã Bình Thuận cho biết: Hiện tại gia đình tôi nuôi 10 lồng hàu được bốn tháng, còn khoảng hai tháng nữa là thu hoạch. Kinh phí đầu tư hệ thống lồng bè, con giống... khoảng 80 triệu đồng.

Chúng tôi mong Nhà nước kéo dài thời gian cho người dân vài tháng nữa, để hàu đủ trọng lượng mới xuất bán được. Hơn nữa, nghề nuôi trồng thủy sản là sinh kế chính của nhiều người dân, nếu phải tháo dỡ thì đành phải bỏ nghề. Chúng tôi cũng đã lớn tuổi, xin vào làm công nhân ở các KCN người ta không nhận. Vì thế, cuộc sống sẽ càng thêm khó khăn.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thuận Tạ Văn Minh, xã Bình Thuận nằm trong vùng quy hoạch xây dựng KKT Dung Quất, diện tích đất sản xuất nông nghiệp đang dần bị thu hẹp, đa số người dân làm nghề đánh bắt thủy sản ven bờ, nhưng những năm gần đây, các cảng biển được xây dựng, khiến người dân dần mất nơi mưu sinh.

Chúng tôi khẳng định, người dân nuôi trồng thủy sản ở đây để phát triển kinh tế, chứ không phải để đầu cơ, trục lợi hỗ trợ từ các dự án. Xã cũng đã chấp hành chủ trương của huyện, tỉnh, thành lập các đoàn tuyên truyền, vận động người dân tháo dỡ các lồng bè nuôi thủy sản. Tuy nhiên, vì vốn đầu tư nuôi thủy sản của hàng chục hộ dân khá lớn (ước tính mỗi hộ đầu tư từ 80 - 100 triệu đồng), nên họ mong Nhà nước hỗ trợ một phần nào đó để chuyển đổi ngành nghề.

Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Nguyễn Quang Trung cho biết: UBND tỉnh đã giao Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh hướng dẫn Công ty CP Cảng tổng hợp Hòa Phát hoàn chỉnh đầy đủ hồ sơ pháp lý, để triển khai thực hiện dự án, tạo sự đồng thuận của người dân nuôi trồng thủy sản trong khu vực.

Bài, ảnh: NGỌC VIÊN
 

.