Tích tụ ruộng đất: Rào cản từ thủ tục

03:07, 02/07/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dồn điền đổi thửa (DĐĐT), tích tụ ruộng đất (TTRĐ) để hình thành vùng sản xuất tập trung, tạo thuận lợi cho việc ứng dụng cơ giới hóa, góp phần nâng cao hiệu quả và thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, một số rào cản từ thủ tục hành chính khiến việc TTRĐ lắm nhiêu khê.

TIN LIÊN QUAN

Nông dân sợ mất đất

“Đất mình làm kém hiệu quả, cho doanh nghiệp thuê sản xuất cũng tốt. Nhưng sau khi phá bờ, hình thành cánh đồng lớn thì sau này, phần ruộng của tôi ai sẽ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”, ông Nguyễn Văn Dũng, xã Phổ Cường (Đức Phổ) đặt vấn đề.

Câu hỏi trên “làm khó” một số cá nhân hoặc doanh nghiệp có ý định thuê đất tích tụ để mở rộng quy mô sản xuất. Bởi, thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) là của chính quyền các cấp. Còn cá nhân hoặc doanh nghiệp (DN) thuê đất chỉ biết “đánh dấu” đất của từng hộ bằng các cọc bê tông! Vì vậy, người dân lo diện tích đất của mình sẽ bị biến động giảm, thậm chí bị mất sau khi cho thuê.

Thực hiện dồn điền, đổi thửa sẽ tạo điều kiện áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, nâng cao hiệu quả và thu nhập cho người dân.
Thực hiện dồn điền, đổi thửa sẽ tạo điều kiện áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, nâng cao hiệu quả và thu nhập cho người dân.


Xã Phổ Cường có trên 500ha đất lúa không chủ động nước tưới. Vì vậy, thời gian qua, Nhà máy đường Phổ Phong đã đặt vấn đề với chính quyền địa phương và người dân về việc chuyển đổi từ cây lúa sang mía theo hướng cho thuê đất tích tụ hoặc góp đất tích tụ; dân góp đất hình thành cánh đồng lớn. Người dân đồng tình hướng đi này. Họ ủng hộ khi năng suất bình quân của những cánh đồng mía lớn đạt trên 70 tấn/ha, cao hơn đại trà 17 tấn/ha.

Tuy nhiên, khi DN nêu cách thực hiện DĐĐT là phá bờ, hình thành vùng sản xuất liên vùng thì người dân sợ... mất đất! Dù Nhà máy đường Phổ Phong cam kết thực hiện đầy đủ các thủ tục hành chính về đất đai, nhưng người dân vẫn không tin tưởng hợp tác. Vì vậy, thay vì cho thuê đất tích tụ hoặc góp đất tích tụ, nhiều người lại chấp nhận bỏ đất hoang. Đây là lý do khiến xã Phổ Cường chỉ có 70ha ở các xứ đồng Bàn Thạch, Bà Nản và đồng Vách thực hiện thành công việc TTRĐ.

Chính quyền lo trách nhiệm

Để tích tụ 10ha đất trở lên, các DN hoặc cá nhân phải tự làm việc và đàm phán với hàng trăm hộ dân. Vì phải thực hiện bộ thủ tục thuê đất riêng cho từng hộ, nên phải mất cả năm hợp đồng mới hoàn thành. Ông Lê Châu, thôn Thạch Thang, xã Đức Phong (Mộ Đức), cho biết: “Dù không sản xuất, nhưng vì nhiều lý do, người dân cũng chẳng muốn cho người khác thuê đất. Vì vậy, nếu không có sự hỗ trợ của chính quyền, chúng tôi rất khó thuê đất tích tụ”.

Đơn cử như ông Châu, để có 15ha đất hình thành vùng sản xuất mía tập trung, ông và hai người nữa đã mất rất nhiều thời gian để thuyết phục, giải thích để người dân đồng ý cho thuê đất. Thậm chí, nhiều người còn yêu cầu ông Châu phải thực hiện công chứng hợp đồng thuê đất, đề phòng trường hợp bất trắc! Tuy nhiên, vì không rành về thủ tục hành chính, nên ông Châu cũng lúng túng. “Rất may là tôi được Nhà máy đường Phổ Phong và chính quyền các cấp hỗ trợ, chứ không thì 15ha đất cát cũng chẳng có cơ hội xanh mía”, ông Châu bày tỏ.

Nhưng không phải hộ nào cũng được chính quyền cơ sở hỗ trợ như ông Châu. Thực tế ở nhiều địa phương, thay vì làm cầu nối giữa DN và người dân, chính quyền cơ sở lại lảng tránh, vì không muốn vướng trách nhiệm. Phó Giám đốc Nhà máy đường Phổ Phong Nguyễn Xuân Hảo, cho biết: Mỗi lần đơn vị làm việc với người dân, lãnh đạo chính quyền địa phương hay HTXNN hiếm khi tham dự.

Vì vậy, khi người dân đặt vấn đề về việc cấp giấy CNQSDĐ hoặc lo ngại tính pháp lý trong hợp đồng thì DN bế tắc. Bởi người dân nghi ngại hợp đồng thuê đất giữa họ và DN hoặc một số cá nhân là không có giá trị pháp lý, vì không có sự chứng kiến của chính quyền địa phương.

Trong khi đó, chính quyền một số địa phương lại cho rằng, việc thuê đất tích tụ của DN hoặc một số cá nhân với người dân là... việc riêng của từng hộ dân, nên UBND xã không can thiệp. Vì vậy, chỉ khi nào DN và người dân cần sự hỗ trợ, chính quyền mới vào cuộc, giúp đỡ về mặt thủ tục hành chính hay tính pháp lý! Với quan điểm này thì không biết đến bao giờ việc DĐĐT, TTRĐ mới tạo đột phá?.

Bài, ảnh: MỸ HOA

 


.