Hỗ trợ thiệt hại do mưa lũ: Thủ tục cứng nhắc, chính sách bất cập

08:04, 12/04/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mục tiêu của các chính sách hỗ trợ thiệt hại do thiên tai là giúp nông dân vượt khó, sớm khắc phục hậu quả và tái sản xuất. Tuy nhiên, với sự cứng nhắc về thủ tục, việc thực thi còn bất cập, nên người dân vùng lũ chưa nhận được chính sách này.

TIN LIÊN QUAN

Năm 2016, mưa lũ diễn ra dồn dập vào thời điểm cuối năm, cận kề với lịch thời vụ sản xuất vụ đông xuân 2016 - 2017. Vì vậy, để giúp nông dân vùng lũ vượt khó, sớm tái thiết sản xuất, Chính phủ đã hỗ trợ tỉnh 12 tấn rau, bắp giống và chi tạm ứng 4 tỷ đồng để mua các loại giống cây trồng còn thiếu. UBND tỉnh cũng đã hỗ trợ hơn 7,8 tỷ đồng, giao Sở NN&PTNT mua các loại giống hành, tỏi, lúa, rau, đậu và bắp để hỗ trợ người dân vùng lũ, đảm bảo tiến độ sản xuất vụ đông xuân.  
 
“Đợi đấu thầu, nông dân khỏi gieo sạ”

Đó là khẳng định của Giám đốc Sở NN&PTNT Dương Văn Tô khi nói đến vấn đề hỗ trợ nông dân khắc phục thiệt hại do mưa lũ. Đầu vụ sản xuất đông xuân 2016 - 2017, ngành nông nghiệp và nông dân một số địa phương thấp thỏm lo không có giống gieo sạ. Đã thế, lịch thời vụ cận kề mà các đơn vị liên quan vẫn yêu cầu Sở NN&PTNT tổ chức thẩm định giá, đấu thầu các loại giống cung ứng. “Quy định cũng phải phù hợp với từng thời điểm, tính chất vụ việc. Nếu đợi làm đúng quy trình, hoặc là nông dân sạ trễ, hoặc bà con sử dụng giống không đạt chất lượng để kịp sản xuất”, ông Tô cho biết.

Bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ nhưng người trồng hoa không được hỗ trợ.                                                                                      Ảnh: T.L
Bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ nhưng người trồng hoa không được hỗ trợ. Ảnh: T.L


Theo lãnh đạo Phòng Kế hoạch (Sở NN&PTNT), thời gian hoàn thành công tác thẩm định và đấu thấu cung ứng giống nhanh nhất cũng gần một tháng, trong khi lịch thời vụ của nông dân cũng chỉ kéo dài 15 - 20 ngày. Vì vậy, để kịp thời cung ứng giống cho nông dân, Sở NN&PTNT chỉ thực hiện việc thẩm định giá, làm cơ sở thanh toán về sau. Sự linh động này đã giúp hàng nghìn hécta lúa xuống giống đúng lịch thời vụ. “Về lâu dài, khi thực hiện hỗ trợ khẩn cấp, chỉ cần đơn vị đầu mối lựa chọn đơn vị cung ứng giống uy tín, đảm bảo đúng số lượng, chủng loại và chất lượng. Còn các thủ tục thì bổ sung sau”, ông Tô đề xuất.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, yêu cầu “thẩm định và đấu thầu” là nhằm tạo sự bình đẳng cho các đơn vị cung ứng giống. Vấn đề này, ông Dương Văn Tô cho rằng: “Thông tin cung ứng giống được công khai, minh bạch trên các phương tiện thông tin đại chúng, nên các đơn vị đều có quyền tham gia. Đơn vị nào đáp ứng các yêu cầu về số lượng, chủng loại, chất lượng cũng như giá cung ứng giống thì được chọn”.

Chính sách hỗ trợ bất cập

Không chỉ năm 2016, mà những mùa mưa lũ trước, người trồng hoa trên địa bàn tỉnh cũng chịu thiệt hại vô cùng nặng nề. Riêng đợt mưa lũ năm 2016, toàn tỉnh có gần 300 nghìn chậu hoa bị hư hoàn toàn. Thiệt hại ước tính trên 15 tỷ đồng. Điều oái ăm là theo Nghị định 02 của Chính phủ về cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp vùng bị thiệt hại thiên tai, người trồng hoa không được hỗ trợ giống, vốn vay để tái sản xuất.

Điều này khiến hơn 700 hộ dân vùng chuyên canh trồng hoa trong tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. “Cũng là nông dân nhưng các hộ trồng lúa, hoa màu thì được hỗ trợ giống, vay vốn ưu đãi, còn người trồng hoa thì không. Chẳng lẽ, trồng hoa không phải là sản xuất nông nghiệp?”, ông Nguyễn Văn Quang, người trồng hoa ở xã Nghĩa Mỹ (Tư Nghĩa) đặt vấn đề.

Thiệt hại quá lớn, lại không được trợ sức, nên đến thời điểm này, nhiều người trồng hoa trên địa bàn tỉnh loay hoay với “2 không”. Đó là "không giống" và "không vốn". Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tư Nghĩa Trần Thiên Thanh cho rằng: “Trồng hoa là nghề mang lại thu nhập chính cho hàng nghìn người dân trên địa bàn huyện. Do vậy, chính sách hỗ trợ thiệt hại “bỏ rơi” người trồng hoa khiến họ rơi vào cảnh chật vật, thậm chí nhiều người bỏ nghề vì không có điều kiện tái đầu tư”.

Thủ tục thực hiện hỗ trợ khẩn cấp cứng nhắc. Chính sách hỗ trợ đối tượng bị thiệt hại do mưa lũ chưa phù hợp và “vênh” với thực tế của từng địa phương. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả của chính sách, bởi chính sách là một trong những trợ lực giúp người dân gượng dậy sau thiên tai bão lũ. “Những bất cập của chính sách cần phải được điều chỉnh kịp thời, nhằm chia sẻ, giúp nông dân vượt khó để có điều kiện ổn định cuộc sống, tái thiết sản xuất”, ông Trần Thiên Thanh đề xuất.
 

MỸ HOA
 


.