Bị làm khó trong giải quyết thủ tục hành chính

09:05, 10/05/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, nhiều người dân bức xúc phản ánh với Sở Tư pháp về tình trạng cán bộ, công chức của một số địa phương trên địa bàn tỉnh có những việc làm rất tùy tiện trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), đi ngược quy định về giải quyết TTHC đã được Chủ tịch UBND tỉnh công bố.

Trưởng Phòng Kiểm soát TTHC (Sở Tư pháp) Nguyễn Thanh Hoài cho biết, vừa qua, phản ánh với Sở Tư pháp, bà H. cho biết, em trai của bà về địa phương xác minh lý lịch để xin việc làm ở TP.Hồ Chí Minh, nhưng bị cán bộ địa phương "làm khó", với lý do gia đình bà H. chưa đóng đủ tiền làm đường giao thông bê tông nông thôn.

Bà H. nói: Gia đình tôi hiện đang gặp khó khăn, nên chưa đóng đủ, chứ không phải không đóng". Tương tự, bà L. phản ánh, mỗi khi lên chứng giấy tờ như làm khai sinh, đăng ký kết hôn, UBND xã yêu cầu người dân sang bên Đội thu thuế để xin giấy xác nhận là không còn nợ khoản thuế nào thì Chủ tịch UBND xã mới đồng ý cho giải quyết thủ tục.

Người dân theo dõi các TTHC niêm yết tại trụ sở UBND xã Bình Phú (Bình Sơn).
Người dân theo dõi các TTHC niêm yết tại trụ sở UBND xã Bình Phú (Bình Sơn).


Còn vợ chồng ông H. thì bức xúc phản ánh: Người con trai của vợ chồng ông có mảnh đất riêng, muốn thế chấp vay vốn ngân hàng để làm ăn và cần UBND xã xác nhận tình trạng hôn nhân là độc thân, để tự định đoạt tài sản vay. Nhưng tới lui nhiều lần, UBND xã vẫn không chịu xác nhận tình trạng hôn nhân cho con trai của ông, vì có người em trai chưa thực hiện lệnh khám nghĩa vụ quân sự.
 

Muốn chứng giấy phải ủng hộ tiền

Người dân tại một số xã trên địa bàn tỉnh cho biết, khi đến xã làm thủ tục chứng thực hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất bị yêu cầu phải ủng hộ cho UBND xã một khoảng tiền từ vài trăm nghìn đến một triệu đồng. Việc ủng hộ tiền được một số địa phương ghi biên nhận là tự nguyện ủng hộ, chứ không phải ép buộc, nhưng theo người dân và qua kiểm tra đột xuất của Sở Tư pháp, thì người dân bị yêu cầu phải làm việc này.

Tại bộ phận tiếp nhận phản ánh của công dân ở Sở Tư pháp, bà P. cho biết, việc đăng ký kết hôn của mình bị UBND xã gây khó khăn, kéo dài vài tháng trời. Lý do, bà là người của địa phương khác chuyển khẩu đến xã này sinh sống. Vì vậy, UBND xã cho biết phải gửi văn bản đến nơi ở cũ để kiểm tra, xác minh về tình trạng hôn nhân của bà trong thời gian ở tại đây và hẹn khi nào UBND xã nơi ở cũ của bà có văn bản trả lời, sẽ gọi bà lên cho đăng ký kết hôn. Tuy nhiên, đợi lâu không thấy, bà lên UBND xã hỏi thì được trả lời là do bận quá chưa gửi văn bản đi xác minh được, nếu bà muốn nhanh thì tự trở về nơi đó yêu cầu UBND xã nơi ở cũ gửi văn bản trả lời về tình trạng hôn nhân của bà xuống đây.

Theo Trưởng Phòng Kiểm soát TTHC (Sở Tư pháp) Nguyễn Thanh Hoài, những việc làm tùy tiện nêu trên của một bộ phận cán bộ, công chức dù đã được chấn chỉnh, nhưng vẫn còn gây bức xúc, xâm phạm đến quyền lợi của người dân. Hơn nữa, nếu những việc làm này tiếp diễn sẽ gây mất niềm tin của nhân dân với chính quyền, cản trở mục tiêu cải cách hành chính, nhất là cải cách TTHC mà Đảng và Nhà nước ta đang quyết tâm thực hiện. Để chấn chỉnh, loại bỏ việc tùy tiện trong giải quyết TTHC hiện nay, đòi hỏi cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh phải cùng vào cuộc để giám sát, kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm.

Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát TTHC của các cơ quan từ cấp tỉnh đến cơ sở, nhất là công tác kiểm tra đột xuất hoạt động giải quyết thủ tục và tiếp nhận TTHC; xử lý nhanh chóng, kịp thời các phản ánh của người dân về TTHC. Hơn nữa, cần làm tốt việc niêm yết công khai, minh bạch TTHC tại nơi tiếp nhận, giải quyết thủ tục để người dân theo dõi và giám sát việc chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức. “Khi phát hiện cán bộ, công chức có hành vi tùy tiện, tiêu cực, nhũng nhiễu trong giải quyết TTHC, người dân cần phản ánh ngay với Sở Tư pháp để được xem xét, giải quyết”, ông Hoài nhấn mạnh.
 

Bài, ảnh: NG.TRIỀU

 


.