Hiệu quả từ việc dồn điền đổi thửa

09:06, 29/06/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trước đây, việc giao đất nông nghiệp theo Nghị định 64 của Chính phủ được các địa phương trong tỉnh thực hiện theo phương châm “có gần, có xa, có tốt, có xấu” nên diện tích phân chia cho từng hộ nhỏ lẻ, phân tán, rất khó khăn cho việc đầu tư sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, cũng như áp dụng cơ giới hóa trong nông nghiệp và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Hệ quả là diện tích sản xuất nông nghiệp ở Quảng Ngãi vẫn cứ luẩn quẩn theo lối canh tác manh mún, thiếu đồng bộ và kém tính cạnh tranh.  
 

Để khắc phục tình trạng trên, UBND tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ khuyến khích thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Kết quả, từ năm 2013 - 2016 toàn tỉnh đã thực hiện dồn điền đổi thửa được hơn 1.866ha với tổng số tiền ngân sách hỗ trợ trên 37,3 tỷ đồng.

 

Xã Phổ Châu (Đức Phổ) thực hiện dồn điền đổi thửa đầu tư xây dựng cánh đồng lớn chuyên canh nếp ngự Sa Huỳnh.
Xã Phổ Châu (Đức Phổ) thực hiện dồn điền đổi thửa đầu tư xây dựng cánh đồng lớn chuyên canh nếp ngự Sa Huỳnh.

Riêng trong 6 tháng đầu năm 2017, các địa phương tiếp tục đăng ký thực hiện dồn điền đổi thửa với diện tích hơn 2.458ha, tổng kinh phí ngân sách hỗ trợ hơn 54,8 tỷ đồng. Trong phong trào này nổi lên rất nhiều địa phương thực hiện tốt công tác dồn điền đổi thửa như các xã Bình Dương, Bình Minh, Bình Mỹ (Bình Sơn); Tịnh Hà (Sơn Tịnh); Nghĩa Kỳ, Nghĩa Thuận, Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa); Đức Hòa, Đức Nhuận, Đức Tân (Mộ Đức); Phổ Vinh, Phổ Quang (Đức Phổ); Hành Thịnh (Nghĩa Hành)... Đặc biệt, xã Sơn Linh (Sơn Hà) là xã đầu tiên của các huyện miền núi trong tỉnh tiên phong trong công tác dồn điền đổi thửa. Năm 2016, Sơn Linh đã tiến hành dồn điền đổi thửa trên diện tích 8,6ha đất trồng cây hằng năm, với tổng kinh phí thực hiện 240 triệu đồng.

  Sau khi dồn điền đổi thửa, số thửa/hộ giảm từ 3-4 thửa/hộ xuống còn 1-2 thửa/hộ và diện tích tối thiểu là 1.000m2/thửa, rất thuận lợi cho việc phát triển giao thông và thủy lợi nội đồng, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, giảm chi phí đầu tư, tăng năng suất, sản lượng và chất lượng nông sản hàng hóa. Nhờ đó, hiệu quả kinh tế tăng lên rõ rệt, ước đạt khoảng trên 30% so với trước khi dồn điền đổi thửa.

Điển hình như vụ đông xuân 2016-2017, toàn tỉnh đã thực hiện dồn điền đổi thửa, triển khai xây dựng 59 cánh đồng lớn với tổng diện tích sản xuất trên 1.453ha, năng suất bình quân ước đạt 66,8 tạ/ha, tăng từ 8-10 tạ/ha. Đối với diện tích sản xuất mía, đến cuối năm 2016 toàn tỉnh đã thực hiện dồn điền đổi thửa, mở rộng diện tích trên 350ha tại các huyện Đức Phổ, Mộ Đức, Nghĩa Hành, Sơn Tịnh, Bình Sơn. Năng suất mía bình quân đạt 80-90 tấn/ha, tăng 20-30 tấn/ha.

 Thực tế trên cho thấy, công tác dồn điền đổi thửa đã mang lại hiệu quả rất đáng khích lệ. Bước đầu khắc phục được tình trạng manh mún ruộng đất, từng bước hình thành vùng sản xuất tập trung phù hợp với điều kiện của từng địa phương, góp phần quan trọng trong việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Vì vậy, trong thời gian tới, các địa phương cần triển khai thực hiện công tác dồn điền đổi thửa đạt hiệu quả cao hơn nữa, nhằm chỉnh trang lại đồng ruộng, cải thiện và nâng cấp kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, làm tiền đề cho việc tích tụ ruộng đất, góp phần tạo nền tảng quan trọng trong liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy nông nghiệp phát triển, tăng thu nhập cho người dân và hỗ trợ tích cực cho quá trình xây dựng nông thôn mới.
  

Bài, ảnh:  NGUYỄN KHÂM

 


.